Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch sửa đổi luật quản lý xuất nhập cảnh nhằm hạn chế số người nước ngoài bị giam giữ dài hạn vốn đang gia tăng. Động thái này diễn ra trong bối cảnh quốc tế có nhiều chỉ trích cho rằng chính sách xuất nhập cảnh của Nhật Bản là hà khắc và vô nhân đạo.
Vào tháng 2, chính phủ đã công bố các đề xuất sửa đổi luật xuất nhập cảnh của Nhật Bản. Theo đó, sẽ cho phép một số đối tượng công dân nước ngoài đã có lệnh trục xuất được phép ở cùng người thân hoặc người hỗ trợ cho đến khi rời Nhật Bản. Những người này hiện đang ở trong các trung tâm giam giữ của chính phủ. Dự thảo sửa đổi cũng đề xuất biện pháp thay thế cho việc giam giữ nhằm hạn chế số lượng người bị giam tại các trung tâm này, bằng cách bố trí các cá nhân và nhóm hỗ trợ quản thúc và giúp họ duy trì kết nối với xã hội.
Tháng 9 năm ngoái, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã chỉ rõ rằng chính sách giam giữ dài hạn của Nhật Bản, trong đó có những người bị giam nhiều năm, là vi phạm Công ước Quốc tế về Nhân quyền.
Số người bị giam giữ đã giảm hơn một nửa sau khi các cơ quan chức năng thả người nhằm hạn chế nguy cơ bùng phát dịch COVID-19. Nhưng theo Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh, tính đến tháng 6 năm 2020 vẫn còn 527 người bị giam, trong đó có 232 người đã bị giam giữ hơn 6 tháng và 47 người đã bị giam giữ hơn 3 năm.
Ông Arikawa Kenji, giám đốc Trung tâm Tị nạn Arrupe, một cơ sở tạm trú được điều hành độc lập ở tỉnh Kanagawa, cho biết nếu áp dụng biện pháp thay thế như trong đề xuất trên thì có thể giúp tránh được việc giam giữ không cần thiết. Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời, như trách nhiệm pháp lý của các cơ sở tạm trú khi có người bỏ trốn, hay bên nào gánh vác chi phí y tế vì hầu hết những người nước ngoài bị giam đều không đủ tiêu chuẩn nhận phúc lợi.
Phòng giam tại trung tâm quản lý xuất nhập cảnh ở Ushiku, tỉnh Ibaraki.
Dự thảo sửa đổi cũng rút ngắn thời hạn cấm tái nhập cảnh từ 5 năm xuống chỉ còn 1 năm, đối với những đối tượng nào tự trả chi phí về nước. Mục đích là để khuyến khích những người bị giam giữ tự nguyện rời khỏi Nhật Bản. Nhưng luật không đảm bảo họ sẽ được phép tái nhập cảnh Nhật Bản khi kết thúc thời hạn cấm.
Dự thảo sửa đổi cũng bổ sung các điều khoản gây tranh cãi. Trong đó có quy định cơ quan chức năng có thể xử phạt hình sự đối với những người từ chối tuân thủ lệnh trục xuất. Ngoài ra, dự thảo còn đề xuất trục xuất những người xin tị nạn từ 3 lần trở lên, một biện pháp mà một số người cho là vi phạm nguyên tắc không gửi trả người xin tị nạn, vốn được quy định trong luật nhân quyền quốc tế. Theo nguyên tắc này, không được đưa những người xin tư cách tị nạn trở lại quốc gia mà họ có thể bị đối xử vô nhân đạo.
Ông Ohashi Takeshi, một luật sư có hơn 20 năm kinh nghiệm xử lý các trường hợp xuất nhập cảnh, cho biết: “Dự thảo sửa đổi này làm cho luật dở hơn trước”. Ông nói thêm rằng mục đích chung của cơ chế không có gì thay đổi, vẫn là nhằm buộc đối tượng quay trở lại đất nước của họ.
Theo Mạng lưới Đoàn kết với Người di cư Nhật Bản gồm có hơn 100 tổ chức hỗ trợ tham gia, dự thảo không phù hợp vì không bãi bỏ nguyên tắc giam giữ những người từ chối trục xuất. Mạng lưới này cũng nói thêm rằng dự thảo không giải quyết vấn đề cơ bản của chính sách xuất nhập cảnh Nhật Bản. Đó là thực tế Nhật Bản tiếp nhận chưa đến 1% số người xin tị nạn, mức thấp nhất trong các nước phát triển.
Các đảng đối lập đã đệ trình bản sửa đổi của mình, nói rằng dự thảo của chính phủ không bảo vệ thoả đáng quyền của công dân nước ngoài. Các đảng đối lập đề xuất quy định để giam giữ cần phải có lệnh của toà án, và giới hạn thời gian giam giữ tối đa là 6 tháng. Đề xuất này cũng khuyến nghị thành lập một ban chuyên gia độc lập để xét duyệt đơn xin tị nạn.
Ông Ishibashi Michiro, nghị sỹ đảng Dân chủ Lập hiến, nói rằng Nhật Bản phải sửa đổi chính sách sao cho phù hợp với các tiêu chuẩn của Liên hợp quốc và Công ước về vị thế người tị nạn mà Nhật Bản đã ký 40 năm trước.
Ông nói: “Chúng tôi hy vọng đề xuất của chúng tôi sẽ tác động đến phiên thảo luận để bảo vệ quyền của người nước ngoài, và thay đổi cơ chế thích hợp hơn cho Nhật Bản với tư cách là một thành viên của cộng đồng quốc tế”.
Dự kiến, cả dự thảo của chính phủ và đề xuất của phe đối lập đều nằm trong chương trình nghị sự của kỳ họp Quốc hội hiện đang diễn ra.