Tại sao người Việt bị kỳ thị ở Nhật Bản?

Lời cảnh cáo được viết bằng tiếng Việt ở thành phố Saitama (Nhật Bản)cụ thể là: ‘Ăn cắp vặt là phạm tội. Nếu ăn cắp vặt thì bị phạt tù dưới 10 năm. Ngay khi phát hiện ăn cắp vặt, chúng tôi sẽ thông báo cho cảnh sát ngay lập tức. Camera phòng chống tội phạm đang hoạt động. Tăng cường điều tra’. Bên dưới là phần dịch sang tiếng Nhật được viết nhỏ hơn.

Tấm biển cảnh cáo đang gây xôn xao. 

Bức ảnh chụp tấm biển được đăng trên một fanpage Facebook của hội những người Việt Nam ở Nhật hôm 8.6 vừa qua. Căn cứ vào một vài chi tiết trong bức ảnh, nhiều cư dân mạng đã đưa ra kết luận tấm biển được chụp ở Saitama, một trong những thành phố đông dân nhất của Nhật Bản.

Bức ảnh đã làm rộ lên tin đồn về nạn ăn cắp vặt của người Việt ở bên Nhật. Nhiều người cho rằng, người Việt đã để lại ấn tượng xấu xí trong mắt người Nhật khi xuất ngoại sang đất nước của họ.

Cư dân mạng có nickname Duc Dollar bày tỏ: “Đọc giọng văn là hiểu nó nhắc nhở người Việt Nam chớ có ăn cắp, cảnh báo bọn tội phạm Việt chứ không phải là viết cho dễ hiểu gì cả”.

Còn theo nickname Minh Thái: “Bạn nào từng làm việc ở Nhật hoặc có người thân, bạn bè làm bên đó sẽ biết được người Việt Nam mình qua đó ‘đá đồ’ nhiều như thế nào, cho nên người ta ghi cái bảng này có lý do hết đó”.

Nickname Huỳnh Khánh Ngọc cũng quả quyết: “Cái vụ này đang nổi tiếng ở Nhật, cái biển này cũng là có thật, chẳng ai rảnh hơi mà bôi nhọ người Việt Nam. Toàn người Việt tự bôi tro vào người mình thôi”.

alt 
Tấm biển cảnh cáo ở Nhật. 

 

Khi cộng đồng mạng đang xôn xao về bức ảnh, doanh nhân Ngô Hùng Lâm, là chủ hai siêu thị chuyên về hoa và cây cảnh, gốm sứ và đồ làm vườn, mỗi siêu thị rộng trên 5.000m2 bên Nhật, là doanh nhân người Việt đầu tiên và là số ít trong những người nước ngoài thành công ở đất Nhật, cũng đưa ra lời cảnh báo trên facebook cá nhân.

Ông viết: “Hiện nay tình hình bên Nhật đang trong tình cảnh người Việt Nam không được tốt mấy dưới mắt người Nhật. Gần đây phần đông các em du học sinh sang không có việc làm, cho nên không có tiền trả tiền học và tiền nhà, thậm chí tiền ăn cũng không có, vì vậy làm những việc như đá tàu điện (đi tàu không trả tiền tàu, chạy trốn) ăn cắp, làm xấu xa dưới mắt người Nhật, gây mất niềm tin từ người Nhật, ảnh hưởng cho cộng đồng người Việt Nam và sự quan hệ của hai đất nước”.

Cách sống người Việt đi ngược với văn hóa Nhật 

Chị Nguyễn Quyên, một trí thức đang sinh sống ở tỉnh Ibaraki, Nhật Bản, cho biết, tấm biển cảnh cáo cấm ăn cắp vặt viết bằng tiếng Việt xuất hiện ở bên Nhật là có thật.

“Cộng đồng người Việt Nam bên này có đủ loại người. Số người ăn cắp, ăn trộm, đi tàu trốn vé nhiều không kể xiết. Bạn nào nói đó chỉ là một tấm biển thông thường thì suy nghĩ quá dễ dãi và bao biện. Người Việt Nam về cơ bản không chấp nhận nhìn thẳng vào sự xấu xí của dân tộc mình để tự thấy hổ thẹn mà thay đổi”.

“Một tấm biển như thế này thực sự là một cái tát vào dân Việt Nam. Ở Nhật cũng có chuyện người Nhật ăn cắp, nhưng không nhiều. Nếu có biển thì họ chỉ ghi biển tiếng Nhật là chúng tôi đang dùng camera theo dõi đó. Còn viết hẳn bằng tiếng Việt tức là chỉ đích danh dân Việt Nam hay ăn cắp rồi. Vì đối tượng ăn cắp cũng nhiều người không biết tiếng Nhật, là tu nghiệp sinh. Họ còn phải viết rõ là phạt tù, báo cảnh sát đó”, chị Quyên chia sẻ.

Chị Quyên cho biết, chị sống ở Nhật đã vài năm. Chị thấy truyền hình Nhật đưa nhiều phóng sự về ăn cắp vặt, trong đó có người Việt Nam hùng dũng lái xe vào siêu thị ăn cắp cả bao gạo đi ra. Bên Nhật đưa hẳn trực thăng đi càn quét.

“Chuyện người Việt đi tàu trốn vé thì nhiều không kể xiết. Đặc biệt là dân du học sinh thì nhốn nháo, đủ loại người. Người Nhật xưa nay trung thực, ít ai trốn vé. Nhưng vì người nước ngoài trong đó có người Việt Nam trốn vé nhiều nên ở những ga lớn như Ueno ở Tokyo, người ta có nhân viên đứng canh cửa soát vé, nhưng dân mình vẫn đủ trò lách được”, chị Quyên kể.

Chị Quyên cho biết, với các hành vi ăn cắp vặt, gian lận vé tàu, khi bị bắt thì họ phạt hành chính, phạt tiền, còn nếu làm găng họ mới báo về trường, về công ty. “Nói chung là cái ảnh hưởng về vật chất không lớn nhưng sĩ diện và tự trọng thì bị ảnh hưởng lớn”, chị nói.

Người Nhật không bày tỏ thái độ ra bên ngoài, nhưng theo chị Quyên, họ vẫn kỳ thị người Việt, bởi không chỉ chuyện gian dối, ăn cắp, ăn trộm, mà tác phong, cách sống của người Việt cũng đi ngược với văn hóa Nhật. Người Việt hay tụ tập ồn ào, nói to oang oang, còn người Nhật thì không thế.

Hơn 8 năm sinh sống ở Nhật, chị Nguyễn Việt Anh (hiện đang cư trú ở Chi Ba, giáp Tokyo) cho biết, mấy năm nay do tiếng Nhật kém nên nhiều người sang đây không có việc làm, vấn đề việc làm đang rất nóng hổi. Có thể chuyện không có việc làm, không đủ tiền chi tiêu đẩy người Việt vào nạn ăn cắp vặt.

“Nhiều người không tìm hiểu kỹ khi đi Nhật nên cứ nghĩ sang đây là miền đất hứa. Nếu người Việt mình sang Nhật mà không chịu khó học tập thì sang đây là địa ngục”, chị Việt Anh bày tỏ.