Cuộc sống của ông Ambe Hiroshi ở thị trấn Namie từng rất tốt đẹp. Ông nghỉ hưu, thôi không làm ở bưu điện nữa và tận hưởng những sân gôn xanh tươi của tỉnh Fukushima. Vậy mà mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn. Giờ đây, 10 năm sau khi 3 thảm họa liên tiếp ngày 11/3/2011 làm tan rã cộng đồng cư dân Fukushima nơi ông từng sinh sống, cụ ông 85 tuổi này chỉ có thể ngắm cảnh bên ngoài từ cửa sổ căn hộ chật chội ở Tokyo để xua đi nỗi cô đơn.
Thị trấn Namie chỉ cách 7km từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Số 1, nơi có 3 lò phản ứng bị nóng chảy nhiên liệu sau trận động đất và sóng thần lớn. Thể theo chỉ thị sơ tán của chính phủ, ông Ambe và vợ chuyển tới thủ đô Tokyo.
Tuy nhiên, cuộc sống ở thành phố khiến ông không còn là chính mình. Ông cho biết: “10 năm qua như địa ngục vậy. Trong không gian chật chội này, hông và chân tôi yếu đi vì tôi không đi lại nhiều. Sơ tán tới đây chẳng có gì tốt đẹp cả. Tôi thậm chí còn không có bạn”.
Kể cả sau khi lệnh sơ tán đối với thị trấn Namie được dỡ bỏ một phần, nhiều người vẫn chưa quay lại đây. Công tác tái thiết còn trì trệ. Thị trấn vẫn chưa có bệnh viện hay các dịch vụ thiết yếu khác. Ông Ambe bỏ hoang căn nhà cũ của mình, mặc dù nhà ông không bị hư hại gì. Ông cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ khu mộ tổ tiên và tìm nơi an nghỉ mới ở Tokyo.
Người bạn đúng nghĩa duy nhất của ông Ambe là vợ ông, nhưng hiện bà đang phải nhập viện vì có vấn đề về hông và đầu gối. Giờ ông chỉ có một mình, và ông nói rằng ông thường dõi theo những người qua đường một cách đầy mong mỏi: “Tôi tự hỏi rằng cuộc sống là thế này sao. Nó không giống những gì tôi tưởng tượng, nhưng tôi đành phải chấp nhận”.
Đại dịch làm tăng nỗi cô đơn
Ông Ambe nằm trong số khoảng 120 người sơ tán từ tỉnh Fukushima, Miyagi và Iwate tới quận Arakawa ở Tokyo. Hiện nay có khoảng 38 người vẫn còn sống ở quận này. Trong suốt thập kỷ qua, nhân viên phúc lợi xã hội Sakuragi Hiroko giúp họ cảm thấy đỡ cô đơn hơn.
Bà nói rằng nhóm những người đi sơ tán đã tạo được mối quan hệ thân thiết, nhưng đại dịch vi-rút corona giáng một đòn mạnh vào tiến triển mà họ đạt được. Các buổi giao lưu và thăm nhà hàng tháng giờ không thể thực hiện được. Thay vào đó, bà Sakuragi gọi điện hằng tuần để hỏi thăm sức khoẻ thể chất và tinh thần của họ.
Bà nói: “Họ đã phải đi sơ tán rồi, giờ lại phải sống mà bị hạn chế ra khỏi nhà. Trong một số trường hợp, họ ngày càng ốm yếu và qua đời. Đại dịch đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới người cao tuổi”.
Trước đại dịch, những người đi sơ tán gặp nhau mỗi tháng. Đây là buổi giao lưu từ 7 năm trước.
Giáo sư Matsui Kazuhiro của Đại học Niigata, chuyên gia về trải nghiệm của người đi sơ tán, cũng có suy nghĩ tương tự. Tuy nhiên, ông cũng kêu gọi các nhà chức trách phối hợp hành động hơn nữa.
Ông nói: “Tôi nghĩ rằng thời gian càng trôi qua thì vấn đề của những người đi sơ tán càng phức tạp hơn, nhưng cũng càng lộ rõ hơn. Chúng ta cần tìm hiểu kỹ càng để phát hiện những người đang gặp khó khăn. Họ cần được hỗ trợ, và sự hỗ trợ đó nên đến từ chính phủ”.
Một thập kỷ sau thảm họa, hiện vẫn có khoảng 33.000 người sơ tán khỏi tỉnh quê nhà của họ. Có lúc mọi thứ tiến triển, có lúc lại trì trệ, nhưng nhìn chung họ đều thất vọng và muốn được hồi hương. Nhiều người đang già đi và không biết họ còn phải chịu đựng thêm bao lâu nữa.
Theo NHK (https://www3.nhk.or.jp/nhkworld/vi/news/backstories/1553/)