Đại dịch vi-rút corona đã nhiều lần khiến hệ thống y tế của Nhật Bản gần tới ngưỡng sụp đổ, mặc dù số ca nhiễm ở Nhật ít hơn nhiều so với Mỹ và một số nước châu Âu. Các chuyên gia cho rằng đáng lẽ phải có thêm biện pháp giải quyết các vấn đề về cơ cấu đã lộ rõ trước khi làn sóng lây nhiễm thứ 3 ập tới.
Có giường bệnh, chỉ là không phải cho COVID-19
Thoạt nhìn, Nhật Bản có vẻ tương đối đủ khả năng ứng phó với đại dịch. Tính tới năm 2019, số giường bệnh trên 1.000 người của Nhật Bản đứng đầu trong số tất cả 37 thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn thì tình hình hoàn toàn khác. Theo bộ y tế Nhật Bản, tính tới ngày 10/1, 78% các bệnh viện công với giường điều trị cho những người mắc bệnh cấp tính có thể tiếp nhận bệnh nhân vi-rút corona, nhưng chỉ 30% bệnh viện tư nhân có khả năng này. Điều này dẫn tới việc kêu gọi bệnh viện tư tiếp nhận thêm bệnh nhân.
Ông Mano Toshiki, bác sĩ đồng thời là giáo sư của Đại học Chuo, cho biết khoảng 80% bệnh viện ở Nhật Bản là cơ sở tư nhân quy mô vừa và nhỏ với nhân lực hạn chế. Ở đây có 2 vấn đề: một là có rất ít nhân lực có thể điều trị bệnh nhân vi-rút corona, và hai là các cơ sở này thường không có đủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm.
Phù hợp cho người già chứ không phải đại dịch
Ông Mano cũng chỉ ra rằng các bệnh nhân nội trú ở Nhật Bản có thời gian nhập viện lâu nhất trong các nước OECD. Thời gian nhập viện trung bình của Nhật Bản là 16,1 ngày, trong khi của Mỹ chỉ là hơn 5,5 ngày.
Ông nói: “Hệ thống y tế của Nhật Bản rất dễ tiếp cận, và chúng ta có thể được điều trị trong thời gian dài. Hệ thống này phù hợp đối với các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như ung thư và đột quỵ não, hoặc các bệnh liên quan tới lối sống mà người già hay mắc phải”.
Tuy nhiên, ông Mano cũng cho biết các nguồn lực y tế đang bị phân tán quá nhiều. Ông nói: “Các bệnh viện đang gặp khó khăn trong việc điều trị bệnh nhân vi-rút corona. Đáng lẽ chúng ta nên củng cố hệ thống để có thể ứng phó tốt hơn với vi-rút. Ví dụ, ta đáng lẽ phải thiết lập các cơ sở chuyên khoa trước khi làn sóng lây nhiễm thứ 3 ập tới vào mùa đông này”.
Từ đầu đại dịch, Bệnh viện Chữ thập đỏ Nhật Bản Musashino, một bệnh viện công ở Tokyo, tiếp nhận bệnh nhân vi-rút corona có triệu chứng nghiêm trọng. Khi số ca nhiễm tăng vào tháng 12 năm ngoái, bệnh viện đã gần như quá tải, nhưng vẫn tiếp nhận thêm bệnh nhân với hy vọng các bệnh viện tư cũng làm vậy.
Bệnh viện tăng số giường điều trị bệnh nhân nặng từ 5 lên 6 giường, và giường cho bệnh nhân có triệu chứng ở mức trung bình từ 40 lên 58 giường. Kể cả các ca trung bình này cũng cần số y tá gấp 1,5 lần so với mức điều trị thông thường, còn các ca nặng cần gấp 3 lần.
Gần đây, bệnh viện tiếp nhận thêm các ca nhiễm phức tạp, ví dụ như bị viêm phổi nghiêm trọng hay bị bệnh về gan. Bệnh viện không còn lựa chọn nào khác ngoài huy động bác sĩ và y tá từ các khoa khác, khiến khả năng điều trị của toàn bệnh viện bị ảnh hưởng. Vào thời điểm làn sóng lây nhiễm thứ 3 lên đỉnh điểm hồi tháng 1, bệnh viện chỉ có thể tiếp nhận khoảng 80% số bệnh nhân cấp cứu được đưa tới đây. Bệnh viện cũng buộc phải hoãn các ca phẫu thuật.
