Sự khác nhau giữa visa kỹ năng đặc định và visa tu nghiệp

Visa Nhật Bản: Từ trước tới nay, dù về mặt hình thức (bản chất) việc tiếp nhận tu nghiệp sinh không được coi là một hình thức tuyển lao động nhưng trên thực tế rất nhiều công ty cần tiếp nhận các lao động đơn giản trong các ngành: xây dựng, nông nghiệp, lâm nghiệp,… thường chọn việc tuyển thực tập sinh kỹ năng và đón sang Nhật theo visa 技能実習(visa tu nghiệp).

Tuy vậy sau khi có loại visa mới này thì sẽ dẫn tới tình trạng nhiều nơi tiếp nhận lao động sau này không biết nên tuyển lao động theo visa nào. Trong phần này, chúng ta sẽ cùng xem xét sự khác nhau giữa 2 loại visa này nhé.

Dưới đây là bảng so sánh giữa 2 loại visa: visa đặc định và visa tu nghiệp Nhật Bản

Mục đích của 2 loại hình visa

Mục đích chính của chế độ thực tập sinh kỹ năng là 国際貢献 (đóng góp cho quốc tế), theo đó, các bạn thực tập sinh sẽ sang làm việc tại Nhật để học hỏi các kĩ thuật tiên tiến của Nhật, sau đó đem về áp dụng để giúp phát triển nền kinh tế Việt Nam. Vì thế, vốn bản chất đây không phải là chế độ mà các doanh nghiệp Nhật có thể kì vọng để giúp bổ sung cho sự thiếu hụt lao động của mình.

Tuy nhiên, trong thực tế, nếu nhìn vào thống kê của JITCO về quy mô các công ty tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài trong năm 2017 sẽ thấy, các công ty có quy mô dưới 10 người chiếm tới 50.4%, từ 10-19 người là 15.6%, và từ 20-49 người là 15.3%.

Có nghĩa là gần 66% các doanh nghiệp tiếp nhận tu nghiệp sinh nước ngoài là những công ty quy mô rất nhỏ chỉ dưới 19 người, nên trên thực tế, chế độ này đang được sử dụng để giải quyết nhu cầu thiếu lao động hơn là cống hiến cho quốc tế như vốn dĩ ban đầu.

Ngược lại, visa 特定技能 có mục đích ban đầu hết sức rõ ràng, đó là giải quyết nhu cầu thiếu hụt lao động của Nhật Bản. Tức là nó không phải là chế độ VÌ NƯỚC BẠN nữa, mà là một chế độ VÌ NHẬT BẢN.

Quốc tịch của lao động

Hiện nay Nhật chỉ có thể tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng từ 15 nước có kí hiệp định với Nhật, bao gồm các nước dưới đây: Ấn Độ, Indonesia, Uzebekistan, Campuchia, Srilanka, Thái, Trung Quốc, Nepal, Bangladesh, Philipin, Peru, Myanmar, Mông Cổ, Lào và Việt Nam.

Còn visa kỹ năng đặc định do chỉ có mục đích đơn thuần là giải quyết sự thiếu hụt lao động của Nhật, nên trên lý thuyết, các công ty có thể tiếp nhận lao động từ bất cứ nước nào.

Tuy vậy, để có thể lấy được visa kỹ năng đặc định loại 1, thì lao động cần vượt qua kì thi tiếng Nhật bắt buộc do phía Nhật tổ chức. Hiện nay, kì thi này mới được lên kế hoạch tổ chức tại 8 nước là: Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Thái, Myanmar, Campuchia và 1 nước nữa, nên thời gian đầu, có lẽ chủ yếu lao động đến Nhật theo visa kỹ năng đặc định sẽ là từ 8 nước kể trên.

Cũng cần lưu ý là có khả năng, việc xét cấp visa mới này đối với lao động tới từ các nước có tỉ lệ bỏ trốn cao cũng sẽ nghiêm ngặt, chặt chẽ hơn. Theo số liệu được công bố của Bộ Tư Pháp, thì 10 nước dưới đây có tỉ lệ lưu trú bất hợp pháp tại Nhật cao Nhật: Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái, Việt Nam, Philipin, Đài Loan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Brazil.

Các bên có liên quan

Do visa kỹ năng đặc định là visa lao động, nên các bên liên quan chỉ bao gồm 2 bên là người lao động và công ty tiếp nhận có kí kết với nhau hợp đồng lao động.

