Cái giá phải trả khi lao động xuất khẩu bỏ trốn

Theo báo cáo của Trung tâm lao động ngoài nước, hiện có khoảng 57.000 NLĐ Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc. Vì tỷ lệ bỏ trốn đến hết quý I/2013 vẫn ở mức cao 50,7% nên Hàn Quốc vẫn chưa tiếp nhận trở lại lao động Việt Nam. Cái giá phải trả mà cả đất nước phải gánh chịu là rất lớn, trong khi những lao động này lại không ý thức được điều đó.

 

Lao động xuất khẩu Việt Nam ở Hàn Quốc bỏ trốn báo động đỏ

Ngày 7/5, đại diện 11 tỉnh, thành phố có tỷ lệ lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc cao nhất cả nước cho biết, các giải pháp do Bộ LĐ-TB&XH đưa ra để chống lao động bỏ trốn đã bất lực vì tỷ lệ vẫn ở mức báo động 50,7% (gần 30.000 người).

Ông Nguyễn Đăng Dương, Trưởng phòng Lao động việc làm tiền lương và BHXH (Sở LĐ-TB&XH Nghệ An) cho biết, việc kêu gọi lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc về nước là rất khó. Theo ông Dương, trong chuyện này, Nghệ An “làm thật chứ không làm giả”.

Tuy nhiên, vì chưa có biện pháp “rắn” nên tỷ lệ lao động bỏ trốn của Nghệ An vẫn cao nhất nước, chiếm 58,05%. “Lãnh đạo Bộ, kêu gọi họ về nước sao được khi NLĐ làm việc tại Nghệ An chỉ nhận được mức lương 2-3 triệu đồng/tháng, còn làm việc tại Hàn Quốc lương vài chục triệu đồng/tháng”, ông Dương nói.

 

Hàng vạn lao động khác đã học tiếng Hàn nhưng hết cơ hội sang Hàn Quốc. Ảnh: Phong Cầm
Hàng vạn lao động khác đã học tiếng Hàn nhưng hết cơ hội sang Hàn Quốc. Ảnh: Phong Cầm.

Đã thế, theo ông Dương, việc tuyên truyền khó khăn vì tỉnh, huyện không có kinh phí. “Để tổ chức hội nghị tuyên truyền, chúng tôi phải cậy nhờ các doanh nghiệp trên địa bàn bỏ tiền ra. Nói thật, để mời các bí thư, chủ tịch xã phường đến dự hội nghị, ít ra cũng phải cho họ bữa ăn”, ông Dương thẳng thắn.

Bà Khương Thị Mai, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nam Định cho biết, địa phương đã làm hết cách nhưng tỷ lệ lao động bỏ trốn vẫn cao thứ nhì cả nước (chiếm 57,47%).

“Hiện, các biện pháp mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra chỉ mới dừng ở việc tuyên truyền nên rất khó khả thi. Cái chúng tôi cần là biện pháp mạnh, chế tài xử lý cụ thể”, bà Mai nói.

Còn theo ông Đặng Văn Dũng, Trưởng phòng Việc làm an toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh), Hà Tĩnh có 181/262 xã phường có lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Trung bình, mỗi xã có 2,5 lao động cư trú bất hợp pháp. Hiện, đã có 143 trên tổng số 397 lao động cư trú bất hợp pháp về nước. Lý do lao động không chịu về nước theo ông Dũng là vì, các giải pháp Bộ LĐ-TB&XH đưa ra hiện nay vẫn chung chung, thiếu cụ thể.

“Một năm qua quanh đi quẩn lại chỉ có mấy giải pháp. Đến nay, Bộ chưa đưa ra được một đề án tổng thể để xử lý vấn nạn lao động bỏ trốn là quá chậm nên vì thế các tỉnh, huyện, xã đều lúng túng”, ông Dũng khẳng định.

Theo ông Nguyễn Thế Dũng, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bắc Giang (tỉnh có tỷ lệ lao động bỏ trốn xếp thứ ba cả nước: 54,65%), khi đi vận động, nhiều gia đình không hợp tác, thậm chí nói năng rất khó chịu.

“Vì thu nhập tại Hàn Quốc hấp dẫn nên Bộ LĐ-TB&XH cần phải có chế tài mạnh, chứ làm như hiện nay không hiệu quả. Việc Bắc Giang có giảm được tỷ lệ lao động bỏ trốn hay không, chúng tôi không dám hứa”, ông Dũng nói.

Lãnh đạo Bộ nhận lỗi

Theo ông Choi Byung Gie, Giám đốc Cơ quan Phát triển nguồn Nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam (HRD), chỉ khi nào, tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp của Việt Nam tại Hàn Quốc giảm xuống 20% lúc đó mới hy vọng Hàn Quốc tiếp nhận trở lại lao động Việt Nam.

 

 Chỉ khi nào, tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp của Việt Nam tại Hàn Quốc giảm xuống 20% lúc đó mới hy vọng Hàn Quốc tiếp nhận trở lại lao động Việt Nam.

Ông Choi Byung Gie – Giám đốc HRD tại Việt Nam

Theo ông Choi Byung Gie, việc Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam cần phải làm ngay là ban hành quy định về khoản tiền đặt cọc trước khi NLĐ xuất cảnh để nhằm mục đích chống trốn.

 

“Nếu làm được việc này, cộng với việc ĐSQ Việt Nam tại Hàn Quốc tăng cường cán bộ quản lý và truy quét từ phía cảnh sát Hàn Quốc, mới mong tỷ lệ lao động bỏ trốn giảm”, ông Choi Byung Gie nói.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, để đưa ra một quy định cần phải có căn cứ pháp luật. “Chúng tôi xin nhận lỗi do chậm trễ vì đến nay Cục, Bộ vẫn chưa đưa ra được một giải pháp cụ thể cho vấn đề lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc”, ông Quỳnh nói.

Nguồn Tiền phong

Nhật Bản tổng hợp