Năm 2014 có bước đột phá lớn về xuất khẩu lao động (XKLĐ) khi các thị trường truyền thống tăng mạnh số lượng người đi làm việc. .. Đứng đầu vẫn là Đài Loan với 62.000 lao động, Nhật Bản lần đầu đạt con số kỷ lục gần 20.000 người, riêng Hàn Quốc dựa vào ký kết đặc biệt đã đưa được 7.000 lao động sau thời gian đóng cửa từ năm 2012.
Tuy nhiên, bước vào năm 2015 tình hình ở mỗi thị trường mỗi khác.
Nhật Bản: sẽ đạt con số 25.000 lao động
Ông Lê Nhật Tân, giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực LOD, cho biết trong năm 2014 LOD đã đưa sang Nhật 700 lao động (năm 2013 là 300 người). Tín hiệu đó khiến LOD xây dựng kế hoạch trong sáu tháng đầu năm 2015 sẽ đưa được 600 lao động sang Nhật và cố gắng đạt con số 1.000 lao động trong cả năm.
“Con số này chúng tôi dựa trên các tín hiệu lạc quan trong năm 2014 và nhu cầu đơn hàng trong năm 2015 của các doanh nghiệp Nhật” – ông Tân cho biết. Trong khi đó ông Lê Long Sơn, giám đốc Công ty XKLĐ Esuhai, cũng cho biết triển vọng trong năm 2015 sẽ đưa đi Nhật khoảng 700 lao động, cao hơn 200 so với năm 2014.
“Chỉ trong tháng 1-2015 chúng tôi đã tuyển dụng và phỏng vấn được 85 lao động đáp ứng theo yêu cầu đơn hàng từ các doanh nghiệp Nhật” – ông Sơn tiết lộ.
Ông Nguyễn Gia Liêm, trưởng Ban quản lý lao động VN tại Nhật, cho biết phân tích từ nhiều tín hiệu, năm 2015 có thể đưa đến 25.000 lao động VN sang Nhật.
Ngoài lý do về thiếu hụt lao động do dân số đang già hóa, tỉ lệ sinh thấp, Nhật Bản đang chạy đua xây dựng các công trình phục vụ Olympic 2020 và trên đà tái thiết các thành phố sau thảm họa động đất và sóng thần.
Tuy nhiên để giữ sự tăng trưởng và tăng trưởng một cách bền vững thì việc quan trọng là phải tăng chất lượng lao động. “Đào tạo lao động phải được đặt lên hàng đầu, tuyển người phải phù hợp ngành nghề.
Tập trung tuyển dụng các lao động từ các vùng có cơ cấu ngành nghề phù hợp với việc làm tại Nhật, sau này về nước lực lượng lao động này sẽ có được việc làm tại chỗ, vừa tăng về chất, vừa giảm tỉ lệ bỏ trốn tại Nhật vì tâm lý về nước sợ thất nghiệp” – ông Vũ Trường Giang, trưởng phòng thị trường Nhật Bản (Cục Quản lý lao động ngoài nước)
Hàn Quốc: vẫn chờ đợi
Hiện người lao động có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc vẫn hồi hộp chờ đợi vì Hàn Quốc chưa ký lại bản ghi nhớ (MOU) đặc biệt về việc tiếp nhận lao động VN.
Vì thế, hiện thị trường truyền thống luôn đứng đầu về số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài, thu nhập cũng thuộc loại cao nhất này (từ 40 triệu đồng/tháng trở lên) đang có dấu hiệu không tiếp tục tiếp nhận lao động VN.
Còn nhớ cuối năm 2013, phía Hàn Quốc đã đồng ý tiếp nhận trở lại lao động VN sau thời gian đóng cửa vì tỉ lệ lao động bỏ trốn quá cao. Việc ký lại MOU đặc biệt cho một số đối tượng ưu tiên chỉ có thời hạn trong một năm từ ngày 1-1 đến 30-12-2014.
Tuy nhiên, ngay sau khi ký kết, tỉ lệ lao động bỏ trốn không những không giảm mà còn tăng cao, có lúc tăng đến 48% tổng số lao động đến hạn về nước (trong khi tỉ lệ trung bình của 15 nước XKLĐ vào Hàn Quốc là 20%).
Ông Nguyễn Hải Nam, trưởng Ban quản lý lao động VN tại Hàn Quốc, cho hay dù đã hết hạn của MOU, phía Hàn Quốc vẫn chưa đồng ý ký kết lại. Điều này đồng nghĩa trong năm 2015 sẽ không có lao động mới của VN được tiếp nhận, trừ số lao động trung thành và về nước đúng hạn thì được phép quay lại.
“Đã có nhiều cuộc làm việc từ hai phía (chủ yếu là các đoàn VN qua Hàn Quốc thương lượng – PV) nhưng phía bạn vẫn chưa trả lời. Đồng thời Hàn Quốc còn yêu cầu phải tìm các biện pháp mạnh tay hơn để giảm tỉ lệ lao động bất hợp pháp xuống dưới 30% (hiện gần 40%)” – ông Nam nói.
Theo thông tin từ Ban quản lý lao động VN tại Hàn Quốc, cơ quan chức năng VN đã đệ trình kế hoạch giảm tỉ lệ lao động bất hợp pháp cho Bộ Lao động Hàn Quốc.
Trong đó tập trung cưỡng chế mạnh tay xử phạt các lao động bất hợp pháp đã có biên bản xử phạt nhưng chưa thi hành (xử phạt 100 triệu đồng/lao động), tập trung tìm kiếm, xử phạt số lao động bất hợp pháp bỏ trốn tại Hàn Quốc từ ngày 1-7-2013 đến nay, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tạm ngưng cho phép tuyển dụng lao động đi làm việc tại Hàn Quốc với các huyện, tỉnh có số lao động bỏ trốn cao nếu phía Hàn Quốc đồng ý tiếp nhận trở lại.
“Đầu năm 2014 khi thông tin xử phạt được ban hành, khoảng 3.000 lao động bất hợp pháp đã tự nguyện về nước. Tuy nhiên, sau khi 782 lao động bị xử phạt nhưng không thi hành phạt tiền được lao động nào thì tỉ lệ lao động bất hợp pháp tăng mạnh trở lại” – ông Nam cho biết.
Các thị trường khác: dự báo tăng Ông Tống Hải Nam, cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết trong năm 2014 các công ty XKLĐ đã đưa đi thị trường Đài Loan 62.000 lao động. Với tín hiệu đó, trong năm 2015 vẫn sẽ giữ được số lượng này và tăng mạnh hơn nhiều vì thời gian qua Bộ Lao động – thương binh và xã hội đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh lao động tại thị trường Đài Loan. Ngoài ra, việc dẹp nạn thu phí cao, tăng chất lượng lao động… sẽ khiến các doanh nghiệp Đài Loan ưu tiên tuyển chọn lao động VN hơn. Cùng với sự hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, số lượng người lao động VN đi làm việc ở nước ngoài dự báo gia tăng. Trước mắt, trong năm có tám ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương gồm kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch… Vì vậy, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài thuộc đối tượng này dự báo có sự gia tăng trong năm 2015. |