Tôi đi Nhật phần 2: Nhập học!

Tôi trở về nhà sau một tuần chạy đôn chạy đáo ở Hà Nội. Xe dừng ở Bãi Vọt lúc chưa đầy 4h sáng, trong tiếng ve kêu râm ran trên những cây bàng rợp tán lá hai bên đường. Lúc ấy vẫn còn quá sớm để gọi người nhà ra đón nên tôi cuốc bộ về nhà. Không phải vì tôi tiếc hai mươi nghìn tiền xe ôm mà chỉ là muốn chậm lại để cảm nhận quê hương gần lại sau mỗi nhịp bước chân mình, dù càng bước thì càng mỏi cẳng và càng thấy đường xa vãi đái.

Về đến nhà lúc tảng sáng, ngoài đường tiếng Radio của những nhóm người đi tập thể dục mỗi lúc một to hơn, mở cửa vào nhà thì thấy thằng em họ 8 tuổi đã nằm sẵn trên giường, bảo lên ngủ đấy từ đêm qua để chờ tôi về. Mẹ tôi lúc ấy đã đi mua thức ăn về nấu cháo vì tôi rất thích ăn cháo bữa sáng. Đánh răng rửa mặt rồi pha ấm chè đặc ngồi uống một mình, nhìn làn sương mai mờ đục bao phủ ngôi nhà ba gian bé tẹo của chúng tôi, nhìn mảnh sân lát thứ gạch ô vuông đã vỡ nham nhở , tróc ra từng cục xi măng to như bàn tay, nhìn cả tấm thân rách rưới của tôi …. 
Nhà! Bao năm rồi vẫn thế!
Trong một tuần ở nhà, tôi né các cuộc tụ tập không cần thiết để dành thời gian đi một vòng quanh mấy nhà bà con, dành thêm thời gian cho gia đình, đặc biệt là thằng em họ-em con chú ruột. Nó thua tôi gần hai mươi tuổi nên toàn gọi tôi bằng “bác”. Một bữa sáng chở nó đi chơi, gặp cha nó vừa đi họp chi bộ về, chú bất ngờ hỏi:
– Bữa ni em không đi học à?
– Bữa ni bác A về tê học hành chi? – nó làm tôi há hốc mồm.
Lúc đó tôi mới nhớ là nó đã đi học lớp Hai, ngày thường là phải đi học. Nhưng mấy hôm tôi về, cu cậu lên ngủ với tôi và trốn luôn nhiệm vụ ấy, cả ngày chỉ lẵng nhẵng bám theo tôi. Năm sau tôi về là cu cậu 11 tuổi, không biết có còn chịu đi theo tôi nữa hay không.
Mấy hôm ở nhà cũng là thời gian mẹ vận động hành lang mạnh nhất về vấn đề… cưới! Lý luận của người quê thường rất đơn giản:”cưới, sinh con rồi đi mô thì đi”! Nhiều lúc mệt mỏi, tôi cũng đã tính đến chuyện về quê nhờ người quen xin cho chân bảo vệ giữ xe hay điếu đóm quét dọn gì đó trên Uỷ ban Xã, nuôi thêm vài con bò, dăm sào ruộng rồi cưới quách một con bé nào đó ở quê, hoàn thành trách nhiệm cao cả và khốn nạn với cuộc đời. Nhưng nghĩ đến những buổi chiều quê ngồi bên cồn rơm gãi ngứa, nghĩ đến bầy lợn kêu nháo nhác đòi ăn trong những buổi trưa hè, những bữa cơm nhà chỉ có độc một món- món mà mẹ thường phải nấu rất mặn để ăn đủ bữa cơm, tôi lại không cho phép mình dừng lại! Lúc đó có một người cũng không muốn tôi đi, đó là bạn gái tôi., nàng bảo thế giới sẽ thay đổi nếu tôi bước chân lên chuyến bay về quê chiều hôm ấy, nàng không cần tôi giàu có sang trọng gì, chỉ cần có tôi là đủ, Trời sinh voi sinh cỏ,đi xa cả mấy ngàn cây số, ai biết ai có thay lòng.Nàng chỉ biết cầu mong cho người Nhật họ đừng nhận tôi, hoặc tôi chợt thấy nhớ nàng trong một buổi sáng se se ẩm ương nào đó của thời tiết mà nghĩ lại chứ tuyệt nhiên không dám cản tôi, vì nàng biết có cản cũng không được. Ngần ấy năm bên nhau, nàng chỉ cản tôi duy nhất một lần, đó là hồi cấp Ba, khi tôi nhặt con dao phay dài tầm hai tấc đi tìm thằng đã đái vào cặp sách của mình. Nàng đứng chắn đường đi của tôi, một tay nắm chặt tay tôi, tay kia cầm đằng lưỡi con dao sắc ngọt, tôi buông tay vì sợ làm nàng bị thương rồi lấy lý do đi Toilet để bỏ ra ngoài, nàng theo sau, chúng tôi cùng bỏ học tiết văn ngày hôm đó. Ngồi đối mặt nhau trong quán nước trước cổng trường, chẳng nói với nhau câu nào, lúc cơn giận trong tôi nguội xuống, tôi mới thầm cám ơn nàng vì nếu hôm đó hai thằng tôi cầm dao đi giải quyết mâu thuẫn của thời trẻ trâu manh động, thì đến bây giờ chắc tôi vẫn còn đi chăn kiến trong khám Nghi Kim, hoặc cũng có thể là cỏ trên mộ tôi đã mọc đủ dày để người ta cột bò lên đó …. 
Quay trở lại lớp học, mấy đứa bảo cô giáo ghi tên hai đứa vào sổ đầu bài, yêu cầu mời phụ huynh, tôi biết là cô nhắm vào tôi. Dạo trước đó ít lâu, trong lúc cô đang say sưa giảng bài, tôi ngồi dưới bàn cuối chống cằm đánh cờ Caro với thằng bạn cứt,cô bình giảng hai câu thơ của Nữ sỹ Hồ Xuân Hương :
Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé
Ngàn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi.
Cô bảo “dấu bôi vôi” ở đây ý là khi con cóc đi mất thì cũng mất luôn cả dấu, ngỏ ý thương tiếc ông Tổng Cóc…. Chả hiểu lúc đấy tôi nghĩ gì mà buột mồm :” Không phải! Dấu bôi vôi ở đây là nhắc đến một điển tích của người xưa nói về việc con cóc trong nhà, đem đi nơi khác rồi nó vẫn quay lại chỗ ấy, người ta thấy lạ nên vạch một cái dấu bằng vôi trắng lên đầu nó rồi đem đi vứt ở một nơi thật xa, sau ít hôm thì vẫn là con cóc ấy quay về chốn cũ. Dấu bôi vôi ở đây đại ý nói về sự thuỷ chung, không vì phụ bạc mà quên chốn cũ…. Cô đỏ mặt ấp úng: thế à rồi quay lại giảng tiếp bài khác. Sau vụ đó thì mấy bài kiểm tra văn của tôi ít khi qua khỏi năm điểm, lời phê lần nào cũng giống nhau : Lạc đề, đến cuối năm tổng kết, tôi được 4,9₫ văn nên không xét HS tiên tiến, nghĩ lại đến bây giờ vẫn thấy buồn cười cho thời trẻ trâu lắm sai lầm. Nói về sai lầm thì đời tôi sai nhiều, có những cái sai ngu không để đâu cho hết nhưng có như vậy mới là đời, có thế mới là Tôi và có những chuỗi sai lầm đó nối tiếp nhau thì giờ tôi mới sang đây đi fuho và có cái để ngồi mà chiêm nghiệm. Số phận sinh ra đã gắn với cái búa cái xẻng, có tránh cũng chưa chắc đã được )))

