Lần đầu tiên trong lịch sử, số người thọ từ 100 tuổi trở lên ở Nhật vượt mốc 70.000. Số liệu do Bộ Y tế, lao động và phúc lợi xã hội Nhật công bố trước ngày Tôn kính người già (16-9) năm nay. Cụ thể, số cụ ông, cụ bà chạm mốc 100 tuổi trở lên hiện hơn 71.000 người. Trong đó có 8.463 cụ ông và 62.700 cụ bà. Các cụ bà chiếm tới 88% trong số những người sống thọ trăm tuổi.
Theo hãng tin Sputnik (Nga), Ngày tôn kính người già là ngày thứ hai thứ 3 trong tháng 9 hàng năm ở Nhật, năm nay rơi vào 16-9.
Bộ Y tế, Lao động và phúc lợi Nhật Bản ngày 13-9 thông báo số người Nhật từng kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của họ lần đầu tiên đã vượt mốc 70.000.
Theo một nghiên cứu công bố năm ngoái trên tạp chí British Medical Journal, phụ nữ Nhật Bản có tuổi thọ trung bình cao nhất, 87,2 năm. Trong khi tuổi thọ trung bình của nam giới Nhật thấp hơn ở Thụy Sĩ và Úc, 81,01 năm.
Số liệu mới nhất cũng cho thấy số người thọ trăm tuổi ở Nhật đã tăng thêm 1.453 người theo năm.
Theo Bộ Y tế, lao động và phúc lợi Nhật Bản, có thực tế này bởi “những tiến bộ trong công nghệ y học và nỗ lực cải thiện sức khỏe” nói chung.
Chính phủ Nhật Bản cam kết “hỗ trợ những người lớn tuổi để ngay cả khi đã đạt tới độ tuổi rất già, họ vẫn có thể sống khỏe mạnh, viên mãn”.
Trong 49 năm qua, tuổi thọ của người Nhật vẫn được cập nhật hàng năm. Năm 1963 khi nghiên cứu về số người thượng thọ bắt đầu thực hiện mới chỉ có 153 người thọ trăm tuổi ở Nhật.
Chỉ trong vòng 30 năm số người thọ trăm tuổi ở đây đã tăng gấp 23 lần.
Báo Guardian dẫn nhận định của các chuyên gia sức khỏe cho rằng sở dĩ người Nhật ngày càng sống thọ là vì họ thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, chú ý chăm sóc sức khỏe tổng quát và trong số những người sống thọ trăm tuổi, nhiều người có chế độ ăn ít chất béo.