Nhật Bản thu hút lao động Việt Nam

Các thị trường truyền thống như Đài Loan, Nhật Bản, Trung Đông, Malaysia… vẫn tiếp tục thu hút khoảng 88.000 lao động Việt Nam trong năm 2014. Năm 2013, cả nước có 87.000 lao động sang các nước làm việc dẫn đầu là thị trường Đài Loan tiếp nhận khoảng 46.000 lao động Việt Nam. Các thị trường thu hút nhiều lao động Việt Nam sang làm việc gồm Nhật Bản, Đài Loan, Trung Đông, Malaysia…

 

Vậy những nước nào sẽ thu hút nhiều lao động Việt Nam trong năm 2014; nhóm ngành nghề nào cần nhiều lao động; mức thu nhập và chi phí bao nhiêu là những vấn đề được nhiều lao động có nguyện vọng ra nước ngoài làm việc quan tâm.

Sẽ tăng thời hạn làm việc tại Nhật từ ba lên năm năm

Ông Đàm Trung Bắc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhân lực toàn cầu (GMAS), phân tích: Dù tình hình kinh tế tại các thị trường truyền thống tiếp nhận lao động bị ảnh hưởng nhưng nhu cầu tuyển dụng lao động vẫn duy trì mức độ khá. Tốp đầu thu hút lao động Việt Nam hiện nay vẫn là thị trường Nhật Bản. Năm 2013, thị trường này đã tiếp nhận khoảng 10.000 thực tập sinh Việt Nam. Nhu cầu tiếp nhận lao động từ các nghiệp đoàn từ Nhật rất đa dạng, trong đó nhiều nhất là nghề xây dựng, cơ khí, chế biến thực phẩm, nuôi trồng thủy sản… Thu nhập bình quân của người lao động dao động 800-1.200 USD/tháng, với tổng chi phí để xuất cảnh khoảng 4.500 USD/người. Dự kiến trong năm 2014, các nghiệp đoàn sẽ tiếp nhận thêm hơn 10.000 lao động Việt Nam.

 

Ngành xây dựng đứng đầu danh sách tuyển thực tập sinh Việt Nam sang Nhật làm việc. Ảnh: N.TÌNH

Một tin vui đối với người lao động là vừa qua cơ quan chức năng Nhật Bản đã có đề xuất chính phủ tăng thời gian làm việc của thực tập sinh từ ba lên năm năm, thay vì ba năm như hiện nay. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển nhiều lao động và họ cần sử dụng lâu hơn để hoàn thành các dự án thay vì phải thay lao động giữa chừng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng mở cửa cho các thực tập sinh khi về nước được giới thiệu một người thân sang thay thế. “Việc nâng thời hạn làm việc lên năm năm cũng là giải pháp ngăn người lao động bỏ trốn ra ngoài làm việc khi họ vừa hết hợp đồng” – ông Bắc nói.

Ngoài thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng có nhu cầu tuyển lao động nghề tiếp viên hàng không, làm việc tại các khu resort cao cấp. Với nghề tiếp viên hàng không quy trình tuyển dụng đầu vào rất khắt khe. Hồ sơ ứng tuyển rất nhiều nhưng kiến thức, trình độ ngoại ngữ của ứng viên Việt Nam lại hạn chế. “Nhiều ứng viên có ngoại hình đẹp, mong muốn thu nhập cao (hơn 1.300 USD/tháng chưa kể thu nhập từ giờ bay) nhưng họ không đáp ứng được. Đây sẽ là nguồn lao động dồi dào cho các công việc tại các khu resort, tùy vào năng lực của người lao động sẽ có thu nhập khác nhau. Người lao động khi tham gia ứng tuyển hai nghề này không phải mất chi phí” – ông Bắc cho biết.

Hạn chế ngoại ngữ và sức khỏe

Bà Dương Thị Thu Cúc, Giám Đốc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Dầu khí Sài Gòn Nhân lực, cho biết thêm: “Năm 2020, Nhật Bản sẽ đăng cai Thế vận hội, từ thời điểm này Nhật Bản trở thành đại công trường xây dựng các sân vận động, khách sạn để phục vụ cho sự kiện này. Lao động Việt Nam được các doanh nghiệp trong ngành xây dựng tại Nhật đánh giá cao vì đức tính cần cù, thông minh. Ngược lại cũng có nhược điểm là trình độ ngoại ngữ hạn chế, sức khỏe yếu không theo kịp cường độ làm việc cao”.

Theo bà Cúc, thị trường Nhật được người lao động và các công ty cung ứng lao động tại Việt Nam quan tâm do thu nhập cao, công việc ổn định, kỷ luật lao động được đặt lên hàng đầu, quan hệ lao động hài hòa, có sự giám sát chặt chẽ giữa công ty cung ứng và chủ sử dụng lao động.

Về thị trường Đài Loan, bà Cúc đánh giá: Đây là thị trường thu hút nhiều lao động, đầu việc khá nhiều (lắp ráp điện tử, chăm sóc bệnh nhân, giúp việc…) nhưng lại nằm trong nhóm thu nhập trung bình. Ngược lại, thị trường này tồn tại nhiều bất ổn, bị chi phối làm giá chi phí đẩy lên cao thay vì theo quy định không quá 4.000 USD. Quan hệ lao động lại không được thân thiện như các thị trường khác.

PHONG ĐIỀN

 

Hàn Quốc chỉ tuyển lao động đã có chứng chỉ tiếng Hàn

Các thị trường truyền thống như Đài Loan, Nhật Bản, Trung Đông, Malaysia… vẫn tiếp tục thu hút khoảng 88.000 lao động Việt Nam trong năm 2014. Riêng thị trường Hàn Quốc không tuyển lao động mới mà chỉ tuyển những lao động đã có chứng chỉ tiếng Hàn trong các kỳ thi năm 2011-2012 và những lao động “trung thành” về nước đúng hạn với mức dự kiến khoảng 15.000 lao động.

Để tiếp tục duy trì tỉ lệ tuyển lao động từ các nước, các công ty cung ứng lao động cần siết chặt quy trình tuyển dụng, sàng lọc kỹ hồ sơ ứng viên và có sự liên hệ thường xuyên với gia đình họ để phối hợp giải quyết khi có tranh chấp lao động. Ngoài ra, các công ty cung ứng cần tổ chức đào tạo nghề, ngoại ngữ để người lao động nhanh chóng hòa nhập môi trường làm việc, tạo quan hệ thân thiện với người bản địa”.

Ông NGUYỄN NGỌC QUỲNH, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước