Nhật Bản lúng túng hay coi nhẹ việc đối phó với dịch Covid-19?

CẬP NHẬT TÌNH HÌNH DỊCH COVID-19 TẠI NHẬT BẢN

“Chúng ta đang ở bờ vực khẩn cấp nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp. Kiểm soát nCoV là ưu tiên cao nhất và chính phủ sẽ làm mọi điều cần thiết để hạn chế ảnh hưởng đến nền kinh tế”, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết trong cuộc họp báo tại Tokyo về tình hình dịch Covid-19 tại Nhật Bản.

Quan chức địa phương cảnh báo dịch bệnh Covid-19

Nhiều quan chức kêu gọi Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để ngăn chặn dịch bệnh trước khi quá muộn. “Tokyo đang bên bờ vực bùng nổ số người nhiễm nCoV. Chúng tôi đang tìm cách ngăn tình trạng đó và kiểm soát lây lan. Chính phủ cần đưa ra quyết định”, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike cho hay.

Thống đốc Osaka Hirofumi Yoshimura cho biết thành phố ngày càng ghi nhận nhiều ca lây nhiễm không rõ ràng, nói rằng Tokyo và Osaka nên là những nơi đầu tiên thực thi biện pháp hạn chế như yêu cầu người dân ở nhà.

Thủ tướng Shinzo Abe ban bố tình trạng khẩn cấp muộn

Thủ tướng Shinzo Abe ngày 7/4 đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong một tháng ở Tokyo, Osaka và 5 khu vực khác chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19. Tuy nhiên, ông Abe thêm rằng, “Chúng tôi không phong tỏa các thành phố giống như các quốc gia khác”.

Quyết định của Thủ tướng Abe được đưa ra sau hai tuần Tokyo ghi nhận số ca nhiễm tăng và ngày càng nhiều lời kêu gọi chính phủ cần có hành động mạnh tay hơn trong cuộc chiến với Covid-19.

Người dân Nhật vẫn phải đi làm bất chấp dịch Covid-19

Tuy vậy, tầu điện ngầm ở Tokyo vẫn chật ních người và nhiều công ty vẫn hoạt động như thể không có gì thay đổi, bất chấp mối đe dọa từ Covid-19. Và nhiều người vẫn phải tiếp tục làm việc bình thường như thể không biết đến sự tồn tại của Covid-19.

Người dân đi làm sáng sớm tại Tokyo. Ảnh: AP

Hệ thống y tế có nguy cơ khó đảm bảo để đối phó dịch Covid-19

Số ca nhiễm nCoV ở Nhật thấp hơn so với hai nước láng giềng Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, kịch bản tương tự ở bệnh viện Eiju đang diễn ra khắp Tokyo, khi nhiều y bác sĩ cho biết hệ thống y tế của thành phố đang thiếu vật tư và nhân lực, còn số ca nhiễm nCoV tăng nhanh. 

“Chúng tôi có thể dành toàn bộ phòng để điều trị bệnh nhân nCoV, nhưng điều đó nghĩa là những bệnh nhân khác phải chuyển đi”, một bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm tại một bệnh viện lớn ở Tokyo nói. “Nếu không làm thế, virus sẽ lây lan khắp bệnh viện, khiến hệ thống y tế sụp đổ”.

Tokyo, thành phố gần 14 triệu dân với mật độ dân cư cao, có nguy cơ lây nhiễm rất lớn. Nhật Bản cũng là một trong những quốc gia có nhiều người cao tuổi nhất thế giới, với gần một phần ba dân số, tương đương 36 triệu người, từ 65 tuổi trở lên.

Theo Bộ Y tế Nhật Bản, toàn quốc có 1,5 triệu giường bệnh, nhưng số phòng áp lực âm dành cho bệnh truyền nhiễm đã chỉ có 1.882 giường, trong đó Tokyo chỉ có 145 giường. Dù không phải người nhiễm nCoV nào cũng cần phòng áp lực âm, họ vẫn cần cách ly với những bệnh nhân khác. 

“Tokyo không đủ giường bệnh, vì vậy hệ thống y tế sụp đổ là điều có thể lường trước”, Satoshi Kamayachi, thành viên ban điều hành Hiệp hội Y khoa Nhật Bản, nói. “Số bệnh nhân đang tăng rõ rệt, tình hình đang trở nên cấp bách hơn”.

Có thể thấy tình hình dịch Covid-19 ở Nhật có số ca nhiễm nCoV liên tục tăng, trong khi giường bệnh và vật tư y tế cạn kiệt, khiến các bệnh viện ở Tokyo rơi vào khủng hoảng.

ATK tổng hợp