Tăng chỉ tiêu XKLĐ sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan

 Xuất khẩu lao động Nhật Bản:Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử – baodautu.vn, ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, với nhiều tín hiệu tích cực của thị trường, Bộ dự kiến đề nghị tăng chỉ tiêu xuất khẩu lao động năm 2014 lên 90.000 lượt người.
 

 
Trước nhiều tín hiệu tích cực của thị trường xuất khẩu lao động vào cuối năm 2013, ông nhận định thế nào về thị trường cùng kế hoạch cho năm 2014?
 
Đầu năm, nhiều thị trường xuất khẩu lao động gặp trở ngại do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, nhưng tình hình đã có nhiều khởi sắc vào cuối năm. Tính đến hết tháng 11/2013, cả nước đã đưa được gần 79.000 lao động ra nước ngoài làm việc và dự kiến cả năm vượt chỉ tiêu xuất khẩu 85.000 lao động mà Chính phủ đã giao cho năm 2013.
 
Trước tình hình đó, chúng tôi dự kiến trình Chính phủ cấp chỉ tiêu xuất khẩu 90.000 lượt lao động trong năm 2014. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các thị trường trọng điểm như Đài Loan (hơn 30.000 chỉ tiêu), Nhật Bản (8.000 -10.000 chỉ tiêu), Hàn Quốc (hơn 10.000 chỉ tiêu)… Ngoài ra, năm 2014, Chính phủ cũng sẽ ký Biên bản ghi nhớ về tuyển dụng lao động với hai thị trường mới là Angola và Thái Lan.
 
Các ngành nghề thu hút nhiều lao động nhất là nhóm lao động phổ thông có tay nghề cao trong các ngành chế tạo điện cơ, điện lạnh, dệt may, lắp ráp điện tử. Riêng nghề nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, vận tải biển, đánh bắt cá vẫn đang có nhu cầu cao tại thị trường Hàn Quốc và Đài Loan.
 
Năm 2013, Đài Loan là thị trường dẫn đầu về số lượng tiếp nhận lao động Việt Nam, nhưng người lao động thường phải mất thêm nhiều chi phí cho môi giới. Năm 2014, Cục sẽ chấn chỉnh tình trạng này như thế nào, thưa ông?
 
Cục đang phối hợp với nhiều cơ quan chức năng kiểm tra những doanh nghiệp có phản ánh việc người lao động phải trả chi phí cao khi sang Đài Loan làm việc để có hình thức xử phạt. Mới đây nhất, Cục đã có quyết định xử phạt 10 doanh nghiệp có hành vi vi phạm nói trên.
 
Nhưng có vẻ như mức phạt còn thấp, chưa đủ sức răn đe đối với doanh nghiệp?
 
Đúng vậy. Mức phạt hiện nay chỉ 30 – 50 triệu đồng, nên doanh nghiệp không ngại vi phạm và tái phạm. Do đó, chúng tôi vừa có cuộc họp bàn với nhiều bộ, ngành liên quan ở những thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam để ký biên bản làm việc đặc biệt, trong đó sẽ siết chặt hơn các quy định xử phạt này.
 
Về vấn đề lao động bỏ trốn, năm 2014, Cục sẽ có những biện pháp gì để giảm thiểu tình trạng này, tránh xảy ra việc mất thị trường, đặc biệt là với Hàn Quốc, Nhật Bản?
 
Để ngăn chặn lao động bỏ trốn, mới đây, ngành đã tham mưu cho Chính phủ ban hành 2 văn bản mang tính chất chế tài mạnh.
 
Trong đó, Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định mức xử phạt 80 – 100 triệu đồng đối với những lao động đi làm việc ở nước ngoài bỏ trốn không về nước sau khi hết hạn hợp đồng, hoặc tự ý phá hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp, có hiệu lực từ ngày 1/10/2013.
 
Văn bản thứ hai là Quyết định 1465/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm bắt buộc lao động sang Hàn Quốc làm việc phải ký quỹ 100 triệu đồng. Theo đó, người lao động sẽ mất tiền ký quỹ nếu bỏ trốn.
 
Ngoài hai văn bản trên, trong năm 2014, Cục sẽ tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền cho doanh nghiệp và người lao động. Bên cạnh đó, Cục sẽ kết hợp với Hiệp hội Xuất khẩu lao động đánh giá, chấm điểm các doanh nghiệp theo Bộ quy tắc ứng xử, nhằm nhanh chóng khắc phục tình trạng lao động bỏ trốn. Đồng thời, Cục sẽ dừng tuyển dụng lao động ở những địa phương có nhiều lao động bỏ trốn để tránh bị mất thị trường, ảnh hưởng đến quyền lợi của những lao động chân chính khác.
bản đồ nhật bản