Xuất khẩu lao động Hàn Quốc: Bất chấp nỗ lực của các cơ quan chức năng, số lượng lao động Việt Nam bỏ trốn làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc lại tăng lên 49% sau khi vừa giảm xuống hơn 38% vào 10/2013. Tháng 8/2012, trước tình trạng lao động Việt Nam tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng bỏ trốn ở lại làm việc bất hợp pháp lên tới gần 58%, phía Hàn Quốc đã tạm dừng chương trình hợp tác lao động giữa hai nước (gọi tắt là EPS).
Việc này đã khiến khoảng 12.000 lao động trên cả nước đã hoàn thành kỳ kiểm tra tiếng Hàn Quốc trên máy tính mất cơ hội sang Hàn Quốc làm việc.
Phía Hàn Quốc cũng khẳng định, nếu Việt Nam không giảm được số lượng lao động bỏ trốn xuống thấp, nước bạn có thể sẽ dừng hẳn chương trình EPS đối với Việt Nam, trong khi đây là thị trường tiếp nhận lao động chủ lực của Việt Nam với khoảng hơn 10.000 – 15.000 người mỗi năm.
Với nỗ lực cứu vãn thị trường, ngoài các biện pháp vận động, tuyên truyền, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các biện pháp xử lý mạnh hòng “lôi” được số lao động đã bỏ trốn về nước, cũng như ngăn chặn tình trạng bỏ trốn mới.
Một trong các biện pháp đó là việc Chính phủ ban hành Nghị định số 35/NĐ-CP ngày 22/8/2013, đưa ra mức ký quỹ 100 triệu đồng trước khi lao động làm thủ tục sang Hàn Quốc làm việc. Nếu lao động bỏ trốn sau khi đến Hàn Quốc làm việc mà không về nước, số tiền đặt cọc này sẽ bị tịch thu.
Những lao động đã bỏ trốn trước đó cũng sẽ phải chịu mức phạt 100 triệu đồng khi về nước. Tuy nhiên, để khuyến khích các lao động đã bỏ trốn về nước, nếu những đối tượng này về nước trước thời hạn 10/3/2014 sẽ được miễn phạt.
“Sau những động thái quyết liệt của cơ quan quản lý, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn đến tháng 10 năm 2013 đã giảm từ gần 58% xuống còn gần 38% vào 10/2013”, ông Lê Đức Long, Phó giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết.
Lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc bỏ trốn đe dọa nghiêm trọng tới thị trường tiềm năng này (ảnh minh họa)
Trước những nỗ lực của Việt Nam, cuối tháng 12.2013 phía Hàn Quốc đã ký bản ghi nhớ đặc biệt giữa Bộ Lao động hai nước, tạm thời nối lại chương trình EPS đối với Việt Nam.
Trong đó, Hàn Quốc sẽ ưu tiên tiếp nhận các lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đã hết hạn hợp đồng trở về nước đúng hạn và các lao động đã hoàn thành kỳ kiểm tra tiếng Hàn trước đó trong năm 2014 với mức hạn ngạch chỉ có 2.900 người. Nếu Việt Nam tiếp tục duy trì được việc giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn, phía bạn mới xem xét ký lại chính thức chương trình EPS.
Tuy nhiên, chưa kịp vui mừng khi tỷ lệ bỏ trốn vừa hạ xuống, theo ông Long, đến nay tỷ lệ này lại tiếp tục tăng lên 49%, khiến nguy cơ Hàn Quốc có thể không chỉ dừng chương trình EPS tạm thời mà có thể dừng hẳn việc hợp tác lao động với Việt Nam.
Ông Choi Byung Gie, Giám đốc Chương trình EPS tại Việt Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại, vẫn còn hơn 14.000 lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc, chiếm tỷ lệ hơn 40% trong tổng số lao động bỏ trốn của 14 quốc gia có ký kết EPS với nước này.
Chính điều này đã khiến lao động Việt Nam đánh mất vị trí số một trong những nước có nhiều lao động nhất làm việc tại Hàn Quốc vào tay Campuchia.
Theo ông Choi Byung Gie, mức ký quỹ và xử phạt 100 triệu đồng đối với hành vi bỏ trốn là không hề nhỏ. “Tuy nhiên, khi phỏng vấn một số lao động bỏ trốn đã về nước, họ cho rằng, chỉ cần 3 tháng làm việc bất hợp pháp là họ có thể gỡ lại được số tiền phạt này nên không ngại vi phạm”, ông Choi Byung Gie nói.
Đồng thời, điều tra của phía Hàn Quốc tại Việt Nam cũng cho thấy, một phần nguyên nhân khiến các lao động bỏ trốn là có 16% lao động phải vay nặng lãi để có chi phí xuất cảnh. Vì vậy, họ phải bỏ trốn sau khi hết hạn hợp đồng để gỡ gạc lại chi phí. Đây cũng là nhóm đối tượng có tỷ lệ bỏ trốn cao mà Việt Nam cần phải lưu ý để có biện pháp hỗ trợ họ trong việc vay vốn.
Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc lại cho rằng, nếu mức xử phạt 100 triệu đồng không đủ sức răn đe khi lao động bỏ trốn có thể gỡ lại sau chỉ 2-3 tháng thì nên tính tới việc nâng mức phạt để tăng tính hiệu quả.
Hơn nữa, có vẻ như số lao động đang bỏ trốn tại Hàn Quốc cũng nghe ngóng xem việc xử phạt những lao động về nước sau thời hạn 10/3 có bị xử lý nghiêm hay không mới về nước.
Vì vậy, cần phải xử lý thật nghiêm mới có thể đảm bảo tính hiệu quả của chính sách, giảm được tỷ lệ bỏ trốn để tránh nguy cơ mất thị trường. Ngoài ra, cơ quan chức năng và địa phương nên phối hợp tốt hơn nữa trong việc giới thiệu việc làm cho lao động sau khi về nước tại các doanh nghiệp Hàn Quốc. Hà Nội có tới gần 800 doanh nghiệp Hàn Quốc đóng trên địa bàn Hà Nội nên có rất nhiều cơ hội cho lao động hết hạn hợp đồng về nước nếu làm tốt khâu kết nối.
“Thị trưởng thành phố Busan, Hàn Quốc cũng vừa sang Hà Nội đem theo 60 doanh nghiệp tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Nói như vậy để thấy cơ hội việc làm cho lao động về nước là không ít. Vì vậy, phải nỗ lực hơn để giảm tỷ lệ bỏ trốn, không để mất thị trường Hàn Quốc với mức lương hấp dẫn từ 900-12.000 USD, mất cơ hội việc làm tốt của hàng chục nghìn lao động nghèo”, bà Ngọc nhấn mạnh.