Cứu vãn Olympic Tokyo 2020 cũng như uy tín của chính phủ Nhật Bản

Trong điều kiện kinh tế Nhật đang mong manh vì suy thoái do dịch Covid-19, dự thảo về “Tình trạng khẩn cấp” là bước đi cần, song liệu đã đủ để đối phó dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona (Covid-19), cứu vãn Olympic Tokyo 2020 cũng như uy tín của chính phủ Nhật Bản.

chinh phu nhat ban doi pho covid 19 bay gio hoac khong bao gio
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong buổi họp của Thượng viện ngày 11/3. (Nguồn: AFP)

Dự thảo đã được Nội các Nhật Bản thông qua ngày 10/3 và nếu được Quốc hội phê chuẩn, sẽ cho phép Thủ tướng Shinzo Abe công bố tình trạng khẩn cấp, kiểm soát di chuyển của người dân, điều động các tòa nhà làm bệnh viện và thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt cần thiết khác. Tuy nhiên, Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga cũng trấn an rằng: “Hiện nay, chúng ta chưa ở trong hoàn cảnh phải công bố tình trạng khẩn cấp”. Tuy nhiên, sự thực liệu có phải vậy?

Ông Yu Uchiyama, Giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học Tokyo (Nhật Bản), nhận định sở dĩ có dự thảo này bởi “Nhật Bản không có khuôn khổ pháp lý để đối phó với trường hợp này”. Theo ông, Nhật Bản đáng nhẽ phải thông qua dự thảo này từ lâu, đồng thời phản ứng nhanh và quyết liệt trước dịch bệnh. Đồng quan điểm, The Japan Times cho rằng tương tự động thái trước đó như hạn chế đi lại ở các vùng có dịch hay tăng cường sản lượng khẩu trang y tế, việc xem xét công bố tình trạng khẩn cấp của Nhật Bản là quá muộn so với các quốc gia khác.

Giải thích thực trạng này, cựu Bộ trưởng Y tế Yoichi Masuzoe, người từng có kinh nghiệm chống dịch cúm tại xứ sở hoa anh đào năm 2009, khẳng định: “Họ không có cảm nhận được sự khủng hoảng”. Một lý do khác được đưa ra đến từ việc đảng cầm quyền Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) gặp khó khăn khi thông qua các dự thảo bị xem là hạn chế quyền con người.

Tuy nhiên, chắc chắn rằng phản ứng chậm trễ này sẽ để lại nhiều hậu quả khó lường.

Thứ nhất, số ca nhiễm tại Nhật Bản tiếp tục tăng: Ngoại trừ 700 người bị lây nhiễm trên con tàu Diamond Princess, đến ngày 11/3, quốc gia này đã ghi nhận 567 ca mắc Covid-19, với 12 người tử vong. Đáng ngại hơn, khách du lịch Trung Quốc tới Nhật Bản tháng Giêng đạt mức kỷ lục, 920.000 người, trong bối cảnh Covid-19 bùng phát từ Vũ Hán và lan rộng toàn Trung Quốc. Một phần trong số họ được cho là nguyên nhân của các ca nhiễm Covid-19 tại Nhật Bản.

Thứ hai, Nhật Bản phải hứng chịu chỉ trích hiếm hoi từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) về cách xử lý ca nhiễm Covid-19 trên tàu Diamond Princess, khiến tình hình trầm trọng hơn, theo đó cứ 5 người thì có 1 người nhiễm; 7 người đã thiệt mạng.

Thứ ba, sự gia tăng liên tục ca nhiễm Covid-19 đã khiến tỷ lệ ủng hộ chính phủ Nhật Bản hạ xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2018, đạt mức 43%. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục giảm nếu Tokyo không có biện pháp hữu hiệu nhằm phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh. Năm 2011, thảm họa động đất sóng thần ngày 11/3 không chỉ khiến 20.000 người thiệt mạng và mất tích, mà còn khiến đảng Dân chủ đánh mất sự ủng hộ của người dân, tạo điều kiện cho LDP trở lại. Ông Shinzo Abe rõ ràng không muốn kịch bản này lặp lại đối với mình.

Thứ tư, chừng nào dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, Olympic Tokyo 2020 vẫn phải đối mặt với khả năng bị hủy bỏ. Nếu thành sự thực, nó sẽ giáng mạnh vào uy tín của Thủ tướng Abe, khi không có biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch quyết liệt và hiệu quả.

Trong bối cảnh đó, việc thông qua dự thảo ban bố tình trạng khẩn cấp là một bước đi cần thiết, nhưng là chưa đủ. Chính phủ Nhật Bản cần nhanh, quyết liệt hơn nhằm cứu vãn mạng sống của người dân, Olympic Tokyo 2020 nói riêng và uy tín Thủ tướng Abe cùng LDP nói chung.

Nguồn: https://baoquocte.vn/chinh-phu-nhat-ban-doi-pho-covid-19-bay-gio-hoac-khong-bao-gio-111295.html