Sau nhiều năm vật lộn với khả năng thiếu nhân sự, Nhật Bản hiện nay đang phải đối mặt với tình trạng số lượng kỹ sư trẻ và nhân viên trong các ngành liên quan tới công nghệ ngày một thu hẹp dần. Các trường đại học gọi đây là hiện tượng “rikei banare” hoặc ’’cuộc tháo chạy khỏi khoa học’’. Sự sụt giảm tăng tới mức khiến các ngành công nghiệp phải bắt đầu các chiến dịch quảng cáo với hình ảnh những chàng kỹ sư trẻ tuổi đẹp trai, hấp dẫn, còn các công ty thì bắt đầu dần tuyển dụng những nhân viên nước ngoài, hoặc gửi yêu cầu công việc ra nước ngoài, nơi có nhiều kỹ sư liên quan tới chuyên ngành công nghệ như Việt Nam, Ấn Độ.
Chính sự phong phú của đội ngũ kỹ sư đã khiến đất nước này thời kỳ hậu chiến sớm trở thành một cường quốc kinh tế. Tuy nhiên, theo các nhà sư phạm, các vị tuyển dụng nhân sự và chính giới thanh niên Nhật Bản thì, lớp trẻ hiện tại thích giống người Mỹ hơn, nghĩa là chọn lựa nghề nghiệp được trả cao hơn như tài chính, dược phẩm hay thiên về sự nghiệp hoàn toàn là sáng tạo kiểu như nghệ thuật hơn là tiếp bước ông cha thành người làm thuê trong một thế giới sản xuất không có vẻ gì thu hút.
Vấn đề này hiện ở Nhật Bản không có gì bất ngờ. Dấu hiệu đầu tiên của sự sụt giảm hứng thú với giới trẻ trong ngành khoa học tự nhiên và kỹ sư đã xuất hiện từ hai thập niên trước, sau khi Nhật trở thành nước có mức sống hàng đầu thế giới. Nhưng giờ đây, nhiều công ty Nhật đã bắt đầu cảm nhận được khó khăn thực tế.
Chỉ tính riêng ngành công nghiệp kỹ thuật số, Nhật đang thiếu chừng nửa triệu kỹ sư.
Những nhân vật ’’săn đầu người’’ bắt đầu vào cuộc tìm kiếm kỹ sư với các điều khoản bổ sung hấp dẫn.
Vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn vì Nhật Bản là một trong những nước có tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới. “Nhật giờ đây đang ở trong thời khắc sắp nổ của quả bom nhân khẩu học’’, Kazuhiro Asakawa, một giáo sư kinh doanh thuộc Đại học Keio nói. “Sự bùng nổ ấy mọi người đang chứng kiến, nhưng chưa ai đưa ra đủ biện pháp đối phó’’.
Sự thiếu hụt đội ngũ kỹ sư đã tạo ra mối lo lắng về tính cạnh tranh của Nhật. Trung Quốc có khoảng 400.000 kỹ sư mỗi năm, hy vọng sẽ chiếm vị trí quán quân của Nhật để trở thành cường quốc kinh tế lớn nhất châu Á.
Quan ngại về việc sụt giảm đội ngũ chuyên môn trong ngành công nghiệp công nghệ, Nhật Bản giờ đây đang lao vào cuộc đua để thu hút các công dân trẻ trở lại với khoa học và nghề kỹ sư. Nhưng các chuyên gia lao động cho rằng, các biện pháp chậm trễ sẽ bị giới hạn và không thể giải quyết được vấn đề.
Trong khi đó, Nhật Bản đã dần dần tiếp nhận thêm nhiều kỹ sư nước ngoài, nhưng không thể đáp ứng nổi nhu cầu sử dụng của ngành công nghiệp.
’’Tính bài ngoại’’ được cho là một phần nguyên nhân, các công ty cho rằng, ngôn ngữ và văn hóa tập đoàn của Nhật cũng là một rào cản khá cao khiến rất nhiều kỹ sư nước ngoài từ chối tới đây ngay cả khi họ được tuyển dụng.
Kết quả là, một số công ty đã chuyển các công việc nghiên cứu sang Ấn Độ và Việt Nam, vì họ coi đây là việc dễ dàng hơn khi tuyển dụng nhân công không phải người Nhật đến làm việc ở nước họ.
