Cư trú và làm việc lâu dài ở Nhật

Visa Nhật Bản: Để định cư lâu dài tại Nhật mà không muốn xin Visa thì có 2 cách đó là xin Vĩnh Trú hoặc nhập Quốc tịch. Cả 2 tư cách này hầu như không khác nhau mấy về quyền lợi như vay ngân hàng để mua nhà, thành lập công ty, làm người bảo lãnh v.v… tuy nhiên điểm khác nhau cơ bản là Vĩnh trú vẫn là người nước ngoài, còn nhập Quốc tịch rồi thì sẽ là công dân Nhật, mang hộ chiếu Nhật, tên Nhật (phải bỏ quốc tịch Việt Nam vì Nhật chỉ cho phép mang 1 Quốc tịch).

Điều kiện để xin nhập quốc tịch Nhật Bản

1. Bạn phải lưu trú tại Nhật Bản với thời gian là trên 5 năm liên tục.

2. Trên 20 tuổi, có đầy đủ khả năng điều khiển hành vi nhận thức của mình theo quy định của pháp luật.

3. Có hành vi tốt, không vi phạm bất kỳ chính sách nào theo quy định của chính phủ. Ví dụ: Nộp thuế đầy đủ, không có tiền án tiền sự, lịch sử phạm tội…

4. Người nhập quốc tịch phải có khả năng sinh sống dựa vào tài sản của họ hoặc gia đình họ. Ví dụ: Các khoản tài sản như bất động sản, tiền tiết kiệm… Sẽ phải liệt kê để được xem xét nhập quốc tịch.

5. Khi đã nhập quốc tịch Nhật Bản, người nhập quốc tịch sẽ không còn mang quốc tịch của đất nước mình nữa. Tuy nhiên cũng có những trường hợp được phép mang 2 quốc tịch, bạn hãy tìm hiểu thông tin thông qua đại sứ quán hoặc sở tư pháp của nước mình tại Nhật Bản để rõ hơn vấn đề này.

6. Không tham gia thành lập kế hoạch phá hoại chính phủ Nhật Bản bằng bạo lực, đồng thời cũng không được gia nhập vào một tổ chức, một đảng phái chính trị có chủ trương như vậy.

Mặc dù trong luật pháp không có quy định nào về năng lực tiếng Nhật, tuy nhiên yếu tố này lại hết sức cần thiết nên các bạn cần đặc biệt lưu ý. Nếu việc xin quốc tịch của bạn đã được chấp nhận, thì con cái của bạn sẽ được miễn các điều 1, 2, 4 ghi ở trên. 

Thủ tục cơ bản như sau

1. Nơi nộp hồ sơ:

– Vĩnh trú: Nộp hồ sơ tại Cục quản lý nhập quốc. Cần có người bảo lãnh và nộp giấy chứng minh thu nhập của người bảo lãnh. Giấy tờ xin vĩnh trú đơn giản hơn chỉ cần Giấy chứng minh thu nhập, đóng thuế của 3 năm…

– Quốc tịch: Nộp tại Bộ Tư pháp. Không cần có người bảo lãnh nhưng giấy tờ xin quốc tịch thì hơi bị nhiều. Ví dụ như bản sao Giấy khai sinh của chính người làm, của anh chị em, giấy kết hôn của bố mẹ. Giấy kê khai thu chi của 1 tháng, vẽ bản đồ khu vực sinh sống, viết lý lịch từ lúc sinh ra cho tới hiện tại học ở đâu, làm gì, địa chỉ thế nào…, kê khai tên thành viên gia đình sống ở Việt Nam và Nhật (nếu có), giấy lý do xin quốc tịch trong đó có phần xin đổi tên thành tên Nhật.

Chú ý: Điều kiện xin Vĩnh Trú phải sống ở Nhật liên tục trên 10 năm, có Visa đi làm trên 5 năm. Nếu là vợ hoặc chồng của người Nhật, người có Vĩnh Trú, người có Vĩnh Trú Đặc Biệt thì chỉ cần kết hôn trên 3 năm và sống ở Nhật trên 1 năm.

2. Thời gian chờ kết quả:

– Vĩnh trú: Từ sau khi nộp đơn chờ 6 – 8 tháng đến 1 năm. Bình thường thì khoảng 6-8 tháng. Có trường hợp đặc biệt thì khoảng 3 – 4 tháng nhưng rất hiếm.

– Quốc tịch: Sau khi nộp đơn tới lúc có kết quả chính thức là mất khoảng 1 năm tới 1 năm rưỡi, có người mất 2 năm. Nộp đơn được 1-2 tháng thì phía Nhật sẽ gọi tới phỏng vấn. Để phía Nhật đồng ý cho vào quốc tịch thì mất 8-10 tháng nữa, đối với vợ hoặc chồng người Nhật có thể nhanh chóng hơn. Sau khi phía Nhật đồng ý cho vào quốc tịch thì phải tới Đại sứ quán (ĐSQ) hay Tổng Lãnh sự quán (TLSQ) Việt Nam để làm thủ tục xin thôi quốc tịch. Thời gian chờ từ 6 tháng đến 1 năm. Nếu nhận đc quyết định cho thôi quốc tịch thì ra quận/ thành phố gần nơi ở để trả lại Thẻ ngoại kiều/ Thẻ cư trú và làm thủ tục đổi tên tài khoản ngân hàng hay các nơi khác….

3. Lệ phí:

– Vĩnh trú: Nếu có kết quả được Vĩnh trú thì phải nộp 8000 yên. Còn không được thì không phải nộp.

– Quốc tịch: Không mất đồng nào.

4. Tư cách lưu trú:

– Vĩnh trú: Người nước ngoài định cư ở Nhật. Không giới hạn việc làm. Tuy nhiên cần gia hạn Thẻ lưu trú 7 năm 1 lần tại Cục Quản lý nhân quyền. Nếu rời nước Nhật quá 1 năm sẽ bị mất quyền Vĩnh trú.

– Quốc tịch: Là người Nhật, mang hộ chiếu Nhật, có hộ khẩu tại Nhật. Dù có phạm pháp cũng không bị trục xuất khỏi nước Nhật. Ai lấy vợ/chồng Nhật thì vào quốc tịch sẽ thuận lợi hơn khi cả gia đình đi du lịch nước ngoài mà không cần xin Visa rất nhiều nước, nhất là sau này con cái đi học có bố mẹ là người Nhật không bị gọi là con lai hay bị trêu trọc nếu trong lớp, trong trường có bạn xấu.

Tuy nhiên khi về Việt Nam dự định quá 15 ngày thì phải đến Đại sứ quán hay Tổng lãnh sự quán Việt Nam xin Visa về quê hương. Hoặc nếu về nước rồi mà muốn kéo dài thời gian thì tới Cục Lãnh sự làm thủ tục gia hạn Visa. Một điều hay là khi bạn có tên Nhật thì lúc nói chuyện hay hỏi han gì đó không phải nhắc đi nhắc lại tên tiếng Việt bằng Katakana.

Còn vĩnh trú thì có thể sống thoải mái trên nước Nhật không cần xin Visa định kỳ nữa, sang Nhật, về Việt Nam không phải làm thủ tục gì cả nhưng khi ra nước ngoài vẫn mang hộ chiếu Việt Nam, vẫn phải xin Visa nhiều nước.

#ATK