Xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã và đang góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho hàng nghìn gia đình, tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước và mang lại nhiều lợi ích khác. Tuy nhiên, thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng XKLĐ để lừa đảo người lao động (NLĐ) có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng, đẩy nhiều gia đình rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, làm ảnh hưởng chính sách XKLĐ, xóa đói, giảm nghèo.
Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Đào Công Hải cho biết, trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng hơn 80 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, góp phần giảm sức ép về việc làm trong nước.
Thị trường lao động ngoài nước đã được mở ra tới 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Hằng năm, lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài gửi về nước từ 2 đến 2,2 tỷ USD, góp phần cải thiện đời sống của hàng nghìn gia đình, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Bên cạnh đó, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài còn được học hỏi, nâng cao tay nghề, ngoại ngữ và tác phong lao động hiện đại…
Cùng với sự phát triển của hoạt động XKLĐ thì tình trạng lừa đảo trong lĩnh vực này cũng ngày càng tinh vi, phức tạp.
Trên các trang mạng in-tơ-nét, chúng ta dễ dàng bắt gặp những dòng quảng cáo tuyển dụng lao động xuất khẩu với nhiều thông tin hấp dẫn như: xuất cảnh nhanh, việc làm ổn định, lương cao, chi phí thấp, không đòi hỏi trình độ tay nghề cao, ngoại ngữ, sức khỏe…
Thực chất, đây là những thông tin có tính chất lừa đảo. Theo Phó Cục trưởng Đào Công Hải, NLĐ muốn đi XKLĐ phải đáp ứng đủ các điều kiện về sức khỏe, ngoại ngữ, kỹ năng nghề, hiểu biết về pháp luật, văn hóa, phong tục tập quán nước đến làm việc, trước khi xuất cảnh phải được đào tạo ít nhất bốn tháng. Một số cá nhân, tổ chức không có chức năng XKLĐ cũng công khai hoặc lén lút tuyển người có nhu cầu đi nước ngoài lao động, rồi thu tiền môi giới, vé máy bay, phí đào tạo để chiếm đoạt. Lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật trong việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, một số cá nhân, tổ chức đã thành lập các công ty cung ứng lao động, trung tâm đào tạo nghề hoặc mượn danh pháp nhân, mạo danh các doanh nghiệp có chức năng về XKLĐ để hoạt động lừa đảo.
Lao động học tiếng Nhật trước khi sang Nhật Bản làm điều dưỡng viên. Ảnh: ANH TUẤN
Thủ đoạn mà những kẻ lừa đảo trong lĩnh vực XKLĐ thường sử dụng là làm giả giấy tờ, hồ sơ, hợp đồng lao động đi làm việc tại nước ngoài, có dấu giả và giả mạo chữ ký của lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước hoặc Trung tâm Lao động ngoài nước. Vụ lừa đảo đưa người đi XKLĐ tại Nhật Bản nhằm chiếm đoạt hơn 11 tỷ đồng của Chu Đình Huy, trú tại Khu đô thị Bắc Linh Đàm, phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) vừa bị khởi tố là một thí dụ. Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, Chu Đình Huy đã mạo danh là nhân viên Công ty cổ phần Xuất khẩu lao động và dịch vụ vận tải thủy miền Nam, lợi dụng giấy phép hoạt động, phiếu thu tiền của công ty này (chi nhánh tại Hưng Yên) để lừa đảo. Sau khi nhận tiền, Huy đã nhờ người làm giả visa, thẻ lưu trú đưa cho NLĐ, rồi nhiều lần hẹn lịch bay, để NLĐ tin tưởng. Khoảng 200 NLĐ tại hơn 10 tỉnh, thành phố trong cả nước đã trở thành nạn nhân của Chu Đình Huy trong vụ án này. Một hình thức lừa đảo nữa là các đối tượng dụ dỗ NLĐ đi XKLĐ “chui” thông qua các con đường du lịch, du học, thăm người thân, kết hôn giả, rồi bán cho chủ sử dụng lao động ở nước ngoài. Riêng tỉnh Bắc Giang, theo thống kê của Công an tỉnh, ba năm trở lại đây, mỗi năm có trung bình gần 5.000 người vượt biên trái phép sang Trung Quốc lao động “chui”, một số nơi hình thành đường dây tổ chức đưa người qua biên giới. Hệ lụy của việc XKLĐ “chui” là NLĐ bị mất tiền, không tìm được việc làm, bị bắt, bị phạt tiền, phạt tù, có khi mất cả tính mạng mà không được sự bảo vệ của pháp luật, phải âm thầm gánh chịu hậu quả.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng lừa đảo trong lĩnh vực XKLĐ là do NLĐ thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu thông tin.
Nhiều người không biết hỏi cơ quan nào, liên hệ với ai để làm thủ tục đi XKLĐ. Do thiếu thông tin, nhẹ dạ, cả tin, lại có tâm lý nôn nóng muốn được đi ngay, NLĐ dễ bị các đối tượng cò mồi dụ dỗ, lợi dụng để lừa đảo bằng những lời hứa hẹn đưa đi làm việc ở những thị trường có thu nhập cao, lại không đòi hỏi cao về tay nghề, trình độ ngoại ngữ.
Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân do sự quản lý chưa chặt chẽ của cơ quan chức năng.