Để hỗ trợ cuộc sống của các lao động nước ngoài, công ty tiếp nhận có thể tuỳ chọn (không bắt buộc) sử dụng dịch vụ hỗ trợ của các cơ quan hỗ trợ (登録支援機関) hoặc tự mình làm.

Ngược lại, chế độ thực tập sinh kỹ năng lại rất phức tạp với số bên tham gia lên tới con số 5.Khoảng hơn 96% số trường hợp là các nghiệp đoàn (事業協同組合) tại Nhật sẽ ký hợp đồng vớicông ty môi giới XKLĐ tại nước sở tại (相手国の送出機関), và trong hợp đồng đó sẽ có thêm sự tham gia của các công ty tiếp nhận tu nghiệp sinh và bản thân các bạn tu nghiệp sinh.  Việc xin visa tu nghiệp sinh cũng không phải do công ty tiếp nhận tiến hành mà do nghiệp đoàn làm.

Khả năng chuyển đổi từ visa tu nghiệp sang visa kỹ năng đặc định

Visa kỹ năng đặc định loại 1 vốn không có liên quan gì tới chế độ thực tập sinh kỹ năng, nên chỉ cần lao động thoả mãn 2 điều kiện dưới đây thì dù có từng đi sang Nhật dưới dạng tu nghiệp sinh hay không cũng đều có thể sang lại Nhật dưới visa kỹ năng đặc định.

  1. Có khả năng tiếng Nhật ở mức hội thoại thông thường, đủ để sinh hoạt.
  2. Đỗ kì thi kiểm tra kiến thức, kinh nghiệm được quy định

Tuy vậy, với các bạn tu nghiệp sinh đã hoàn thành xong chương trình 3 năm tu nghiệp, thìkhông cần tham gia dự kì thi trên vẫn được công nhận là có đủ năng lực tiếng Nhật và các kĩ năng, kinh nghiệm cơ bản mà visa kỹ năng đặc định loại 1 yêu cầu.

Các lao động đã hoàn thành chương trình tu nghiệp sinh sau đó có thể ở luôn lại Nhật để chuyển sang visa kỹ năng đặc định hay phải về Việt Nam rồi xin lại từ đầu thì hiện chưa có văn bản hướng dẫn nào đề cập chi tiết. Tuy vậy, nếu xét theo bản chất ban đầu của chế độ tu nghiệp sinh là đào tạo nhân lực để về đóng góp cho nước sở tại, thì việc chính phủ cho phép chuyển đổi trực tiếp luôn trong nước Nhật từ visa tu nghiệp sang visa kỹ năng đặc định có lẽ sẽ hơi khó xảy ra.

Tiến độ tổ chức kì thi

Theo dự kiến, kỳ thi dành cho 3 ngành nghề là Dịch vụ lưu trú (宿泊業), Hộ lý (介護業), và Dịch vụ ăn uống (外食業) sẽ được tổ chức vào tháng 4 năm 2019, kỳ thi dành cho ngành chế tạo thực phẩm đồ uống (飲食料品製造業) sẽ được tổ chức vào tháng 10/2019, kỳ thi dành cho ngành Vệ sinh toà nhà sẽ được tổ chức vào sau mùa thu năm 2019. Kỳ thi dành cho 9 ngành nghề còn lại tự kiến cũng sẽ được tổ chức cho đến trước tháng 4/2020.

Trong thời gian chờ đến khi các kỳ thi của các ngành nghề được tổ chức, thực tập sinh kỹ năng số 2 thuộc nhóm được miễn không phải tham gia kỳ thi trên có thể làm thủ tục chuyển đổi sang visa kỹ năng đặc định.

Để có thể chuyển sang được visa kỹ năng đặc định số 2 thì người lao động sẽ phải trải qua 1 kỳ thi kỹ năng để đánh giá xem người lao động đã đạt đến trình độ kỹ năng thành thục chưa. Kỳ thi này dành cho 2 ngành nghề là Xây dựng và Chế tạo đóng tàu, được dự kiến tổ chức vào năm 2021.

Trên đây là phần giải thích sơ bộ về loại visa đặc định mới này để các bạn quan tâm có thể phần nào hình dung về đặc điểm cũng như những điều kiện để xin visa. 
#ATK st