Làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản

Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngày 21/9/1973, kể từ đó, quan hệ hai nước không ngừng được củng cố và phát triển mạnh mẽ. Đến năm 2009, quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản được chính thức xác lập và mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả. Nhận lời mời của Chính phủ Nhật Bản, dự kiến, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ có chuyến thăm tới Nhật từ 17-18/3.

 

Hiện Nhật là đối tác xuất nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc. Với các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc… Việt Nam nhập siêu khá lớn thì với Nhật Bản, cán cân thương mại giữa 2 nước khá cân bằng. Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu bổ trợ cho nhau phát triển chứ không cạnh tranh mạnh như các thị trường khác.

Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch thương mại Việt Nam – Nhật Bản năm 2013 tăng trưởng khá so với năm 2012, đạt khoảng 26 tỷ USD. Trong tháng 1/2014, giá trị xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam sang Nhật  đạt 1,23 tỷ USD, trong đó, có bốn nhóm hàng đạt kim ngạch trên 100 triệu USD. Cụ thể, hàng dệt may 228,41 triệu USD, chiếm 18,59% tổng kim ngạch; phương tiện vận tải 169,58 triệu USD, chiếm 13,8%; dầu thô 145,8 triệu USD, chiếm 11,87%; máy móc, thiết bị, phụ tùng 111,99 triệu USD, chiếm 9,11%.

Đặc biệt, trong các tháng đầu năm nay, tình hình xuất khẩu tôm diễn ra thuận lợi vì Nhật Bản đã chính thức nâng mức dư lượng Ethoxyquin trong tôm Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản lên 0,2 ppm. Quyết định trên không chỉ tháo gỡ khó khăn cho hơn 20 DN thủy sản Việt Nam hiện nằm trong danh sách có lô hàng bị trả về từ các nhà nhập khẩu Nhật do có hàm lượng Ethoxyquin vượt mức cho phép mà còn tạo điều kiện cho nhiều DN khác xuất khẩu tôm vào thị trường này. Việc nới lỏng hàng rào Ethoxyquin sẽ tạo tăng giá trị lẫn sản lượng mặt hàng xuất khẩu này trong năm 2014. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, với một hành lang pháp lý rất thuận lợi phục vụ cho hoạt động kinh doanh của cộng đồng DN hai nước, nếu biết nắm bắt tốt cơ hội và biết tận dụng các lợi thế để khai thác triệt để tiềm năng, con số 50 tỷ USD trao đổi thương mại song phương không quá xa vời trong tương lai.

Về đầu tư, năm 2013, Nhật đầu tư vào Việt Nam 5,75 tỷ USD, chiếm tỷ trọng gần 30% tổng vốn FDI sau khi đã dẫn đầu trong năm 2012 với 5,13 tỷ USD, xấp xỉ 40% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Dấu ấn của các công ty Nhật còn ở vốn đầu tư mở rộng sản xuất liên tục với gần 4,5 tỷ USD trong năm 2013. Trong 2 tháng đầu năm 2014, theo số liệu thống kê mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 263,36 triệu USD, chiếm 17,1% tổng vốn đầu tư.

Trong hợp tác ODA, Nhật Bản hỗ trợ cho các nước đang phát triển trên thế giới, Việt Nam hiện cũng là đối tác quan trọng xét cả về lượng lẫn chất. Viện trợ ODA của Nhật Bản đối với Việt Nam thời gian gần đây đạt trung bình hơn 2 tỷ USD mỗi năm. Theo Sách Trắng ODA năm 2013 được công bố mới đây của Chính phủ Nhật Bản, Việt Nam là nước nhận ODA lớn nhất. Tổng số vốn ODA trong 20 năm mà Nhật Bản dành cho Việt Nam khoảng 1.914,9 tỷ yên. Sự hỗ trợ của Nhật Bản được đánh giá là đang góp phần tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Giới phân tích nhận định, diễn ra trong bối cảnh hợp tác song phương đang phát triển sâu và rộng trên nhiều lĩnh vực, chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chắc chắn sẽ góp phần tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược song phương, đặc biệt trong các lĩnh vực hợp tác kinh tế, đầu tư, viện trợ phát triển./.

Nguồn: ven.vn