Vụ tống tiền ly kỳ nhất Nhật Bản

Tin tức Nhật Bản: Cảnh sát Nhật Bản đang điều tra một đối tượng bị bắt giữ ở Urayasu, tỉnh Chiba với cáo buộc tống tiền Ezaki Glico – nhà sản xuất bánh kẹo nổi tiếng nước này. Sự việc một lần nữa gợi nhớ đến một trong những vụ án ly kỳ nhất trong lịch sử Nhật Bản hiện đại.

>>> Nên đi du học Nhật vào thời điểm nào?

>>> Cảnh báo lừa đảo du học Nhật Bản

Liệu “người bí ẩn” tái xuất?

Hôm 30-11-2014, Cảnh sát tỉnh Osaka đã bắt giữ một đối tượng về tội tống tiền sau khi người này xuất hiện ở gần khu nghỉ dưỡng Tokyo Disney ở Urayasu, tỉnh Chiba để nhận 50 triệu yên từ công ty Ezaki Glico. Lực lượng cảnh sát đã đóng giả thành đại diện Glico và bắt giữ người đàn ông ngay tại chỗ.

Đối tượng ở độ tuổi 40, đã gửi 6 lá thư đe dọa tống tiền từ ngày 29-10-2014 đến văn phòng của công ty Glico tại Minato, Tokyo. Ezaki Glico không thể không lo bởi 30 năm trước, tội phạm đã tống tiền công ty bằng cách bỏ chất độc Kali xyanua vào các sản phẩm của công ty, tạo nên một trong những vụ án bí ẩn nhất khi không thể nào tìm ra thủ phạm.

Ở vụ tống tiền mới này, đối tượng tự nhận là “Người bí ẩn số 28”. Kẻ tống tiền không viết tay mà dùng bản in sẵn tuyên bố: “Từ vụ cuối cùng đến nay đã 30 năm. Ta đã hết tiền nên cần thêm một chút”. Trước đó, tên tội phạm cũng yêu cầu Glico đem tiền đến ga Tokyo hôm 23-11 nhưng không lộ diện.

Mặc dù thủ phạm các vụ tống tiền Glico từ những năm 1980 tự nhận là “Quái vật hay người bí ẩn 21 mặt” nhưng phía cảnh sát cho rằng, rất ít manh mối cho thấy người này có liên quan đến loạt sự việc xảy ra từ 30 năm trước.

Kịch bản bắt cóc, tống tiền táo tợn

30 năm trước, lúc 21h ngày 18-3-1984, 2 người đàn ông đeo mặt nạ mang theo súng xông vào nhà ông Katsuhisa Ezaki, Chủ tịch hãng Glico. Trước khi bước vào ngôi nhà, bọn chúng đã sang nhà bên cạnh cũng là nhà mẹ của ông Ezaki để lấy chìa khóa. Ngang nhiên mở cửa, 2 đối tượng trói vợ và con gái ông Ezaki. Tin rằng đó chỉ là 2 tên cướp bình thường, vợ ông Ezaki định cho chúng ít tiền nhưng bị từ chối. Bọn cướp sau đó cắt các đường dây điện thoại và xông vào phòng tắm, nơi ông Ezaki và 2 đứa con khác đang trốn. Ông Ezaki bị đưa đi và bị giam trong một nhà kho ở thành phố Ibaraki, tỉnh Osaka. Sáng hôm sau, bọn bắt cóc gọi điện đòi tiền chuộc là 1 tỷ yên và 100kg vàng thỏi. Tuy nhiên, 3 ngày sau, ông Ezaki may mắn trốn thoát.

