Bảo đảm quyền lợi cho lao động xuất khẩu

Hoạt động xuất khẩu lao động thời gian qua đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo ở nhiều vùng nông thôn. 

 

Tuy nhiên, cũng còn rất nhiều vấn đề trong xuất khẩu lao động cần được chấn chỉnh, để đảm bảo an toàn cũng như quyền lợi của người lao động.

Thu phí cao

Hiện có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hàng năm, lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài gửi về nước trung bình 2 – 2,2 tỷ USD, góp phần cải thiện đời sống của hàng ngàn hộ gia đình, giúp nhiều lao động thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Những địa phương làm tốt việc đi xuất khẩu lao động như Thanh Hóa, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên…

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, tổng số lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động từ đầu năm đến nay là hơn 91.000 người (trong đó có 34.232 lao động nữ), vượt gần 5% so với kế hoạch của năm 2014. 

Trong đó, những thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất là Đài Loan (Trung Quốc) với 53.851 người, tiếp theo lần lượt là Nhật Bản 16.283 người, Hàn Quốc 6.662 người, Maylaysia 4.553 người…

Là địa bàn tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam, nhưng vấn đề mà lao động đi xuất khẩu ở thị trường Đài Loan gặp phải lại cũng rất lớn. Hầu hết các lao động đều cho biết, họ phải nộp mức phí quá cao, dù hiện tại theo quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mức phí này đã giảm 500 USD so với năm 2013. 

Cụ thể, tổng chi phí đi Đài Loan năm 2014 là 4.000USD (năm 2013 là 4.500 USD). “Tuy nhiên, đó chỉ là mức phí theo quy định, còn mức phí mà chúng tôi phải nộp còn cao hơn rất nhiều”, một lao động tại Đài Loan cho biết. Bên cạnh việc phí cao, các lao động tại Đài Loan còn phải đối mặt với việc bị chủ lao động giữ lương, khấu trừ tiền ăn vào lương… 

Người lao động luôn muốn tiếp cận thông tin xuất khẩu lao động minh bạch.

“Để chấn chỉnh những vấn đề này, trong năm 2014, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã xử phạt tạm dừng hoạt động có thời hạn của hơn 40 công ty xuất khẩu lao động đi Đài Loan (Trung Quốc). Cũng trong năm 2014, tổng chi phí đi Đài Loan theo quy định đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giảm xuống và Bộ sẽ xem xét tiếp tục điều chỉnh giảm chi phí đi Đài Loan (Trung Quốc) trong những năm tới”, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết.

Đối với thị trường Hàn Quốc, thì đây là thị trường “nhiều bộn bề” trong những năm qua vì tình trạng người lao động trốn ở lại quá nhiều, khiến thậm chí có thời gian Hàn Quốc đã quyết định không tiếp nhận lao động Việt Nam. 

“Toàn bộ lao động đi làm việc tại thị trường này trong năm 2014 đều theo Bản ghi nhớ đặc biệt giữa hai Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc về Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc EPS (MOU). Đến hết tháng 11/2014, khi bản ghi nhớ hết hiệu lực, Chính phủ hai nước sẽ đánh giá quá trình thực hiện và xem xét việc có tiếp tục đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc trong thời gian tới”, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết. 

Cũng theo đại diện này, trong thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện đồng loạt giải pháp như ký quỹ 100 triệu đồng trước khi xuất cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc và đẩy mạnh tuyên truyền cho lao động biết, nếu không về nước đúng hạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 100 triệu đồng. 

“Tuy nhiên, theo số liệu mới đây của Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện Chương trình EPS, tỷ lệ lao động không về nước đúng hạn tuy đã giảm nhiều, nhưng vẫn ở mức khá cao, khoảng 35%”, đại diện này nhấn mạnh

Theo phản ánh của người lao động, một trong những lý do khiến họ ở lại Hàn Quốc do phí đi lao động nước ngoài trước kia khá cao và chênh lệch thu nhập giữa hai nước. Anh Nguyễn Trọng Huynh, (Hà Tĩnh) chia sẻ: “Lý do nhiều lao động Việt Nam ở lại Hàn Quốc nhiều, là vì để sang Hàn Quốc lao động, nhiều người phải đã vay nợ để trả phí môi giới cao, nên phải ra ngoài làm thêm kiếm. Bên cạnh đó, mức chênh lệch thu nhập giữa hai nước khá lớn. Tại Hàn Quốc, như nghề hàn của tôi nếu thêm thu nhập 1.500 USD (khoảng 30 triệu đồng), trong khi về nước thu nhập chỉ khoảng 6-7 triệu đồng”.

Chính vì vậy, theo nhiều lao động kiến nghị, để hạn chế tình trạng lao động bỏ trốn ở lại sau khi hết hợp đồng, cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra các đơn vị xuất khẩu lao động (XKLĐ) thu phí đúng quy định. Đồng thời có chương trình tái hòa nhập cho lao động về nước, để họ sớm có việc làm, đồng thời các doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng được tay nghề, kỷ luật lao động của những lao động này

Thiếu thông tin minh bạch

Để tăng cường sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, đồng thời tránh tình trạng thu phí quá cao, hiện Hiệp hội xuất khẩu lao động (VAMAS) và tổ chức Lao động thế giới tại Việt Nam (ILO) triển khai Bộ Quy tắc ứng xử (CoC-VN) cho các doanh nghiệp XKLĐ. Đây là công cụ đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tăng cường quản lý doanh nghiệp và bảo vệ lao động tránh bị bóc lột.

Bên cạnh đó, về phía Cục Quản lý lao động ngoài nước, sẽ tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về XKLĐ để nâng cao nhận thức của người lao động về các kênh đi làm việc ở nước ngoài an toàn, hợp pháp; cách thức tự bảo vệ bản thân, cũng như những địa chỉ người lao động có thể liên hệ để tìm hiểu thông tin khi có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, hay liên hệ để nhờ được hỗ trợ khi cần thiết trong thời gian làm việc ở nước ngoài… 

Đồng thời, Cục thắt chặt quản lý đào tạo giáo dục định hướng và cải tiến đào tạo nghề, chuẩn hóa giáo trình đào tạo nghề, triển khai các dự án hỗ trợ đào tạo đối với doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai các chương trình đào tạo theo yêu cầu của đối tác tiếp nhận; xúc tiến ký thỏa thuận hợp tác lao động với các nước có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam.

Xuân Minh