So với những nước khác, cách nấu nướng của người Nhật hầu như không sử dụng đến gia vị. Thay vào đó, người ta tập trung vào các hương vị tinh khiết của các thành phần món ăn: cá, rong biển, rau, gạo và đậu nành. Với ít đất đai, các loại gia cầm ở đây hạn chế nhưng Nhật Bản lại nổi tiếng với món thịt bò Kobe. Cá thường được chế biến thành các món gọi là ashimi hoặc là sushi.
Bữa ăn của người Nhật được bài trí rất đẹp mắt, nhưng cũng đơn giản và khiêm tốn. Bữa tối là bữa ăn chính, bắt đầu bằng món khai vị và một ly nhỏ rượu sake, một loại rượu gạo lên men thường uống nóng. Bữa ăn được bày trên một bàn thấp, và người ta ngồi trên những chiếc gối kê trên nền nhà được trải tatami.
Bữa ăn thường gồm món hầm, món rau trộn, món chiên, món hấp hoặc món nướng, ăn với cơm hoặc cháo. Những món ăn thường được chuẩn bị một cách đơn giản, nhưng hương vị và bản chất món ăn tạo một sự thanh nhã và phong phú đặc trưng kiều Nhật. Các món ăn được dọn ra cùng một lúc và ai muốn ăn món nào thì gắp món đó.
Mì là món ăn trưa điển hình. Các quán mì ở khắp mọi nơi trên đất Nhật. Thường thì loại mì làm bằng lúa mì được ăn dưới dạng mì nước, trong khi đó loại mì làm bằng kiều mạch thường ăn trộn với rau theo kiểu gỏi.
Rau thường ít khi ăn sống mà thường muối dưa hoặc hầm hoặc xào kỹ, như trong món tempura (món sốt cá, cua, tôm). Những loại rau củ mọc tốt ở Nhật, do đó cà rốt, củ ngưu bàng, củ cải thường được sử dụng. Cùng với những loại củ này, dưa leo đóng vai trò quan trọng trong việc trang trí, thường được cắt thành hình quạt, hình cánh hoa hay những dạng vui mắt khác. Một dạng đẹp mắt gây ấn tượng nhất là “lưới đánh cá” được làm từ một miếng củ cải trắng, thường thấy trong sushi.
Không giống như những nước khác, Nhật Bản rất ít tập trung vào sự đa dạng theo địa phương. Có lẽ vì ít có sự khác biệt về địa lý trong ẩm thực của người Nhật. Tuy có những vùng có món đặc biệt riêng của nó, nhưng nhìn chung người Nhật vẫn có một lối ăn chung cho cả nước.
Người Nhật cũng có các thức ăn theo mùa. Chẳng hạn như vào mùa đông, các loại quít tượng trưng cho mặt trời và được người ta dùng làm quà năm mới. Mùa xuân có gạo anh đào. Tháng 9 là tháng của mặt trăng, và những món hầm trắng được ưa chuộng – bào ngư, dưa leo và măng.
Các món ăn
Sushi: cá sống được xếp trên cơm trộn giấm. Món này cũng ăn chung với wasabi và nước tương. Gừng muối chua được dùng làm món tráng miệng.
Tempura: hải sản và rau được chiên xào kỹ, chấm với nước xốt.
Somen: một loại miến, thường được ăn theo dạng nước.
Soba: mì làm bằng kiều mạch.
Togarashi: là món gia vị gồm tiêu và ớt.
Shiso: một loại rau thơm nửa như cây bạc hà, nửa như húng quế, thường được dùng để trang trí.
Nguyên liệu Làm rượu
Rượu Sake được làm từ gạo và nước, dưới sự tác động của một loại vi khuẩn gọi là koji và men rượu Sake.
Cụ thể gạo để làm rượu phải được xây xát kỹ. Nhật có hai loại gạo, loại gạo thường, dùng để nấu ăn, và loại gạo Sakamai dùng để nấu rượu Sake. Tất nhiên là loại gạo thường vẫn có thể dùng để làm rượu, nhưng chất lượng không bằng loại gạo Sakamai. Gạo Sakamai có hạt lớn hơn và mềm hơn, và chỉ được trồng ở một số vùng nhất định, với kỹ thuật canh tác phức tạp hơn.
Nước cũng đóng vai trò quan trọng trong công việc làm rượu Sake. Loại nước nửa cứng là phù hợp nhất vì hàm lượng thấp của chất sắc và chất ma nhê.
Lịch sử rượu Sake
Người Nhật bắt đầu làm rượu Sake vào khoảng thời gian sau khi người ta bắt đầu trồng lúa nước vào thế kỷ 3 trước Công nguyên. Tài liệu đầu tiên viết về việc uống rượu Sake là vào khoảng năm 300 sau Công nguyên.
Trong thời cổ Nhật Bản, việc sản xuất Sake có liên quan mật thiết tới cung đình và những đền thờ. Đó là lý do tại sao Sake thường kết hợp với những nghi thức và lễ hội tôn giáo. Ngay cả ngày nay, Sake vẫn được sử dụng trong các nghi thức truyền thống tại Nhật.
Sake đối với người Nhật còn hơn là một thứ thức uống. Ngay từ thời cổ, Sake đã được trân trọng cao độ. Những món đồ sứ được trang trí đầy tính nghệ thuật hoặc những món đồ bằng gỗ dùng để uống rượu đã cho thấy giá trị mà người Nhật đặt lên loại thức uống này.
Uống rượu Sake
Rượu Sake có thể uống nóng hoặc uống lạnh. Người ta cũng có thể uống rượu Sake một cách tuyệt hảo với nhiệt độ trong phòng. Hương và vị của rượu sẽ thay đổi tùy theo nhiệt độ. Người ta có thể chọn nhiệt độ cho rượu tùy thuộc vào mùa hoặc thức nhắm. So với bia hoặc rượu vang, Sake được uống ở một dải nhiệt độ rộng hơn nhiều, từ 5 •C đến 55 •C. Không nên hâm nóng lên quá 60 •C và cũng không nên nấu sôi. Nhiệt độ cũng tùy thuộc vào loại rượu Sake đang uống. Chẳng hạn như loại rượu có mùi thơm và nhẹ, êm nên uống lạnh.
Về dụng cụ để uống, rượu Sake có thể được uống bằng bất kỳ loại nào. Người ta có thể uống Sake bằng tách, bằng ly, hoặc bằng những loại khác nhau, bất kể hình dáng và chất liệu. Nhiều người Nhật thích uống Sake bằng tách sứ hoặc tách gỗ.
Sake cũng có thể hòa chung với cốc tai trái cây để uống. Người ta vẫn thường thưởng thức một ly cốc tai có Sake. Ngoài ra, Sake cũng có thể hòa chung với các loại rượu mùi khác để có một thứ hương vị tổng hợp, đa dạng.
Nguyên Hà tổng hợp