Trong năm 2014, khoảng 60.000 người đã sang làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc), đạt mức cao nhất từ trước đến nay.Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) Tống Hải Nam cho hay kể từ khi Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang Đài Loan làm việc, đây là năm có số lượng đưa đi lớn nhất.
Theo số liệu thống kê, khoảng 60.000 lượt lao động đã đi làm việc tại Đài Loan trong năm 2014. So với mức bình quân trong vòng 5 năm (từ 2010 đến hết tháng 11/2014) với khoảng 40.000 lượt người/năm, thì đây là con số tăng trưởng ngoạn mục nhất trong 14 năm qua.
Nguyên nhân của sự gia tăng mạnh mẽ số lượng lao động sang Đài Loan là do những chính sách phát triển kinh tế và thúc đẩy việc làm của Đài Loan kể từ cuối năm 2011 đến nay, dẫn đến tổng lượng tiếp nhận lao động nước ngoài gia tăng hằng năm. Thứ hai là do tình hình cung ứng lao động của các nước khác có lợi cho phía Việt Nam.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng rất nỗ lực trong việc tuyển chọn, đào tạo và đáp ứng nguồn cung cho thị trường lao động Đài Loan.
Trước ý kiến cho rằng chi phí đi thị trường Đài Loan còn khá cao so với các thị trường khác, ông Tống Hải Nam cho biết, khi nghiên cứu ban hành các quy định về chi phí đi làm việc tại các thị trường khác nhau, đều căn cứ trên nhiều yếu tố của thị trường lao động đó, như: Pháp luật của nước tiếp nhận, mức lương cơ bản, các chi phí liên quan đến khai thác đơn hàng, chi phí thủ tục, vé máy bay, visa, phí khám sức khỏe…
Bên cạnh đó, chi phí của người lao động còn phải căn cứ theo loại ngành nghề, trình độ tay nghề, ngoại ngữ của người lao động đối với yêu cầu của từng thị trường. Do vậy, nếu so sánh chi phí thị trường Đài Loan với chi phí đi làm việc tại các thị trường khác sẽ khó đạt được kết quả của phép so sánh.
Với thị trường Đài Loan, đây không chỉ là thị trường gần gũi, thân thiện với người Việt Nam, mà còn là thị trường khá dễ tính, tiếp nhận nhiều lao động phổ thông, nhưng lại là thị trường có mức lương cơ bản thuộc hàng khá trong các thị trường hiện có (lương cơ bản xấp xỉ 630 USD). Đây cũng là thị trường có hành lang pháp lý bảo vệ người lao động tương đối đầy đủ ở cả hai phía, lại gần về vị trí địa lý và đặc biệt dễ thích nghi và hòa nhập đối với lao động của Việt Nam.
Trong thời gian tới, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp siết chặt quản lý lao động, tập trung chấn chỉnh doanh nghiệp và kiểm soát chi phí của người lao động sang Đài Loan.
Theo đó, các doanh nghiệp đưa lao động sang Đài Loan phải thực hiện thu phí đúng quy định với mức tối đa không quá 4.000 USD/người đối với lao động làm việc ở khu vực nhà máy và 3.300 USD/người đối với lĩnh vực chăm sóc người bệnh.
Cùng với việc giảm chi phí, ông Quỳnh cho rằng việc Đài Loan tăng lương cơ bản theo lộ trình từ 1/7/2014 và tăng nhu cầu tuyển dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động sang thị trường này. Vừa qua, Bộ Lao động Đài Loan (trước đây là Ủy ban Lao động Đài Loan) cũng đưa thêm ngành nghề nuôi cá lồng đại dương vào diện được tiếp nhận lao động nước ngoài.
Trước điều chỉnh này, Ban Thị trường Đài Loan thuộc Hiệp hội XKLĐ Việt Nam đang tích cực phối hợp với các doanh nghiệp XKLĐ tìm kiếm đối tác, đàm phán để ký hợp đồng cung ứng lao động ở lĩnh vực mới này.