Thế nên mới có tình trạng một số doanh nghiệp lập các chi nhánh, trung tâm, cơ sở đào tạo tràn lan, là “mảnh đất” cho các đối tượng cò mồi hoạt động lừa đảo. Việc thẩm định tư cách, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp được cấp phép XKLĐ cũng chưa chặt chẽ, kịp thời, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh. Các văn bản quy định của pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ còn có những bất cập như: chưa quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân liên quan; chưa quy định đầy đủ các hành vi bị nghiêm cấm.
Luật cũng chưa quy định chặt chẽ các điều kiện để doanh nghiệp được phép hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ, vì thế chưa hạn chế được số lượng doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này ngày càng tăng, cạnh tranh không lành mạnh và thiếu trách nhiệm với NLĐ.
XKLĐ là nhu cầu chính đáng của người dân để làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước.
Để ngăn chặn các hành vi lừa đảo trong lĩnh vực XKLĐ, bảo vệ quyền lợi của người dân, rất cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, từ việc phổ biến pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ, thông tin về doanh nghiệp có chức năng XKLĐ, thị trường lao động ngoài nước, điều kiện, tiêu chuẩn, mức lương, chi phí…
đến công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan. Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền lợi của mình, NLĐ cần hết sức tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin qua các kênh chính thống, đó là cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội các cấp, các báo đài, chính quyền địa phương. Đồng thời, NLĐ cần liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp được Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội cấp giấy phép XKLĐ, hoạt động có uy tín, làm các thủ tục đăng ký, nộp tiền… tại trụ sở chính, chi nhánh hay văn phòng đại diện chính của doanh nghiệp đó, không nên thông qua tổ chức, cá nhân trung gian, môi giới.
“NLĐ có nhu cầu đi XKLĐ nên tham khảo thông tin tại trang web: http://dolab.gov.vncủa Cục Quản lý lao động ngoài nước và trang web: http://hotrolaodongngoainuoc.org hoặc http://laodongdicu.gov.vncủa Trung tâm hỗ trợ lao động ngoài nước. Tại đó, đăng tải đầy đủ danh sách các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; những hợp đồng ký với đối tác nước ngoài đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định cho phép thực hiện; quy định của Nhà nước về tiền môi giới, tiền dịch vụ, thu nhập hằng tháng đối với từng thị trường; những điều kiện cần thiết như sức khỏe, ngoại ngữ, bổ túc kỹ năng nghề, giáo dục đào tạo… NLĐ có thể đến Văn phòng hỗ trợ lao động ngoài nước, tại 41B Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội, để được tư vấn trực tiếp, hoặc gọi điện tới đường dây nóng của Cục Quản lý lao động ngoài nước là: 04 38249517, số máy lẻ 511, 601, 312; Văn phòng hỗ trợ lao động ngoài nước, số máy: 043.9366633 và hộp thư điện tử hotrolaodongngoainuoc@gmail.comđể được giải đáp”. (Văn phòng hỗ trợ lao động ngoài nước) |
“NLĐ cần biết rằng, muốn đi làm việc ở bất kỳ thị trường lao động nào cũng phải đủ điều kiện về sức khỏe, ngoại ngữ, kỹ năng nghề nghiệp, hiểu biết phong tục tập quán, đồng thời không thể thiếu một trong hai loại giấy tờ là: giấy phép lao động và thị thực cư trú. Cần lưu ý rằng, thị trường lao động Nhật Bản chỉ nhận duy nhất tu nghiệp sinh. Hiện nay, thị trường lao động Hàn Quốc đã được mở lại nhưng chỉ tuyển dụng ba đối tượng: người đã đủ điều kiện về tiếng Hàn Quốc (tại cuộc thi tiếng Hàn Quốc năm 2011); lao động diện chính sách ở các huyện nghèo; lao động đã về nước đúng hạn, được chủ sử dụng lao động ở Hàn Quốc tuyển lại. Nếu lao động không thuộc ba đối tượng trên, thì phải đợi đến năm 2015 mới có cơ hội được tuyển chọn đi làm việc tại Hàn Quốc. Hiện nay, Trung tâm Lao động ngoài nước là cơ quan duy nhất được ủy quyền thực hiện việc tuyển chọn và đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc. Vì vậy, nếu cá nhân, doanh nghiệp nào hứa hẹn có khả năng đưa lao động đi Hàn Quốc là có thể trở thành lừa đảo”. ĐÀO CÔNG HẢI Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước |
“Người dân có dự định đi lao động tại nước ngoài cần đề cao cảnh giác đối với những đối tượng môi giới tuyển người đi XKLĐ. Để không bị lừa đảo, mất tiền, người dân ở địa phương nào thì đến cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội ở địa phương đó để tìm hiểu những thông tin cần thiết, liên hệ trực tiếp và chỉ nộp tiền, làm thủ tục tại trụ sở chính doanh nghiệp được cấp giấy phép XKLĐ, không thông qua môi giới, trung gian. Khi nghi ngờ, hoặc phát hiện có dấu hiệu lừa đảo liên quan đến hoạt động này, người dân cần chủ động, kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan Công an để tổ chức xác minh làm rõ, đấu tranh ngăn chặn, tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”. NGÔ HOÀNG HẢI (Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, Công an thành phố Hà Nội) |