Thị trường xuất khẩu lao động Nhật Bản nhiều cơ hội nhưng không ít áp lực

Theo đánh giá của các chuyên gia xuất khẩu lao động (XKLĐ) thì thị trường Nhật Bản đang có sức hút lớn đối với lao động Việt Nam (LĐVN) đặc biệt là trong những tháng cuối năm, khi mà thị trường LĐ trong nước đang chững lại…

Có thể nhìn thấy những mặt được khi đi làm việc tại thị trường Nhật Bản. Người lao động (NLĐ) sẽ không chỉ được nâng cao kiến thức mà họ còn có thu nhập khá với mức lương thấp nhất là 20 triệu đồng/tháng; cao nhất như kĩ sư, điều dưỡng viên, hộ lý mức lương có thể lên đến 45 – 60 triệu đồng/tháng.

Nếu thị trường XKLĐ Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Trung Đông… được xem là thị trường để xóa đói giảm nghèo, thì thị trường Nhật Bản là thị trường cao cấp. Thị trường này cũng ưu tiên LĐ nữ. Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực (LOD), nhờ chăm chỉ, chịu khó, nhanh nhẹn, ý thức chấp hành kỷ luật tốt nên LĐ nữ Việt Nam luôn được ưu tiên. Phía Công ty cổ phần Nhân lực và thương mại Vinaconex còn tiếp nhận được đơn hàng từ các doanh nghiệp Nhật Bản là tuyển cả hai vợ chồng cùng đi làm trong lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Ibaraki. Điều kiện cũng không quá khắt khe: NLĐ có độ tuổi 25-30 tuổi, tốt nghiệp phổ thông trung học và có 2 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Hiệp – Tổng Giám đốc Công ty Vinaconex, sở dĩ có việc tuyển dụng này vì muốn NLĐ toàn tâm toàn ý với công việc. Phía Công ty Vinaconex cũng tiếp tục mở rộng với các đối tác lĩnh vực xây dựng. Trước đó, các doanh nghiệp Nhật Bản đã khảo sát cơ sở đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực xây dựng của công ty. Hiện nay, Công ty Vinaconex đang chờ đơn hàng mới trong lĩnh vực này.
 

Được ưu tiên tuyển dụng sang thị trường tiềm năng như Nhật Bản là tín hiệu lạc quan cho xuất khẩu lao động Việt Nam. Ảnh: Mạnh Hà
Được ưu tiên tuyển dụng sang thị trường tiềm năng như Nhật Bản là tín hiệu lạc quan cho xuất khẩu lao động Việt Nam. Ảnh: Mạnh Hà
 

Hiện tại, số thực tập sinh Việt Nam sang làm việc tại nước này gia tăng đáng kể. Trong năm 2014, có trên 20.000 LĐ sang Nhật Bản làm việc (trung bình mỗi tháng có khoảng 1.700-NLĐ đi làm việc). Phía Nhật Bản đánh giá tốt về chất lượng LĐVN. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam lo ngại thời điểm cuối năm NLĐ không muốn xa gia đình để đi làm xa, vì vậy sẽ khó có đủ LĐ theo đơn hàng mà đối tác đặt. Trong khi đó, với những đơn hàng tiềm năng, nếu không đáp ứng kịp sẽ mất cơ hội hợp tác. Doanh nghiệp cũng không thể vì thiếu LĐ mà tuyển dụng ồ ạt LĐ kém chất lượng. Vì vậy, dù nhiều đơn hàng, dù khó khăn nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất cẩn trọng để có được những LĐ chất lượng cao.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, đây là thời điểm phía Nhật Bản quan tâm đến LĐVN ở mức cao nhất, năm 2014 tăng trên 200% so với năm 2013. Thực tế, Nhật Bản đã mở cửa rộng hơn với LĐVN sau khi các thỏa thuận liên Chính phủ được ký kết. Cụ thể là bớt khắt khe hơn với các chỉ tiêu tuyển dụng đầu vào, từ chiều cao, trình độ học vấn, ngoại ngữ, tay nghề, thời gian đăng ký xuất cảnh cũng được rút ngắn… để NLĐVN dễ dàng vượt qua các đợt thi tuyển sang làm việc tại nước này. Tuy nhiên, bớt khắt khe không có nghĩa là dễ dãi. 

Cơ hội với LĐVN thì nhiều nhưng sẽ là rủi ro lớn nếu chúng ta không đáp ứng đủ và đúng nguồn LĐ. Các doanh nghiệp Việt Nam phải khắt khe trong tuyển dụng, đào tạo để có nguồn LĐ dồi dào, chất lượng tốt thì mới ký đơn hàng với đối tác. Năm 2015, Việt Nam sẽ gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, vì vậy, việc chuyển dịch LĐ là tất yếu. LĐVN sẽ phải đương đầu với những thách thức cạnh tranh trong thị trường lao động quốc tế. Việc được ưu tiên tuyển dụng sang thị trường tiềm năng và khó tính như Nhật Bản là tín hiệu lạc quan về một tương lai tốt đẹp cho XKLĐ của Việt Nam nhưng rất cần chiến lược tổng thể, dài hạn để đào tạo LĐ có chất lượng.
 

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: Giai đoạn 2015-2020, Nhật Bản cần 20.000 LĐVN trong lĩnh vực xây dựng để chuẩn bị các công trình thể thao phục vụ Olympic 2020. Một lý do khác là dân số Nhật Bản ngày càng già hóa (23% dân số ở độ tuổi trên 65 tuổi), LĐ phổ thông và LĐ nông nghiệp tại Nhật Bản đều đã có tuổi nên việc “nhập khẩu” LĐ trẻ là điều tất yếu. Tại Đông Nam Á, Việt Nam là nước thứ ba (cùng với Indonesia và Philippines) được Nhật Bản đào tạo và hướng nghiệp cho hộ lý và điều dưỡng viên để sang nước này làm việc trong 2-4 năm. Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã có những ký kết với các hoạt động xúc tiến XKLĐ. Các đoàn doanh nghiệp, nghiệp đoàn của Nhật Bản đã sang thăm, khảo sát thị trường Việt Nam và tìm hiểu cơ hội hợp tác tại Việt Nam.