Trong 10 tháng đầu năm 2014, Nhật Bản đã đón nhận khoảng 16.283 lao động (LĐ) Việt Nam sang làm việc. Đây là năm đầu tiên Việt Nam vượt mốc đưa 15.000 LĐ sang Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu “ngủ quên” trên thành tích này chúng ta rất dễ sao nhãng những tồn tại chưa được giải quyết dứt điểm: tình trạng lừa đảo của các công ty môi giới, lao động bỏ trốn,…
Cơ hội rộng mở
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), việc đưa 16.283 LĐ sang Nhật Bản làm việc là kết quả đáng ghi nhận trong nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ). Tuy nhiên, để đạt được con số ấn tượng đó, một phần do cố gắng của công tác XKLĐ, một phần do thị trường Nhật Bản đã nới lỏng một số điều kiện với lao động.
Cụ thể, 2 năm gần đây nhu cầu tuyển dụng lao động từ Nhật Bản tăng rất mạnh. Theo đó, các nghiệp đoàn, công ty của Nhật Bản đã nới lỏng các chỉ tiêu tuyển dụng đầu vào, từ chiều cao, trình độ học vấn, ngoại ngữ, tay nghề,…; thủ tục hành chính được tối giản để người lao động Việt Nam dễ dàng vượt qua các đợt thi tuyển. Bên cạnh đó, thị trường cung ứng và tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản cũng đang dần ổn định và tăng về số lượng. Các lĩnh vực ngành nghề đa dạng hơn, từ chỗ chỉ tiếp nhận lao động ở các ngành nghề kỹ thuật, cơ khí thì nay có thêm một số ngành như xây dựng, may mặc, nông nghiệp, lắp ráp điện tử, chế biến thực phẩm, trang trí nội thất,… Số lượng LĐ được tuyển cũng không bị giới hạn mà tùy vào khả năng đàm phán của doanh nghiệp phái cử. Riêng quý IV.2014, dự kiến mỗi tháng sẽ có khoảng 1.700 LĐ xuất cảnh sang Nhật. Nếu duy trì số lượng này, XKLĐ của Việt Nam trong năm 2014 ở thị trường Nhật Bản sẽ đạt trên 21.000 người.
Thận trọng để tránh rủi ro
Dù đón nhận nhiều tín hiệu tích cực và những cơ hội thuận lợi, với số lao động xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm vượt qua thị trường Hàn Quốc, Malaysia, Ả rập Xê út…, song XKLĐ sang Nhật Bản hiện nay vẫn thua xa so với thị trường Đài Loan (53.851 lao động).
Trên thực tế, việc đưa LĐ Việt Nam sang Nhật Bản dù đã dễ dàng hơn nhờ nước bạn nới lỏng nhiều quy định, tiêu chuẩn so với trước đây, nhưng LĐ Việt Nam khi ra làm việc tại nước ngoài nói chung và Nhật Bản nói riêng, vẫn thường bị phàn nàn về tác phong làm việc. Chưa kể đến công tác bồi dưỡng, huấn luyện tay nghề lao động từ khi ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.
Từ năm 2012 trở về trước, lao động Trung Quốc chiếm 80% ở thị trường Nhật Bản, mỗi năm cung ứng trên 60.000 lao động. Trong 20% thị phần còn lại, lao động Việt Nam chiếm 10%. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, vì nhiều lý do, lao động Trung Quốc sang Nhật Bản giảm mạnh. Các hiệp hội, nghiệp đoàn và cả chủ sử dụng LĐ Nhật Bản cũng cảm nhận được khó khăn do nguồn cung khan hiếm nên chuyển hướng sang Việt Nam, Indonesia và Philippines. Nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam của Nhật Bản cũng chính vì thế mà tăng mạnh, với mức tăng năm 2014 gấp 50% so với năm 2013. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc nhiều hiệp hội, nghiệp đoàn của Nhật ráo riết sang Việt Nam tìm đối tác hợp tác tuyển dụng lao động tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của người lao động. Do đó, việc thận trọng trong lựa chọn đối tác là rất cần thiết.
Điều đáng lo nữa là trong lúc Nhật Bản gia tăng tuyển dụng lao động Việt Nam thì cũng có quá nhiều doanh nghiệp XKLĐ (gần 150 đơn vị) chuyển hướng khai thác thị trường này, vì vậy khó tránh chuyện tranh giành hợp đồng, ồ ạt tuyển dụng. Các doanh nghiệp cần tỉnh táo, tìm hiểu thật kỹ đối tác để phòng tránh những phát sinh, rủi ro đáng tiếc cho người lao động.