Vấn đề lớn nhất của Nhật có lẽ là quan điểm về sự giàu có. Một số thanh niên trẻ – sản phẩm của xã hội thịnh vượng – trở nên xa lạ với thời kỳ hậu chiến đầy khó khăn của thế hệ ông bà, cha mẹ họ, nên không hiểu rõ giá trị của lao động trong các nhà máy, của kiếm tiền và của việc giao lưu tiếp xúc với con người.
Kể từ năm 1999, số lượng sinh viên năm cuối trong các ngành khoa học và kỹ sư giảm 10% xuống còn 503.026 người (theo Bộ Giáo dục Nhật Bản). Số sinh viên trong các ngành liên quan tới sáng tạo nghệ thuật và thể chất lại tăng mạnh cùng thời gian này.
Đơn đăng ký tham gia chương trình đào tạo kỹ sư tại Đại học Utsunomiya ở phía bắc Tokyo, giảm 1/3 kể từ năm 1999. Bắt đầu từ năm ngoái, trường này đã cố gắng thu hút sinh viên bằng cách tăng cường chương trình giảng dạy thực tế cùng với bài giảng lý thuyết, liên kết với các công ty trực tiếp sản xuất kinh doanh.
Việc tìm người
Nhưng các sinh viên đang tự đánh mất hứng thú với ngành nghề kỹ sư. Masafumi Hikita, sinh viên 24 tuổi ngành kỹ sư điện cho hay, hầu hết bạn bè trung học của anh đều chọn lựa các ngành kinh tế để ’’kiếm tiền dễ dàng hơn’’ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Trên thực tế, bạn bè và hàng xóm của anh đều ngạc nhiên khi anh chọn lựa ngành nghề khó như kỹ sư, lại nổi tiếng vì thời gian học dài đằng đẵng.
Hikita và các sinh viên ngành kỹ sư khác cho rằng, số lượng sinh viên theo học ngành này sụt giảm đã mang lại cho họ một lợi thế: đó là họ trở thành ’’hàng nóng’’ trong tuyển dụng nhân sự của các công ty. Bộ Lao động Nhật Bản đã tiến hành cuộc thăm dò dư luận và cho thấy, cơ hội việc làm rất rộng mở cho mọi sinh viên tốt nghiệp các ngành ’’độc’’ như máy móc thiết bị điện tử.
“Chúng tôi không cần tìm việc làm’’, Kenta Yaegashi, 24 tuổi, một sinh viên ngành điện nói. ’’Việc làm tìm chúng tôi’’. Anh cho biết, cha anh – cũng là một kỹ sư – đã rất ’’khao khát’’ tình hình hiện tại so với những gì ông phải đối mặt cách đây 30 năm. Ngay cả các tập đoàn sản xuất hàng đầu, vốn lựa chọn nhân sự ngay trong trường đại học, giờ đây cũng phải ’’tranh cướp’’ tài năng.
Nissan tuyên bố với các sinh viên, họ có thể thăng tiến nhanh chóng trong sự nghiệp hơn nhiều công ty truyền thống khác của Nhật. Nhà sản xuất ô tô nhấn mạnh, họ sẽ tạo điều kiện thăng tiến nhanh hơn, trả lương cao hơn và thậm chí ’’vạch ra cả lộ trình sự nghiệp’’ để giúp đỡ tài năng trẻ gia nhập tập đoàn. “Sinh viên ngày nay có đòi hỏi khắt khe hơn, và chủ nghĩa cá nhân mạnh hơn, giống như phương Tây vậy’’, Hitoshi Kawaguchi, Phó Chủ tịch phụ trách tài nguyên con người của Nissan nhận xét.
Một nguồn lực khác mà Nhật Bản cũng đang hướng tới là nhân công nước ngoài. Theo thống kê của chính phủ, Nhật có 157.719 lao động nước ngoài làm việc trong các ngành đòi hỏi chuyên môn cao trong năm 2006, tăng gấp đôi so với một thập niên trước, nhưng vẫn kém xa so với Mỹ. Anh, Singapore và Hàn Quốc giờ đây cũng đang ráo riết tìm kiếm các kỹ sư nước ngoài.
“Nhật Bản đã mất vị trí trên thị trường toàn cầu về các kỹ sư IT hàng đầu’’, Anthony D’Costa, một giáo sư tại trường Kinh doanh Copenhagen chuyên nghiên cứu về kỹ sư di cư Ấn Độ, cho biết.
