Tục đổi họ sau khi kết hôn ở Nhật Bản, giờ còn phù hợp?

Chế độ bắt buộc đổi họ được đưa ra 120 năm trước, nhưng hiện nay không phải tất cả mọi người đều sẵn sàng làm theo. Nhiều phụ nữ muốn được lựa chọn, thay vì bị buộc thay đổi họ, điều có thể làm mất đi bản sắc cá nhân. Nhiều người đang đặt câu hỏi về quy tắc xã hội đổi họ sau khi kết hôn, buộc các cặp kết hôn mang cùng một họ.

Điều 750 của Luật Dân sự Nhật Bản quy định vợ chồng phải mang cùng một họ sau khi kết hôn. Điều này có nghĩa là một trong hai người phải đổi họ theo quy định của pháp luật, và người đó hầu như luôn là người vợ. Việc mang họ khác nhau chỉ được cho phép trong trường hợp kết hôn với người khác quốc tịch.

Theo một khảo sát năm 2016 của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, trong số hơn 600.000 cặp kết hôn chỉ có 4% nam giới đổi sang họ của vợ. Suy nghĩ chiếm tỷ lệ áp đảo là phụ nữ phải từ bỏ họ khai sinh của mình.

“Khai tử về mặt xã hội”

Luật hiện tại bắt nguồn từ một truyền thống thời Meiji (1868-1912). Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người cho rằng luật này đã lỗi thời và không còn phù hợp với những thay đổi xã hội từ đó tới nay.

Cô Ida Naho, giám đốc một tổ chức thúc đẩy phương án vợ chồng mang họ khác nhau, cho biết: “Một số người sẵn sàng đổi họ vì cho rằng điều đó đánh dấu cuộc đời sang trang mới. Nhưng cũng có nhiều người nghĩ điều này bất bình đẳng. Tôi cảm thấy việc đổi họ giống như khai tử về mặt xã hội vậy”.

Cô Naho đấu tranh phản đối luật lâu đời này sau khi phải trải qua quy trình đổi họ phức tạp và đau đầu trong 2 cuộc hôn nhân. Cô bắt đầu vận động các nghị sĩ từ năm 2018.

Cô giải thích: “Để đổi họ, tôi phải tiến hành hơn 100 thủ tục hành chính tại nhiều cơ sở khác nhau, trong đó có tài khoản ngân hàng, hộ chiếu và thẻ tín dụng. Tôi thấy mình mất hết lòng tự trọng và bản sắc cá nhân. Tôi nghĩ thật bất công là chúng tôi phải chọn một họ cho một gia đình. Việc giữ hay bỏ họ khai sinh là quyền cá nhân”.

Cô Naho cho biết chế độ hiện nay gây bất lợi và bất tiện cho nhiều phụ nữ. Cô cũng nói rằng chế độ này có thể dẫn tới vi phạm quyền riêng tư, bởi việc đổi họ phản ánh các vấn đề cá nhân như ly hôn hoặc tái hôn.

Ida Naho
Cô Ida Naho vận động các nghị sĩ thông qua tổ chức của mình. Cô cho biết tổ chức có hơn 250 thành viên chính thức, trong đó hơn 1/3 là nam giới.

Chỉ số ít muốn giữ nguyên hiện trạng

Nhiều người ở Nhật Bản tin rằng đã đến lúc suy nghĩ lại. Một khảo sát trực tuyến do tổ chức vận động của cô Naho và Giáo sư Tanamura Masayuki của Đại học Waseda tiến hành năm 2020 cho thấy 70,6% trong số 7.000 người trả lời nói rằng họ không có vấn đề gì với việc các cặp đã kết hôn mang họ khác nhau. Chỉ 14,4% ủng hộ giữ nguyên hiện trạng.

Mặc dù đây thường được coi là vấn đề lớn đối với phụ nữ, ông Tanamura khẳng định nam giới cũng bị ảnh hưởng. Ông cho biết trong số những nam giới trả lời khảo sát, 2,4% người trong độ tuổi 20 đã từ bỏ ý định kết hôn vì họ không thể mang họ khác với bạn đời.

Graph
Gần 80% người trả lời trong độ tuổi 20, 68% người trong độ tuổi 40 và 67% người trong độ tuổi 50 sẵn sàng thay đổi.

Đảng cầm quyền lưu ý

Trong vài thập kỷ qua, Quốc hội Nhật Bản đã thảo luận việc cho phép các cặp đã kết hôn mang họ khác nhau. Tất cả nỗ lực đều bị dập tắt trong giai đoạn đầu của quá trình lập pháp.

Các chính trị gia bảo thủ, đặc biệt là trong Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, phản đối dữ dội. Những người phản đối nói rằng việc vợ chồng mang họ khác nhau sẽ khiến tình cảm gia đình rạn nứt, dễ ly hôn hơn, và tác động xấu tới trẻ em.

Tuy nhiên các động thái chưa từng thấy đang nhen nhóm. Đảng Dân chủ Tự do đã bắt đầu các cuộc thảo luận chính thức vào đầu tháng 4 và thành lập nhóm công tác để lắng nghe các ý kiến khác nhau và tóm tắt những ý chính.

Mặc dù Toà án Tối cao Nhật Bản giữ nguyên luật về họ từ thế kỷ 19 trong lần đấu tranh pháp lý năm 2015, vấn đề này đã được trình lên Hội đồng Thẩm phán Toà án Tối cao trong các vụ kiện do 3 cặp ở Tokyo đệ đơn.

Trong bối cảnh sức ép chính trị, xã hội và pháp lý gia tăng, ông Tanamura muốn việc cải cách chế độ về họ được coi là một phần của tầm nhìn rộng hơn.

Ông nói: “Chúng ta cần suy nghĩ và chọn xem mình muốn hướng tới xã hội như thế nào. Đó là một xã hội nơi một chế độ lỗi thời vẫn tồn tại và buộc mọi người sử dụng một họ cho một gia đình? Hay đó là một xã hội hoan nghênh sự đa dạng và cho phép mọi người lựa chọn con đường riêng của mình? Đây là vấn đề mang tính bước ngoặt”.

Ông Tanamura kêu gọi người trẻ tham gia: “Không lên tiếng nghĩa là đồng ý giữ nguyên hiện trạng. Nếu các cử tri không lên tiếng thì chính phủ sẽ không hành động”.