Nhà vệ sinh trong suốt ở Nhật Bản

Nhà vệ sinh ở Nhật: Một số kiến trúc sư và nhà thiết kế có tầm nhìn sáng tạo đã hợp tác trong một dự án độc đáo, biến các công trình công cộng thành điểm tham quan nổi tiếng. Họ đang xây dựng những nhà vệ sinh có một không hai, khơi dậy sự hiếu kỳ và tạo ra một loại hình du lịch mới.

Nhà vệ sinh nhìn xuyên thấu

Ngay khi xuất hiện hồi tháng 8, dãy nhà vệ sinh trong suốt lập tức trở nên nổi tiếng trên mạng internet. Người thì thích thú, người thì thấy sợ trước viễn cảnh sử dụng nhà vệ sinh như vậy. Nhưng hóa ra lại không có vấn đề gì về quyền riêng tư.

Nhà vệ sinh trong suốt được xây dựng tại Vườn hoa Yoyogi Fukamachi và Công viên cộng đồng Haru-no-Ogawa ở Shibuya. Khi trời tối, dãy nhà vệ sinh như những ngọn đèn thắp sáng công viên.

Kiến trúc sư nổi tiếng thế giới Ban Shigeru là người đưa ra ý tưởng trên. Vách tường nhà vệ sinh sử dụng một loại “kính thông minh”, sẽ mờ đi khi khóa cửa. Loại kính này cần dòng điện để có thể nhìn xuyên thấu, do vậy khi mất điện thì người sử dụng cũng không lo ngại bị nhìn thấy trong tình huống tế nhị.

Ông Ban suy ngẫm rất nhiều về cách mọi người sử dụng nhà vệ sinh công cộng. Ông nói: “Trước khi bước vào, mọi người muốn kiểm tra xem có ai núp trong đó không, hoặc nhà vệ sinh có sạch sẽ không, điều đó là hoàn toàn tự nhiên. Và đây chính là giải pháp cho những băn khoăn đó”.

Chủ nhân giải thưởng Kiến trúc Pritzker năm 2014 nói thêm rằng rất bất ngờ trước sự quan tâm của công chúng dành cho tác phẩm này. “Với tôi, việc thiết kế không phải là tạo ra những tòa nhà với hình thù kỳ quặc hay thú vị, nhất là với công trình công cộng. Thiết kế phải là giải quyết vấn đề. Trong trường hợp này, có hai điều chúng ta lo ngại khi bước vào nhà vệ sinh công cộng: an toàn và sạch sẽ”.

Kiến trúc sư Ban Shigeru nổi tiếng với thiết kế và xây dựng nhà tạm giá rẻ cho các khu vực bị thiên tai trên khắp thế giới.

Ông Ban nổi tiếng với tính sáng tạo trong sử dụng vật liệu. Ông từng thiết kế các vách ngăn bằng giấy và vải cho các khu lánh nạn cũng để đảm bảo tính riêng tư. Ông nói: “Có những thời điểm mà quyền riêng tư là rất cần thiết, và những lúc khác thì lại không cần. Đó là suy nghĩ thông thường đối với cả khu lánh nạn tạm thời và nhà vệ sinh công cộng. Các công trình cũng có thể rộng mở hoặc riêng tư, tùy theo nhu cầu”.

Sự thoải mái và tính giải trí

Toàn bộ 17 công trình có vốn từ dự án Nhà vệ sinh Tokyo đều được đặt tại quận Shibuya, Tokyo. Đây là nơi nổi tiếng với văn hóa giới trẻ và sự đa dạng. Quận trưởng Shibuya Hasebe Ken nhìn nhận dự án này là “một cơ hội để quận có thể đem tới niềm vui và giải trí cho cư dân cũng như du khách”.

Tham gia dự án cũng có kiến trúc sư nổi tiếng thế giới Ando Tadao, chủ nhân giải thưởng Pritzker năm 2015, sau ông Ban. Ông Ando nói: “Tôi được các kiến trúc sư khác trong dự án truyền cảm hứng và muốn cống hiến hết sức mình. Giá trị của một công trình không do kích cỡ quyết định. Nhà vệ sinh công cộng này tuy nhỏ, nhưng lại truyền đi thông điệp lớn”.

Ông Ando tập trung vào việc thiết kế những công trình dễ tiếp cận, với hình dạng và cấu trúc hình trụ độc đáo. Công trình có thể tiếp cận từ cả hai phía thông qua một lối đi có mái che, cho phép luồng không khí trong lành và ánh sáng tự nhiên đi qua.

Ông nói: “Tôi muốn người dùng cảm thấy thoải mái khi sử dụng công trình này”. “Tôi đã nghĩ về việc làm thế nào để tất cả mọi người có thể tiếp cận, kể cả những người sử dụng xe lăn. Tôi tin rằng một thành phố phải có tính hòa nhập, và sẽ rất tuyệt nếu ta có thể chứng minh rằng một trong những cách làm điều đó là thay đổi nhà vệ sinh công cộng khiêm tốn”.

Nhà vệ sinh do ông Ando Tadao thiết kế có mái vát nhô ra. Công trình còn được gọi là “amayadori”, tiếng Nhật có nghĩa là “nơi trú mưa”.

Nhà vệ sinh thay đổi thói quen và tư duy

Dự án Nhà vệ sinh Tokyo do quỹ phi lợi nhuận Nippon Foundation thực hiện với sự tham gia của 16 kiến trúc sư và nhà thiết kế nổi tiếng. Tính đến nay có 7 công trình hoàn thiện, phần còn lại dự kiến mở cửa vào mùa Hè sang năm.

Quỹ Nippon Foundation cho biết đã nhận được sự quan tâm từ Ấn Độ, Trung Quốc và châu Âu về xây công trình tương tự. Xem Video: 01:16

Ban tổ chức cho biết mục tiêu của dự án là thay đổi thói quen cũng như suy nghĩ. Ông Hanaoka Hayato thuộc Nippon Foundation nói: “Những thiết kế độc đáo và tiên tiến này giúp tất cả mọi người có thể sử dụng nhà vệ sinh, bất kể giới tính, tuổi tác hay khiếm khuyết cơ thể. Đặc biệt, chúng còn thể hiện các khả năng của một xã hội hoà nhập”.

Ông giải thích: “Nhà vệ sinh là một đặc trưng trong văn hoá hiếu khách nổi tiếng thế giới của Nhật Bản. Mặc dù Nhật Bản được biết đến là một trong những quốc gia sạch nhất thế giới, việc sử dụng nhà vệ sinh công cộng vẫn rất hạn chế do quan niệm đó là nơi tối tăm, bẩn thỉu, hôi hám và đáng sợ. Do vậy, chúng tôi sẽ cố gắng thay đổi suy nghĩ đó”.

Yếu tố tuyệt vời ở đây không phải chỉ là bản thân công trình. Công tác bảo trì và lau dọn sạch sẽ do 3 bên tiến hành: chính quyền quận Shibuya, quỹ Nippon Foundation và cơ quan du lịch quận Shibuya. Các nhân viên đảm nhận các công việc này mặc đồng phục áo liền quần màu xanh nước biển do hãng thời trang Nhật Bản nổi tiếng NIGO giám sát thiết kế.

Theo NHK