Và, các công ty Nhật giờ đây đang vội vã thay đổi sách lược. Ví dụ, theo Kizou Tagomori, Giám đốc nhân sự Fujitsu, nhà sản xuất máy tính và các chi nhánh của họ đang thất bại trong mục tiêu tuyển dụng khoảng 2.000 nhân công mới hàng năm. Lo lắng thiếu lao động, công ty này giờ đây bắt đầu thuê người nước ngoài đến làm việc ở Nhật Bản.
Bắt đầu từ 2003, Fujitsu bắt đầu thuê khoảng 30 nhân công nước ngoài mỗi năm, hầu hết là người châu Á tốt nghiệp các trường đại học ở Nhật. Ban đầu, nhiều quản lý khá miễn cưỡng trong việc tiếp nhận, nhưng ông Tagomori nói, giờ đây, họ đã trở nên dễ dàng hơn.
10 nhân viên người Ấn Độ của Fujitsu tại Nhật đã thắng các cộng sự bằng cách tổ chức thành một đội tham gia đấu cricket.
Nhưng Fujitsu vẫn là một ngoại lệ. Kết quả điều tra dư luận năm trước của Bộ Kinh tế Nhật cho thấy, 79% công ty Nhật nói, họ không có kế hoạch thuê kỹ sư nước ngoài hay chưa có quyết định gì. Theo bộ này, hầu hết các nhà quản lý vẫn sợ nhân công nước ngoài không thể thích nghi với ngôn ngữ và văn hóa công ty của Nhật.
Để khắc phục quan niệm này, Bộ Kinh tế Nhật đã thành lập Qũy Tài năng châu Á, với 30 triệu USD hỗ trợ/năm giúp các sinh viên châu Á học ngôn ngữ Nhật và thực tập, tạo điều kiện giúp họ tìm việc làm tại đây. “Nếu làm việc tốt, họ có thể thay đổi quan điểm của người Nhật’’, Go Takizawa, Phó Giám đốc chính sách tài nguyên con người của bộ này cho biết.
Tuy nhiên, các chuyên gia lao động cảnh báo, Nhật Bản có thể làm quá ít, quá muộn trong việc đối phó với tình trạng thiếu kỹ sư. Theo họ, Nhật nổi danh với sự phân biệt lao động nước ngoài. Các kỹ sư Ấn Độ và nhiều nước châu Á khác thường lựa chọn những thị trường cởi mở hơn như Mỹ.
Trên thực tế, ngày càng có nhiều công ty Nhật đã thành công trong việc xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển mới ở những quốc gia có nhiều kỹ sư. Toyo Engineering cho hay, công ty và các chi nhánh giờ đây có số lượng kỹ sư ở nước ngoài nhiều hơn cả trong nước, khoảng 3.000 người (hầu hết là Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia) so với 2.500 nhân công ở Nhật.
Khi các tập đoàn ở Nhật vẫn còn miễn cưỡng trong việc thuê nhân công nước ngoài, thì nhiều công ty đã hướng tới Trung Quốc, Hàn Quốc đào tạo kỹ sư. Một trong số đó là Altech, với hai trung tâm đào tạo ở hai trường đại học Trung Quốc nhằm tuyển dụng sinh viên kỹ sư và đào tạo tiếng Nhật cũng như văn hóa kinh doanh. Trong 2.400 kỹ sư của Altech, có 138 người Trung Quốc.
Một trong số những kỹ sư Trung Quốc đầu tiên được thuê là Hà Hỉ Phong, 27 tuổi, kỹ sư cơ khí từ Đại học Khoa học và Công nghệ Thanh Đảo, người gia nhập Altech hơn hai năm trước đây. Cô nói, bạn bè cô ở trong nước mong muốn được như cô vì cô làm việc và tiếp xúc với công nghệ tiên tiến của người Nhật và kiếm được số tiền gấp ba, bốn lần so với ở Trung Quốc.
“Các kỹ sư nước ngoài bắt đầu được thừa nhận’’, Shigetaka Wako, phát ngôn viên của Altech cho biết. “Nhật Bản giờ đây đã dần hiểu rằng, nền kinh tế của họ không thể tiếp tục nếu thiếu vắng đội ngũ này’’./.
Hanh Nguyên Tổng hợp