Đúng giờ là khởi nguồn của mọi sự cạnh tranh về khoa học kỹ thuật, điều chỉnh văn hóa ứng xử. Chính xác hơn phải dùng cụm từ “tuyệt đối đúng giờ” cho người Nhật. Đồng hồ điện tử nhảy sang con số 9 giờ 3 phút, chuyến tàu cao tốc Shinkansen dừng lại trước sự ngỡ ngàng của nhiều sinh viên Việt Nam. Nhìn tấm vé trên tay, chúng tôi thấy rõ giờ tàu là 9 giờ 3 phút. Luôn như thế, người Nhật rất nghiêm khắc với bản thân về chuyện giờ giấc. Có lẽ vì thế mà họ luôn là người đi trước và vận nước của Nhật Bản đã đổi thay kỳ diệu chỉ từ tiêu chí này.
Không sai giờ dù chỉ một phút
Sau Thế chiến thứ hai, người ta xem Nhật Bản không khác gì một đất nước thời đồ đá. Hai quả bom nguyên tử cùng hàng loạt tổn thương khác từ cuộc chiến đã tàn phá thiên nhiên, con người ở đây đến mức kiệt quệ. Thế nhưng chưa đầy 20 năm sau quốc gia này đã sở hữu công nghệ tàu cao tốc hiện đại với tốc độ mà các nước lớn như Hoa Kỳ, EU phải thèm muốn.
Tàu cao tốc thực sự có thể đại diện cho văn hóa tuyệt đối tôn trọng thời gian của người Nhật. Không hoàn toàn là tàu cao tốc đã xây dựng tác phong đúng giờ của người Nhật nhưng đừng dại mà trễ giờ dù chỉ một phút, thậm chí là 30 giây trong chuyến tàu từ Osaka đi Kyoto, bạn có thể sẽ tốn thêm 2.000 yen (khoảng 400.000 đồng tiền Việt) mua lại vé.
Người ta đúng giờ ngay cả trong thời tiết dưới 5oC, thậm chí có tuyết rơi.
Tôi từng chứng kiến một sinh viên Việt Nam khi tham gia chương trình giao lưu thanh niên Nhật Bản – ASEAN Jenesys 2.0 hồi tháng 6-2013, đã phải chua xót khi trả hơn 2.500 yen (hơn 500.000 đồng tiền Việt Nam) phí taxi vì để lỡ chuyến xe đưa đón cuối cùng của chương trình lúc 10 giờ tối, chỉ vì ráng mua sắm thêm vài phút. Anh chàng thấm thía “vừa tốn kém, vừa xấu hổ và cũng rất nhớ đời”.
Cũng trong chuyến đi đó, sinh viên đến từ các nước ASEAN phải trầm trồ thán phục khả năng đúng giờ đến từng giây phút trong các hoạt động mà người Nhật tổ chức: Giảng viên đến lớp, kết thúc bài giảng, xe buýt đưa đón… thậm chí các hành trình dài vài trăm kilomet, bao gồm nhiều hoạt động hội thảo, trao đổi với chuyên gia, tham quan công ty địa phương, thăm gia đình người bản xứ… độ sai lệch giờ so với lịch trình là con số không.
Đúng giờ tạo ưu thế trong cạnh tranh
Thời đại công nghiệp hóa với sự vận hành chủ yếu của máy móc thay lao động chân tay không cho phép họ chậm hoặc sớm một giây nào nếu muốn sản phẩm tạo ra tròn trịa, không khiếm khuyết. Giống như kiểu làm bánh rán tại Nhật, nếu lấy bánh ra sớm một chút sẽ không thơm ngon, lấy trễ một chút sẽ bị cháy khét. Phải đúng giờ, đúng phút thì bánh mới đủ vàng, đủ thơm và trẻ con tại nhiều nước trên thế giới khi nghe đến bánh rán Đô-rê-mon của Nhật Bản thì mới thích.
Thói quen đúng giờ nhiễm vào tác phong của các trường lớp người Nhật.
Bên cạnh đó, nền công nghiệp hóa thúc đẩy hội nhập quốc tế đòi hỏi các cá nhân, tập thể phải nâng cao tính cạnh tranh. Thế giới thật ra chưa bao giờ ngủ, vậy nên đúng giờ sẽ giúp bạn chiến thắng đối thủ, ít nhất là về mặt tâm lý. Đến sớm hơn có thể sẽ khiến bạn phải mệt mỏi để chờ đợi nhưng trễ hơn thì thật tệ hại vì cuộc chơi đã tàn, mọi giao dịch có thể đã kết thúc thông qua một cái click chuột chỉ trong một giây trước đó.
Chính yêu cầu đúng giờ đi kèm với đảm bảo chất lượng công việc ở mức cạnh tranh nhất đã khiến cuộc sống người Nhật trở nên nhanh hơn và hiệu quả hơn. Cụm từ “công nghiệp hóa” phải sinh ra từ tư thế con người: Chủ động – nhanh chóng – hiệu quả, chứ không phải xuất phát trong hiến pháp của người Nhật.
