Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế quí 1-2015 của Nhật Bản tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái – cao hơn ước tính trước đó là 2,4% và hơn dự báo của các nhà kinh tế là 2,8%.
Đây là quí thứ hai liên tiếp nền kinh tế Nhật Bản đạt được tăng trưởng sau khi GDP thực tế quí 4-2014 tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước đó.
Trong quí 2-2014 và 3-2014, GDP thực tế của Nhật Bản lần lượt suy giảm 7,3% và 1,6% so với cùng kỳ năm trước đó, sau khi chính phủ Nhật Bản tăng thuế tiêu thụ từ mức 5% lên mức 8% vào ngày 1-4. Kết quả là cả năm 2014, GDP của Nhật Bản suy giảm 0,03%.
Với đà tăng trưởng liên tiếp hai quí, chuyên gia Taro Saito của Viện nghiên cứu NLI khẳng định nền kinh tế Nhật Bản đang trên quỹ đạo phục hồi.
Chính phủ Nhật Bản hy vọng những thông tin tích cực từ nền kinh tế sẽ thúc đẩy chi tiêu của doanh nghiệp và hộ gia đình. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản chuyển lượng tiền mặt tích trữ được cũng như mức lợi nhuận cao kỷ lục vào nền kinh tế. Hiện, mức đầu tư tại Nhật Bản vẫn thấp hơn so với năm 2008 – thời kỳ khủng hoảng tài chính.
Nhà kinh tế Atsushi Takeda của Công ty thương mại Nhật Bản Itochu Corp nói với hãng tin Bloomberg rằng thúc đẩy đầu tư là vấn đề nan giải cuối cùng, trong khi xuất khẩu và tiêu dùng có dấu hiệu phục hồi. Sự phục hồi kinh tế tại Nhật Bản đang bắt đầu ổn định.
Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp, thách thức nằm ở chỗ dân số lão hóa và tỷ lệ tín dụng cao, trong khi hàng tồn kho tăng cao gây áp lực cho việc sản xuất trong tương lai.
Trong quyết định mới nhất về lãi suất, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) tuyên bố sẽ duy trì quy mô gói kích thích kinh tế không đổi ở mức 80.000 tỉ yen, tương đương 641 tỉ đô la Mỹ, trong năm nay. Trước đó, để phối hợp với quyết định tăng thuế tiêu thụ lần hai (lên 10%) vào tháng 10-2015 của Thủ tướng Shinzo Abe, BoJ đã tăng quy mô gói kích thích kinh tế lên đến 80.000 tỉ yen. Nhưng cuối cùng, ông Abe đã quyết định hoãn việc tăng thuế tiêu thụ lần hai và BoJ “án binh bất động” sau đó.
Theo: thesaigontimes.vn