Giám đốc bệnh viện Izumi Namiki cho biết: “Chúng tôi tiếp nhận 5 bệnh nhân vi-rút corona mỗi ngày, thể theo đề nghị từ các bệnh viện khác, những nơi khó có thể điều trị các ca nghiêm trọng hoặc gần như nghiêm trọng”.
Ông nói: “Các bác sĩ của chúng tôi nỗ lực hết sức để tiếp tục làm việc dù thiếu nhân lực, nhưng chúng tôi đã kiệt sức. Chúng tôi không thể tăng số giường bệnh được nữa. Ngoài ra, các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cũng tốn nhiều chi phí. Càng tiếp nhận thêm bệnh nhân thì chúng tôi càng lỗ”.
Giám đốc cho biết trong khu vực hầu như không có bệnh viện tư nào tiếp nhận bệnh nhân vi-rút corona, dù có máy hô hấp nhân tạo. Ông nói: “Đây là tình trạng khẩn cấp. Tôi muốn các cơ sở y tế có khả năng điều trị tích cực bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân vi-rút corona. Tôi muốn các cơ sở chuyên về hồi sức bắt đầu tiếp nhận các bệnh nhân vi-rút corona đã bình phục. Chúng ta phải tận dụng tối đa nguồn lực y tế trong khu vực”.
Các bệnh viện tư cũng căng thẳng
Bệnh viện Minamitama, một cơ sở tư nhân với 170 giường bệnh ở Hachioji, phía Tây Tokyo, tiếp nhận bệnh nhân vi-rút corona từ tháng 2/2020. Bệnh viện đã đóng cửa khoa nhi để lấy 23 giường bệnh điều trị cho các ca ở mức trung bình hoặc nghi nhiễm. Tất cả các giường đều kín chỗ khi làn sóng lây nhiễm thứ 3 lên đỉnh điểm vào tháng 1/2021.
Điều khiến vấn đề thêm phức tạp là đại dịch khiến các bệnh nhân vi-rút corona cao tuổi hoặc có bệnh nền khó chuyển sang các bệnh viện khác, ngay cả sau khi đã bình phục. Một số chủ bệnh viện quan ngại rằng các ca chuyển từ nơi khác tới dù đã bình phục vẫn có thể lây bệnh cho bệnh nhân không nhiễm vi-rút corona. Ngoài ra, nếu xảy ra cụm lây nhiễm, điều đó có thể ảnh hưởng tới kinh doanh và bệnh viện sẽ phải tạm ngừng tiếp nhận bệnh nhân.
Giám đốc bệnh viện Mashiko Kunihiro nói: “Tôi hiểu rằng các chủ bệnh viện không muốn chịu quá nhiều áp lực sau khi phải giải quyết các tình huống khó khăn, như bị chỉ trích vì xảy ra cụm lây nhiễm hay bị giảm thu nhập. Tuy nhiên, nếu tất cả các cơ sở y tế không hợp sức trong cuộc chiến này, chúng ta không thể ứng phó với vi-rút corona. Dù các bệnh viện có khả năng chênh lệch, tôi vẫn muốn các cơ sở khác tiếp nhận các bệnh nhân này”.
Cần chia sẻ công việc giữa các bệnh viện
Mặc dù Nhật Bản đang xúc tiến chương trình tiêm chủng, các chuyên gia cho rằng còn lâu nữa mới đạt được “miễn dịch cộng đồng”.
Ông Mano nói các bệnh viện nên hợp tác để điều trị bệnh nhân tuỳ theo quy mô hoặc chuyên môn của mình. Ông cho biết nhiều bệnh viện tư vừa và nhỏ ở Nhật Bản là từ các phòng khám nhỏ mở rộng ra nên khó có đủ chỗ, nhưng các cơ sở này có thể tiếp nhận các ca đã ổn định.
Ông nói: “Chính quyền địa phương và các hiệp hội y tế nên thiết lập một hệ thống chia sẻ công việc giữa các bệnh viện trong khu vực, trong đó bệnh viện tư nhân hỗ trợ các bệnh viện công điều trị cho bệnh nhân vi-rút corona ở tuyến đầu”.