Xây dựng văn minh, đổi thay vận nước
Khi đúng giờ trở thành một nguyên tắc hiển nhiên, ai cũng tuân thủ thì muốn thắng trong chính sách phải dựa vào khả năng linh hoạt, ứng xử khôn khéo của cá nhân, tập thể. Điều này giống như việc bạn đến một buổi đàm phán đúng giờ và đối thủ của bạn cũng vậy, buộc bạn phải chuẩn bị chiến lược đàm phán, tâm lý và thái độ đàm phán một cách hiệu quả hơn.
Đối với doanh nghiệp, họ cần kiến tạo thế mạnh cạnh tranh từ chiến lược kinh doanh và văn minh trong ứng xử. Ví dụ trong ngành dịch vụ giao thông công cộng, khi các chuyến xe buýt, đường thủy hay hàng không đều đúng giờ thì chất lượng phương tiện, thái độ phục vụ là tiêu chí kế tiếp để khách hàng lựa chọn.
Những năm của thập niên 60-70 thế kỷ 20 chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa ngành hàng không và xe điện tại Nhật. Khi đó, thời gian là cơ sở để xe điện phát triển, nâng cao tốc độ và sự an toàn. Kế đó, nụ cười và thái độ ân cần của nhân viên với hành khách trên suốt hành trình chính là nhắm đến mục tiêu bảo toàn lượng khách hàng chung thủy với phương tiện.
Cứ như thế, dù tại nhà hàng, khách sạn, trường học, quán bar hay bất kỳ đâu, người Nhật luôn cảm ơn, xin lỗi, sống có kỷ luật và nhiệt tình giúp đỡ mọi người. Cùng đó là những cải tiến không ngừng về khoa học kỹ thuật nhằm hoàn thiện hóa các “vũ khí” cạnh tranh. Từ đó tạo nên nét văn hóa đặc trưng nếp sống văn minh, hiện đại, hiệu quả mà ai cũng biết khi nói về Nhật Bản. Hiểu “đúng giờ đổi thay vận nước” là như thế.
Người lãnh đạo phải cương quyết làm gương
Để định hướng được cả cộng đồng đi cùng một quỹ đạo, ở góc độ xã hội học, vai trò của những người đi đầu là vô cùng quan trọng. Người Nhật tỏ ra thành thạo trong nghệ thuật xây dựng hình mẫu tiên phong này.
Tại Trường ĐH Kyoto, dù thời tiết lạnh 2-3 độ C nhưng tất cả giảng viên đều có mặt đúng 8 giờ 40 phút, chuẩn bị máy chiếu, tài liệu bài giảng trong vòng năm phút để bắt đầu tiết dạy đúng 8 giờ 45 phút. Tham gia một lớp học của TS Tetsuo Tezuka (ĐH Kyoto) về kinh tế năng lượng, ông Tezuka vào lớp trước và đến tận từng bàn để phát tài liệu cho các sinh viên kèm lời chào ngày mới tốt lành. Đúng giờ, thầy thông báo “Chúng ta bắt đầu, không chờ thêm sinh viên nào nữa”. Thế nên sinh viên tự giác đến đúng giờ vì họ sẽ không có cơ hội tham gia lớp học nếu đi trễ.
Tôi từng nhiều lần chứng kiến một số thầy cô vẫn thường hay lên án sinh viên, học sinh đi học trễ và lấy các ví dụ về sinh viên Mỹ, Úc, Nhật ra làm bài học. Không sai! Nhưng thử nghĩ bản thân nhiều nhà giáo đã đúng giờ hay chưa khi hiển nhiên cho mình cái quyền được đến trễ năm phút, 10 phút hay thậm chí là 15 phút trong khi học trò chờ đợi.
Chúng ta vẫn thường xuyên chê trách nhiều người nông dân cứ mãi văn minh lúa nước, ì ạch thiếu kỷ cương. Nhưng thử hỏi các vị lãnh đạo khi đi họp đã đúng giờ hay chưa? Hay vẫn cà phê đến tận 8 giờ sáng dù giờ làm việc là 7 giờ?
Nhìn Nhật Bản sẽ hiểu, giấc mơ về một đất nước công nghiệp hóa – hiện đại hóa sẽ chỉ là ảo tưởng nếu bản thân quốc gia dùng giờ dây thun. Và nếu người lãnh đạo vẫn cứ rề rà thì cũng đừng nghĩ đến chuyện có một tập thể đúng giờ, chủ động và sẵn sàng làm việc để cải tạo vận nước.
“Đứng nói chuyện” để đỡ tốn thời gian Trong chuyến đi thăm thực tế các nông trại năng lượng mặt trời của Công ty Nikke tại TP Okashi (thuộc vùng Hyogo), trạm sản xuất năng lượng gió của Công ty Kansai (thuộc tỉnh Osaka), phần trình bày giới thiệu quy mô, cách thức vận hành, trao đổi và hỏi đáp đều tổ chức theo hình thức “đứng nói chuyện”. Vì có rất nhiều nội dung nên trong nhiều trường hợp người Nhật thường chọn cách “đứng nói chuyện” để người trình bày ý thức vấn đề thời gian, nói ngắn gọn và đi vào trọng tâm vấn đề. |