Các nhà hoạch định chính sách gia tăng lo ngại về khả năng suy thoái kéo dài đối với nền kinh tế Nhật Bản trước tác động của dịch Covid-19 và giá dầu giảm khiến thị trường chao đảo và đồng Yên tăng giá.
Người dân đeo khẩu trang phòng tránh dịch Covid-19 tại Osaka, Nhật Bản. (Nguồn: Kyodo News) |
Theo số liệu đã được điều chỉnh cho thấy, GDP của Nhật Bản trong Quý IV/2019 giảm sâu hơn so với dự báo ban đầu, cụ thể giảm 7,1% trong khi dự báo lúc đầu là 6,3%. Đây là mức giảm lớn nhất trong vòng hơn 5 năm qua, khiến các nhà hoạch định chính sách gia tăng lo ngại về khả năng suy thoái kéo dài đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trước tác động của dịch Covid-19 và giá dầu giảm khiến thị trường chao đảo và đồng yên tăng giá.
Số liệu xấu hơn so với dự báo cho thấy nền kinh tế đang ở trong tình trạng mong manh khi dịch bệnh bắt đầu ảnh hưởng tới xuất khẩu, chuỗi cung ứng, lượng khách du lịch. Tâm lý thị trường và tâm lý của người tiêu dùng xấu đi nhanh chóng, triển vọng các doanh nghiệp tăng chi tiêu đầu tư để có thể hỗ trợ nền kinh tế trong quý này trở nên xa vời hơn, tạo thêm áp lực cho các nhà hoạch định chính sách đưa ra các biện pháp đối phó.
Hiện tại, Chính phủ Nhật Bản đang đề xuất các biện pháp kích thích lớn quá nhanh sau khi gói kích thích kinh tế trị giá 13.200 tỷ Yên được thông qua hồi tháng 12/2019. Tuy nhiên, chừng nào nền kinh tế có chiều hướng đi xuống, chừng đó Thủ tướng Abe phải có thêm hành động. Trong tình hình này, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản ít có lựa chọn.
Tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Kuroda đã ra thông báo khẩn cấp kêu gọi ổn định thị trường và cam kết mua thêm tài sản. Tuy nhiên với việc đồng Yên tăng giá mạnh nhất trong 3 năm qua, có thể phải có quyết định mạnh hơn, thậm chí giảm hơn nữa lãi suất vốn đã ở mức âm.
Kinh tế gia Yoshiki Shinke tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life nhận xét: “Vấn đề hiện nay là tăng trưởng kinh tế Nhật Bản sẽ giảm bao nhiêu trong quý này, chứ không phải là giảm hay không. Giảm thuế hay tăng đầu tư công sẽ không giúp được mấy, do vậy rất khó để đối phó với cú sốc kinh tế kiểu này”.
Dịch Covid-19 không chỉ tác động đến chuỗi cung ứng và xuất khẩu mà còn tác động tới các hộ gia đình. Cùng với tác động của việc tăng thuế, người tiêu dùng hiện nay hạn chế đi mua sắm hơn. Môi trường kinh tế khó khăn hơn, tâm lý sợ hãi của người tiêu dùng hiện cũng là cản trở lớn.
Sự lây lan của dịch bệnh đã khiến các nhà đầu tư bán nhiều tài sản rủi ro hơn và tranh giành những tài sản ổn định như đồng Yên, đặc biệt trong thời gian khó khăn về tài chính. Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản luôn cho rằng, sự tăng giá mạnh làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh nền kinh tế xuất khẩu hàng đầu này, vốn có chiều hướng suy thoái.
Các quan chức cấp cao của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhật Bản và cơ quan giám sát tài chính, bao gồm nhà ngoại giao hàng đầu Nhật Bản Yoshiki Takeuchi đã có mặt để thảo luận về thị trường tài chính toàn cầu. Các quan chức Nhật Bản cho biết, họ đang tuân theo một thỏa thuận ngầm của của Nhóm G7 và G20, cho phép thực hiện những biện pháp chống lại sự thay đổi mạnh của thị trường.
Nguồn: https://baoquocte.vn/kinh-te-nhat-ban-trong-tinh-trang-mong-manh-vi-covid-19-111284.html