Lao động Việt ồ ạt sang Nhật Bản “tìm vàng”

 10 tháng đầu năm 2014, số lao động Việt Nam sang Nhật Bản đã vượt mốc 15.000 người của các năm trước. Thị trường lương cao, trình độ sản xuất tiên tiến, yêu cầu khắt khe… lại đang trở thành “mỏ vàng” để lao động, doanh nghiệp Việt Nam nhảy vào khai thác. Một cuộc đua mới trên thị trường này đang hình thành giữa các đơn vị xuất khẩu lao động.

 

Thu nhập cao nên lượng người đi “khủng”

Từ công bố của Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam cho thấy, năm 2014 là năm có lượng lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản cao nhất so với các năm trước. Theo đó, đến hết tháng 10/2014, đã có 16.282 lao động Việt Nam đến Nhật Bản làm việc. Số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường này cũng không ngừng tăng cao. Trong 10 tháng qua, có 50 doanh nghiệp đưa đến 10.000 lao động sang Nhật, tính trung bình, mỗi doanh nghiệp đưa đến 200 lao động xuất khẩu trong 10 tháng qua. Đây là con số “khủng” mà hàng trăm công ty xuất khẩu lao động mơ ước vì Nhật Bản là thị trường yêu cầu trình độ lao động khá cao. Mức thu nhập của lao động khi làm việc ở thị trường này cũng thuộc “top” hàng đầu.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ,TB&XH) cũng công bố các con số ấn tượng về số hợp đồng và lao động được thẩm định để xuất khẩu sang Nhật Bản. Trong quý IV/2014, có đến 396 hợp đồng được thẩm định, trong đó có đến hàng chục hợp đồng tuyển dụng đến 50 lao động. Với số hợp đồng này, doanh nghiệp sẽ được phép đăng tuyển dụng lao động. Như vậy, trong thời gian tới, hàng trăm lao động trên toàn quốc sẽ có thêm cơ hội để đặt chân đến thị trường lao động văn minh, lương cao ở “xứ sở Mặt trời mọc”.

alt

Ngoài số doanh nghiệp có tên tuổi vốn tham gia khai thác thị trường này đã lâu như Batimex, Châu Hưng, Esuhai, Tracimexco thì hàng chục doanh nghiệp xuất khẩu lao động khác cũng vừa nhảy vào để nhận đơn hàng, tuyển lao động đi Nhật Bản. Ông Lê Văn Thụ, Phó tổng giám đốc Công ty CP xuất khẩu lao động Việt Hà (số 2, Nguyễn Đổng Chi, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) cho biết, đơn vị này mới tham gia khai thác thị trường Nhật Bản. Trong vài tháng tới và vào tháng 9/2015 hàng chục lao động mà đơn vị này đã tuyển dụng, đang trong quá trình đào tạo sẽ lên đường sang Nhật Bản, tham gia vào thị trường lao động. Ông Thụ cho biết, nhu cầu của lao động đi Nhật Bản rất lớn, chỉ cần có đơn hàng, việc tuyển dụng không mấy khó khăn.

Khai thác lâu năm và có con số đưa lao động sang Nhật Bản khá ấn tượng, riêng từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH Esuhail đã có trên 700 lao động trúng tuyển sang Nhật Bản. Hơn một nửa trong số này đã xuất cảnh tham gia vào guồng máy sản xuất của Nhật Bản. Mục tiêu của đơn vị này trong năm nay là đưa được 500 lao động sang Nhật Bản.

“Mỏ vàng” cho lao động xây dựng có tay nghề

Từ đầu năm 2014, Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam đã khẳng định, Nhật Bản là một đối tác kinh tế hàng đầu và là thị trường lao động quan trọng của Việt Nam. Việc được đi tu nghiệp, làm việc, tiếp cận với nền sản xuất và công nghệ hiện đại đang là mơ ước của hàng triệu lao động Việt Nam. Dự tính được sự “bùng nổ” lượng doanh nghiệp khai thác, lượng lao động tham gia thị trường này, Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam đã ban hành cẩm nang giới thiệu về đất nước, con người, nếp sống, nếp làm và hàng loạt điều cần chú ý khác cũng như phương thức quản lý, chuyển tiền về nước cho lao động tiếp cận.

Theo các doanh nghiệp trong Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, có nhiều khía cạnh khiến thị trường Nhật Bản ngày càng rộng mở đối với doanh nghiệp và lao động Việt Nam. Theo đó, sự hợp tác giữa hai nước càng khăng khít hơn trước. Lượng doanh nghiệp Nhật Bản cần lao động ngoại quốc trong đó có lao động Việt Nam ngày càng tăng cao. Ông Lê Văn Thụ cho rằng, không khó để lý giải cho việc lao động của nước ta ngày càng có thêm cơ hội để sang Nhật Bản. “Nền tảng mối quan hệ khá tốt, văn hóa có nhiều nét tương đồng. Doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng “ưu tiên” cơ hội cho lao động Việt. Các nước khác vốn chiếm lượng lớn lao động sang Nhật Bản thì nay đã giảm do nhiều yếu tố phát sinh gần đây”, ông Thụ nói.

Từ năm 2012 về trước, Việt Nam chỉ có cơ hội khai thác khoảng 10% thị phần, do lao động Trung Quốc chiếm 80% ở thị trường Nhật Bản, 10% còn lại là của các nước khác. Tuy nhiên, năm 2014, nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam của Nhật Bản tăng gần 50% so với năm 2013. Ngoài ra, các yếu tố khác như Nhật Bản đang gấp rút xây dựng các công trình thể thao phục vụ Thế vận hội mùa hè 2020 cũng khiến nhu cầu tuyển dụng lao động xây dựng của Việt Nam tăng đột biến. Lao động xây dựng khi lọt được vào thị trường này sẽ có cơ hội được gia hạn hợp đồng thêm 3 năm.

Trong 396 hợp đồng được Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định cho tuyển dụng lao động để cung ứng cho thị trường Nhật thì gần 20% tuyển lao động xây dựng với nhu cầu trên 500 người. Tại Việt Nam có đến 150 doanh nghiệp XKLĐ nhảy vào khai thác thị trường này. Các con số nêu trên cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Nhật Bản đối với lao động và doanh nghiệp Việt là rất lớn.

 Minh Anh