AEON – Samurai trong nghành bán lẻ của Nhật đến Việt Nam

Một người khôn ngoan là biết cách học những trải nghiệm của kẻ khác”. “Điều quan trọng hơn việc tạo ra cái mới là phải biết chấp nhận từ bỏ cái cũ”. “Lịch sử của doanh nghiệp phải là lịch sử của những cuộc mua bán sáp nhập”. Takuya Okada, một trong những người đàn ông quyền lực sáng lập nên đế chế Aeon, đã đúc kết tư duy kinh doanh thâm thúy của tập đoàn này trong những dòng chữ ngắn gọn trên. Chúng được tạc lên các bức tường trắng trang trọng của bảo tàng Aeon (Nhật), nơi ghi dấu lịch sử từng chặng đường của một tập đoàn bán lẻ lớn nhất đất nước mặt trời mọc, với doanh thu 60 tỉ USD năm 2012, bằng 1/100 GDP của quốc gia này.

 
 
Sự huy hoàng và phát triển của Aeon (Aeon tiếng Latinh là vĩnh cửu) hơn 2,5 thế kỷ một lần nữa củng cố cho quan điểm của thế giới về tinh thần tích cực và chịu khó của người Nhật. Tiền sử của tập đoàn này là công ty gia đình chuyên kinh doanh kimono và phụ kiện, phát triển thịnh vượng trước thế chiến thứ II, sau đó bị chiến tranh hủy hoại hoàn toàn, rồi nhanh chóng khắc phục, vươn lên dẫn đầu ngành công nghiệp bán lẻ tại Nhật. Lịch sử phát triển của Aeon gắn liền với việc sáp nhập hàng trăm công ty kinh doanh khác cùng chí hướng và quá trình chuyển đổi cổ phần, liên doanh tích cực của Tập đoàn. Aeon ngày nay hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ tài chính.
 
Soichi Okazaki, Chủ tịch Aeon Bán lẻ Nhật, đã đón tiếp chúng tôi tại 1 trong 120 trung tâm thương mại của tập đoàn này tại Nhật. Ông chia sẻ, nếu những thế hệ tiền nhiệm đã phát triển Aeon theo phương cách bắt tay cùng nhiều đối tác mạnh trong nước thì trong thời kỳ mới, tập đoàn này đã phát triển bằng cách mở rộng kinh doanh mạnh mẽ trên toàn thế giới và tiêu điểm sắp tới là Đông Nam Á.
 
AEON - Samurai trong nghành bán lẻ của Nhật đến Việt Nam
 
Trong khi đó, ông Yukio Konishi, Tổng Giám đốc Aeon Mall Việt Nam, tỏ ra háo hức khi nói về tham vọng của Aeon tại thị trường này. Ông cho biết trung tâm thương mại Aeon đầu tiên tại Việt Nam sẽ được xây dựng tại quận Tân Phú, TP.HCM (tháng 1.2014), sau đó là Bình Dương (10.2014) và Long Biên (Hà Nội) (2015). Mô hình được Aeon chọn ở Việt Nam mang tên Mori (phục vụ các gia đình mua sắm).
 
Tại Nhật, Aeon theo đuổi chiến lược chuỗi bán lẻ tổng hợp. Không chỉ có mori, chúng tôi còn đến thăm một khu phức hợp điển hình của Aeon và chứng kiến những trung tâm khác mang tên Kaze (phục vụ đối tượng teen) và Outlet (chuyên hàng giảm giá) của Aeon. Các trung tâm này hợp thành một quần thể bán lẻ khép kín 3 gọng kiềng (Mori, Kaze, Outlet), giúp họ cạnh tranh với rất nhiều đối thủ hùng cường tại đây.
 
Theo thống kê từ phía Aeon, chỉ khu phức hợp kể trên đã thu hút 100.000 người/ngày, gấp đôi số khách đến thăm khu giải trí danh tiếng Tokyo Disneyland, với 5 giờ mua sắm trung bình. Những khu phức hợp khác của Aeon trên khắp nước Nhật còn tích hợp thêm các khu trung tâm chăm sóc thú cưng và một trong số đó còn là nơi đặt trung tâm đài truyền hình (Aeon Mall ở Okayama). “Chúng tôi rất tự hào vì đài truyền hình chọn trung tâm chúng tôi để đặt trụ sở, điều này làm chúng tôi đặc biệt nhất và danh giá trong ngành bán lẻ tại Nhật”, ông Okazaki nói.
 
Naoko Sakai, nhân viên của Aeon, dẫn chúng tôi đến thăm một nông trại của Tập đoàn rộng 15 ha, nơi trồng các loại rau cải, cà chua siêu sạch cung cấp cho toàn hệ thống trung tâm thương mại Aeon. Đây là 1 trong 12 nông trại của Tập đoàn phục vụ cho định hướng nông nghiệp xanh. Trong khi tại các trung tâm của Aeon hiện diện những nhân viên trẻ lịch thiệp, ưa chuộng trang điểm thì ở các nông trại của họ, rất nhiều nông dân vui vẻ làm việc với sự năng nổ ở tuổi ngoài 70. Nhật được nhìn nhận là quốc gia có dân số già hóa, nhưng với những người lớn tuổi ở Nhật, làm việc không ngừng là cách để cơ thể luôn khỏe mạnh, cũng như chống lại các chứng bệnh tuổi già. Aeon trả cho họ hơn 700 yen (khoảng 150.000 đồng) cho một giờ làm việc.
 
“Chúng tôi quan tâm đến việc phát triển thực phẩm xanh và giữ môi trường xanh”, Sakai tự hào nói về Aeon. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, Aeon dường như đang muốn xây dựng và quảng bá thương hiệu xanh đến cộng đồng. Hằng năm, tập đoàn này còn trao một giải thưởng mang tên The Midori cho các công ty, cá nhân người Nhật và thế giới có đóng góp tích cực cho các hoạt động đa dạng sinh học. Giáo sư Võ Quý của Việt Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội) từng vinh dự nhận giải thưởng này.
 
Không chỉ các hoạt động xanh, trong tầm nhìn chiến lược của các nhà lãnh đạo Aeon, trách nhiệm xã hội là vấn đề luôn được cân nhắc. Trong khi vấn đề độ tuổi đang dấy lên quan ngại cho sự tăng trưởng của Nhật Bản thì tại đây, các khu phố cho giới trẻ thích thể hiện lối sống cá nhân được hình thành. Sakai đưa chúng tôi đến Harajuku, khu “đèn xanh” của giới trẻ, nơi có trường đào tạo âm nhạc mang tên Avex. Hằng năm, Avex tổ chức các chương trình thử giọng trên toàn hệ thống trung tâm thương mại Aeon để tìm kiếm nhân tài nghệ thuật và trao học bổng.
 
Okazaki cho biết Aeon đang xác định Đông Nam Á như một thị trường tăng trưởng trọng điểm trong thời gian tới. Việt Nam trong làn sóng đầu tư Nhật được thụ hưởng thêm các giá trị kinh tế, văn hóa và đổi lại các nhà đầu tư Nhật tạo được tăng trưởng ngoại tệ cho quốc gia của họ. Nhưng rõ ràng, đường dài câu chuyện kinh doanh của các nhà đầu tư không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Đối thủ của Aeon tại Việt Nam là ai và họ sẽ làm gì trong tương lai gần? Lotte Mart, Giant Crescent Mall, Parkson… hay các nhà kinh doanh nội địa.
 
Mạnh Tài: Sưu tầm