Mọi việc dường như mới chỉ bắt đầu. Ngày 10-4, bãi đỗ xe tại trụ sở của Ezaki Glico bị phóng hỏa. Ít ngày sau, một thùng nhựa chứa axit và một lá thư đe dọa gửi đến Glico đã được tìm thấy tại Ibaraki. Ngày 10-5, Glico bắt đầu nhận được thư từ một người hoặc một nhóm tự xưng là “Quái vật 21 mặt” giống như tên nhân vật trong cuốn tiểu thuyết trinh thám của Edogawa Rampo. “Quái vật” này tuyên bố đã tẩm kali xyanua (là chất kịch độc, có thể gây chết người với liều lượng thấp) vào kẹo của Glico. Hãng bánh kẹo Glico phải thu hồi toàn bộ sản phẩm của mình khiến họ tổn thất 21 triệu USD và sa thải 450 nhân viên bán thời gian. Cùng thời gian này, những tên tội phạm bí ẩn còn gửi thư cho một số hãng truyền thông và cảnh sát để khiêu khích họ. Đến ngày 26-6, chúng gửi một bức thư nói rằng “Chúng tôi tha thứ cho Glico!” nhưng sau đó chuyển sang chiến dịch tống tiền vào công ty thực phẩm Morinaga và tập đoàn Marudai Ham.

Tháng 10-1984, một bức thư đề tên “Quái vật 21 mặt” gửi đến một số tờ báo của Osaka thông báo rằng 20 gói kẹo của hãng Morinaga đã được tẩm chất xyanua chết người. Sau khi nhận được bức thư, cảnh sát tìm kiếm khắp các cửa hàng từ Tokyo đến miền Tây Nhật Bản và tính đến tháng 2-1985, nhà chức trách tìm được tổng cộng 21 sản phẩm chứa chất nguy hiểm trước khi đến tay người tiêu dùng.

Tóm hụt thủ phạm

Thực chất, cảnh sát Nhật Bản đã ít nhất 2 lần bám sát gót kẻ tình nghi là “Quái vật 21 mặt” nhưng hắn vẫn kịp trốn thoát. Hôm 28-6, kẻ tống tiền đồng ý nhận 50 triệu yên để ngừng quấy rối công ty Marudai. Một cảnh sát trong vai nhân viên hãng Marudai nghi ngờ một người theo dõi anh suốt chặng đường tới địa điểm giao hàng, đó là một kẻ cao to với đôi mắt như cáo. Hôm đó, kẻ tống tiền không đến và “nghi phạm mắt cáo” bị theo dõi đến Kyoto thì mất dấu.

Cơ hội thứ hai là vào ngày 14-11-1984 khi “Quái vật” cố cướp của hãng Marudai Ham 100 triệu yên trong một thỏa thuận bí mật. Tại một điểm dừng chân trên đường cao tốc Meishin, gần Otsu, tỉnh Shiga, “kẻ mắt cáo” xuất hiện lần nữa nhưng vẫn trốn thoát. Đáng nói là trước thời điểm đó chừng 1 giờ, cảnh sát địa phương do không biết kế hoạch đón lõng đã tới gần hiện trường, thấy một kẻ có dấu hiệu tình nghi liền đuổi theo, sau đó tìm thấy chiếc xe hắn để lại cùng một bộ thu phát sóng nhằm nghe trộm liên lạc giữa các nhân viên cảnh sát trong 6 quận quanh điểm “giao hàng”.

Tháng 8-1985, sau loạt thất bại trong việc truy tìm “Quái vật 21 mặt”, người đứng đầu Cảnh sát tỉnh Shiga, ông Yamamoto đã tự tử. 5 ngày sau, “Quái vật” gửi tin nhắn cuối cùng của mình tới giới truyền thông, trong đó nói rằng muốn gửi lời chia buồn về cái chết của ông Yamamoto: “Chúng tôi quyết định quên việc tấn công các công ty thực phẩm. Về sau, nếu bất cứ ai có hành vi tống tiền tương tự thì chỉ là hành vi sao chép”. Từ đó đến nay, không ai còn nghe thấy tin tức gì của “Quái vật 21 mặt” nữa, cho đến khi lời đe dọa tống tiền xuất hiện trở lại sau 30 năm.

Japan news