Khánh thành bảo tàng tưởng niệm trận Đại động Đông Nhật Bản và thảm hoạ hạt nhân Fukushima Nhật Bản

Một chương tăm tối trong lịch sử gần đây của Nhật Bản đã được lưu giữ tại một địa điểm ở thị trấn Futaba thuộc tỉnh Fukushima. Bảo tàng Tưởng niệm trận Đại động Đông Nhật Bản và thảm hoạ hạt nhân vừa khánh thành vào tháng 9 vừa qua. Một trong các mục đích của bảo tàng là truyền lại cho thế hệ sau những bài học từ thảm hoạ hạt nhân năm 2011.

Bảo tàng toạ lạc chỉ cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima Số 1 không còn hoạt động có 4km. Giới chức đã dỡ bỏ một phần cảnh báo sơ tán đối với thị trấn Futaba nhưng hiện nay vẫn không có ai sống tại đây.
Bảo tàng chia thành 6 khu vực. Người đến thăm trước tiên sẽ nhìn thấy 7 màn ảnh cỡ lớn chiếu phim trên các bức tường và nền nhà. Một đoạn phim chiếu cảnh đời sống thường nhật trước khi xảy ra thảm hoạ. Những đoạn phim khác chiếu cảnh động đất và sóng thần, thời điểm bắt đầu ban bố tình trạng khẩn cấp về hạt nhân và sơ tán dân cư, cũng như các nỗ lực tái thiết và quá trình dỡ bỏ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Số 1. Những cư dân từng sống ở thị trấn Futaba có mặt để chia sẻ những trải nghiệm mà họ tận mắt chứng kiến.
Một số kỷ vật được đưa đến từ “trung tâm tiền phương”, một cứ điểm được chính quyền lập ra để ứng phó với sự cố. Những kỷ vật này mô tả rất chân thực tình cảnh ngày một xấu đi lúc đó. Những con số nguệch ngoạch trên một tấm bảng trắng ghi lại chỉ số i-ốt phóng xạ đo được. Các tài liệu được gửi bằng fax về chính quyền trung ương và địa phương báo tin rằng nhà máy đã mất điện hoàn toàn.
Một trong những vị khách đầu tiên đến thăm bảo tàng là một người đàn ông 71 tuổi đã sơ tán khỏi Futaba. Ông nói ông vẫn cảm thấy ớn lạnh khi nhớ lại lúc nghe thấy những tiếng nổ từ nhà máy. Ông tin rằng bảo tàng này có vai trò quan trọng giúp mọi người hiểu được điều gì đã xảy ra.
Tấm bảng trắng viết nguệch ngoạc các con số chỉ mức độ i-ốt phóng xạ đo được sau khi thảm hoạ xảy ra.

Một bức ảnh lớn trong bảo tàng có hình tấm bảng hiệu từng được dựng lên đầy tự hào ở trung tâm thị trấn. Trên bảng là dòng chữ “Năng lượng hạt nhân, nguồn năng lượng cho một tương lai tươi sáng”. Tấm bảng rộng 16m này là biểu tượng của những nỗ lực thúc đẩy năng lượng hạt nhân tại địa phương. Nó được dựng lên năm 1988 và gỡ bỏ năm 2016, 5 năm sau sự cố.

Tấm bảng ghi dòng chữ “Năng lượng hạt nhân, nguồn năng lượng cho một tương lai tươi sáng” từng được đặt ở trung tâm thị trấn Futaba.

Anh Onuma Yuji, 44 tuổi, muốn chính tấm bảng đó được trưng bày. Anh nói rằng nó là một phần quan trọng trong lịch sử thị trấn Futaba. Chính anh Onuma là người đề ra khẩu hiệu đó hồi năm 1987, khi anh mới học lớp 6. Khẩu hiệu của anh được giải thưởng của thị trấn và dựng thành bảng cho tất cả mọi người cùng chiêm ngưỡng.

Anh Onuma nói rằng trước sự cố, người dân Futaba thực sự tin rằng năng lượng hạt nhân đại diện cho một tương lai tươi sáng. Một số người cảm thấy tấm bảng là một di sản mang ý nghĩa tiêu cực, nhưng anh Onuma nói rằng nó cần được trưng bày. Anh cho biết: “Tôi tin rằng tấm bảng sẽ khiến khách đến thăm phải suy nghĩ về nhà máy điện hạt nhân, bao gồm cả những bài học từ nhà máy Fukushima Số 1”.

Anh Onuma Yuji đề ra một khẩu hiệu từng đề cao tinh thần lạc quan của địa phương đối với lĩnh vực hạt nhân. Giờ đây, anh muốn tấm bảng hiệu đó được trưng bày tại bảo tàng.

Mặc dù tấm bảng được lưu giữ trong bảo tàng nhưng các quan chức quyết định không trưng bày do kích thức và trọng lượng của nó. Chính quyền tỉnh Fukushima, đơn vị chủ quản bảo tàng, đã thu thập khoảng 240.000 kỷ vật liên quan đến trận động đất, sóng thần và thảm hoạ hạt nhân. Người ta chỉ có thể trưng bày cùng lúc một phần rất nhỏ trong số các kỷ vật này.

Theo NKH