Em là SV năm cuối ngành kỹ thuật in Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, muốn đi lao động tại Nhật theo dạng kỹ sư nhưng qua tìm hiểu thì ngành của em không đi theo dạng kỹ sư được.Xin hỏi có cách nào để em đi theo dạng này không? Em định học thêm văn bằng 2 ngành cơ khí, hoặc học thêm hệ trung cấp ngành cơ khí để được đi. Xin chuyên mục tư vấn giúp em! (dangminhtruyen961991@)
Tư vấn của chuyên gia:
Đúng như thông tin bạn biết, chương trình kỹ sư làm việc tại Nhật Bản hầu như không tuyển ngành in ấn. Ngành tuyển dụng thường xuyên đối với nam là cơ khí. Nếu bạn đã có dự định học tiếp văn bằng 2 ngành cơ khí để tham gia chương trình này thì tối thiểu hệ đào tạo của bạn phải từ hệ CĐ trở lên, tốt nhất là hệ ĐH.
Tuy nhiên, bằng cấp chỉ là điều kiện thủ tục cơ bản để tham gia chương trình.
Để có thể trúng tuyển, quan trọng là bạn có những năng lực như: tiếng Nhật thật tốt, tính cách, đạo đức tác phong thật tốt, các kỹ năng làm việc tốt hơn những người khác, đồng thời có kế hoạch cụ thể, rõ ràng, sống và làm việc thật trách nhiệm…
Quan trọng hơn nữa là làm sao trong thời gian phỏng vấn ngắn ngủi, bạn trình bày và thể hiện được những điều trên.
Bạn cần suy nghĩ nếu không phải là công ty chuyên ngành in ấn tuyển dụng ngành kỹ sư in ấn, mà là các công ty lĩnh vực khác sản xuất hay chế tạo… có nhu cầu tuyển dụng, bạn sẽ có thể đáp ứng được những yêu cầu tuyển dụng nào của họ? Đây chính là vấn đề bạn cần quan tâm để chuẩn bị và trang bị sẵn để tìm kiếm nhà tuyển dụng phù hợp nhất cho mình.
Chúc bạn có những bước chuẩn bị đúng đắn trên con đường xây dựng sự nghiệp!
Tôi năm nay 21 tuổi, đã tốt nghiệp CĐ ngành tiếng Anh, chuyên ngành biên phiên dịch. Tôi muốn được XKLĐ sang Nhật Bản, nhờ chương trình tư vấn cho tôi về việc hỗ trợ vay vốn, chứng minh tài sản, đơn vị uy tín trong việc tuyển dụng, những ngành nghề tuyển dụng lao động nữ tại Nhật. (phuchau_0612@)
Tư vấn của chuyên gia Công ty Hr:
Hiện nay các ngân hàng tại Việt Nam như Ngân hàng Nông nghiệp & phát triển nông thôn, Ngân hàng BIDV, Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương… đều có chính sách cho vay để tham gia XKLĐ. Bạn có thể liên hệ ngân hàng tại nơi bạn đang thường trú để được hướng dẫn chi tiết về hồ sơ và thủ tục vay.
Đối với nữ, ở độ tuổi bạn có thể tham gia hai hệ làm việc:
– Hệ ngắn hạn (thời gian làm việc 1 năm), có các ngành nghề tuyển dụng như: lắp ráp điện tử, làm bánh, làm màn cửa vải…
– Hệ trung hạn (thời gian làm việc 3 năm), ngành nghề tuyển dụng đa dạng hơn như: lắp ráp điện tử, thực phẩm, thủy sản, nông nghiệp, kiểm tra chất lượng sản phẩm… Hệ này có số lượng đơn tuyển cũng nhiều hơn.
Bạn cần phải xác định cụ thể mục đích, mục tiêu của bản thân để chọn đúng hệ làm việc phù hợp để đạt được thành quả như mong muốn.
Nếu bạn ở Miền Bắc, có thể tìm hiểu thông tin tại các công ty XKLĐ như: Batimex, Hr, Lod, Sovilaco, Suleco…
Ngoài ra, bạn có thể suy nghĩ thêm về kế hoạch sự nghiệp dài hơn mà không chỉ tập trung vào việc đi lao động để giúp đỡ kinh tế gia đình.
Ví dụ, khi bạn đã quyết tâm đi Nhật Bản để làm việc, hãy suy nghĩ đến việc tận dụng tốt cơ hội để trang bị thêm một ngoại ngữ thứ hai là tiếng Nhật, hiểu biết thêm một nền văn hóa, tạo lập mối quan hệ mới, tranh thủ học hỏi một nghề, hay học tập nhiều kỹ năng trong công việc… mà vẫn có thể kiếm được tiền để trang trải cuộc sống hiện tại và lo được cho gia đình.
Đồng thời bạn nên có hoạch định xa hơn là mình sẽ làm gì trong tương lai ở Việt Nam để có thể kiếm được nhiều tiền và giúp đỡ được gia đình nhiều hơn nữa…
Chúc bạn mở ra được nhiều triển vọng và cơ hội tốt hơn cho bản thân!
Mọi thắc mắc liên quan đến điều kiện, thủ tục để đi lao động tại Nhật Bản; chính sách, nhu cầu tuyển dụng, công việc, ngành nghề XKLĐ sang Nhật Bản; cơ hội việc làm tại các công ty Nhật Bản ở VN… bạn đọc có thể gửi về chuyên mục Tư vấn việc làm Nhật Bản theo địa chỉ thuctapsinhnhatban2013@gmail.com (để đảm bảo chính xác nội dung câu hỏi, vui lòng gõ tiếng Việt có dấu).