Thực tập sinh kỹ năng tại Nhật đột ngột bị ép buộc về nước không một lời giải thích

Tháng 4/2019, Nguyen Van Thuong đến Nhật Bản với mơ ước kiếm đủ tiền để xây nhà ở Việt Nam. Chàng trai 24 tuổi rời xa vợ và 2 con nhỏ, vay khoảng 10.000 đôla và đến tỉnh Saitama để làm việc với tư cách thực tập sinh kỹ năng tại một công ty xây dựng.

Nhưng 8 tháng sau, mơ ước ấy đã sụp đổ khi đơn vị giới thiệu nơi thực tập cho anh bắt anh ký đơn thôi việc và nói rằng anh phải về Việt Nam mà chẳng hề cho biết lý do.

Thuong đã ra đến sân bay Haneda, nhưng ngay trước khi khởi hành theo lịch thì anh bỏ trốn. Anh nói rằng anh quyết tâm ở lại Nhật Bản.

Buộc về nước thay vì tìm nơi làm việc mới

Đoàn thể quản lý Thuong cho NHK biết rằng họ quyết định đưa anh về Việt Nam vì công ty thuê anh nói rằng anh đã gây ra quá nhiều rắc rối ở nơi làm việc. Tuy nhiên, luật pháp của Nhật Bản quy định rằng đoàn thể quản lý thực tập sinh kỹ năng nước ngoài không thể bắt thực tập sinh về nước. Luật cũng quy định nếu thực tập sinh không thể tiếp tục thực tập vì bất kỳ lý do gì, thì đoàn thể quản lý có trách nhiệm tìm cho họ nơi khác. Đơn vị quản lý Thuong thừa nhận đã không làm như vậy.

Sau đó, Thuong nhận được sự giúp đỡ của Hội Hỗ trợ Cộng sinh Việt-Nhật, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Tokyo hỗ trợ người Việt Nam tại Nhật Bản. Họ đã giúp anh tìm việc tại một công ty khác vào tháng 12 năm ngoái.

Cô Yoshimizu Jiho, người đứng đầu Hội Hỗ trợ Cộng sinh Việt-Nhật, cho biết trường hợp của Thuong không phải là hiếm, và cô cho rằng tình trạng này sẽ gia tăng khi các biện pháp hạn chế đi lại liên quan đến vi-rút corona được nới lỏng.

Lý do đằng sau “ép buộc về nước”

Nhân viên cấp cao của một công ty quản lý thực tập sinh cho biết lý do chính của việc “ép buộc về nước” là thủ tục bố trí việc khác cho thực tập sinh nước ngoài rất “phiền phức”. Trả lời phỏng vấn của đài NHK với điều kiện giấu tên, người này nói rằng việc phải làm rất nhiều giấy tờ cùng với thủ tục hành chính rườm rà đồng nghĩa với việc phải mất ít nhất 2 tháng để giới thiệu thực tập sinh cho một công ty khác. Trong thời gian đó, đơn vị quản lý phải gánh mọi chi phí cho thực tập sinh, bao gồm cả tiền thuê nhà.

Năm 2017, chính phủ đã ban hành luật nhằm bảo vệ các thực tập sinh nước ngoài khỏi tình trạng bị “ép buộc về nước”. Đại diện công ty nói trên cho biết chỗ ông đã không làm như vậy nữa. Nhưng ông nói rằng ông biết là nhiều công ty khác đang lách luật bằng cách nguỵ tạo giấy tờ.

Người này nói: “Các đoàn thể quản lý điền giấy tờ sao cho có lợi cho mình. Chính phủ không thể làm gì nếu giấy tờ nộp lên không có vấn đề gì. Cuối cùng, những thực tập sinh yếu thế sẽ vẫn gặp khó khăn, và việc ép buộc về nước sẽ vẫn tiếp diễn”.

Ông Ibusuki Shoichi, một luật sư hỗ trợ các thực tập sinh kỹ năng nước ngoài, đang kêu gọi chính phủ kiểm tra triệt để các đoàn thể quản lý này.

Ông nói: “Ở Nhật Bản, thực tập sinh nước ngoài được coi là ‘người nước ngoài tiện lợi’, những người sẽ về nước sau vài năm. Chính phủ xử lý nghiêm thực tập sinh nào bỏ trốn ở lại Nhật Bản. Nhưng chính phủ lại làm ngơ trước những người bị ép buộc về nước”.