Trở lại trường để làm thủ tục nhập học, giáo viên ở công ty hướng dẫn tôi bắt xe bus lên trung tâm đào tạo và không quên dặn là tiếng Nhật khó, cố gắng học cho tốt, tôi cám ơn rồi lếch thếch lôi cái Vali kéo ra đường đón xe Bus. Tôi vốn không có ý định đua tranh thứ hạng gì với bất kỳ ai trong lần đi học này. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là giữ thành tích của mình ở nhóm trung bình trên để không bị đào thải ra khỏi cuộc chơi, biết được vài vấn đề cơ bản như “nguy hiểm chết người”, “cái này không ăn được”, “không phận sự miễn vào” hay là “cấm trẻ em dưới 18 tuổi” … là đủ để đi Fuho rồi nên lôi thêm một đống sách theo để đọc trong lúc rảnh rỗi, mãi đến sau này mới biết là bé cái nhầm …..

Trung tâm đào tạo của công ty nằm ở cách thành phố tầm một tiếng xe Bus. Lúc mới lên, tôi đã thấy có thiện cảm với nơi này. Bên những con đường rộng thênh thang không người qua lại là những thửa ruộng xanh mướt, trải dài đến tận chân trời. Những ngã tư lác đác vài ông xe ngồi đánh cờ tướng, sáng xách xe ra, chiều xách xe về. Phía trước cổng trường là con sông đào bé tẹo soi bóng hai hàng tre nghiêng ngả xiêu vẹo vì sóng gió của thời gian, Không biết nó có đủ sức để chảy ra biển hay thôi, vì đến đây tôi thấy nó uể oải và lười nhác quá-như chính tôi sau giông bão của cuộc đời vậy!
Vào đến trường, cất hành lý xong xuống lớp điểm danh, nghe phổ biến nội quy lớp học và nhận chăn màn, đồng phục rồi ra sân bóng để làm quen với mọi người. Vác theo cả bụng chạy chưa được hai vòng thì dừng lại thở hồng hộc như trâu số 16 trong hội chọi trâu Đồ Sơn năm ngoái, mồ hôi túa ra lau không kịp. Anh Vũ Linh người Nghệ An bảo thôi anh em mình đi làm cốc bia cho mát mồm, bóng ban để bọn trẻ, bổ xuống đó cấy là hết Nhật với nhẽo đấy . Tôi cho là phải nên về phòng thay quần áo rồi theo anh em đi uống bia, lúc sờ lại cái điện thoại thì thấy tin nhắn:
– Me gui tien cho anh Q roi nha! 
Vậy là tôi biết, mình đã đặt cả hai chân lên thuyền rồi …