Kinh tế thế giới 2015 sẽ tiếp đà phục hồi, song chưa thật vững

Sáu năm sau cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu năm 2008, “bức tranh” kinh tế thế giới dường như vẫn thiếu những nét chấm phá quan trọng để trở nên “tươi sáng”. 

 
 
Kinh tế thế giới năm 2015 được dự báo sẽ tiếp đà phục hồi, song chưa thể thực sự khởi sắc. 
 
Kinh tế Mỹ, Anh, khu vực Đông Á và một số nền kinh tế mới nổi là những điểm sáng, song triển vọng tăng trưởng yếu của các đầu tàu kinh tế khác như Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và Nhật Bản, sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc, cộng thêm các nguy cơ như bất ổn địa-chính trị ở Trung Đông và Ukraine và bệnh dịch Ebola ở Tây Phi khiến cho đà phục hồi kinh tế toàn cầu không đồng đều và yếu hơn dự báo.
 
Dựa trên tình hình này, các định chế tài chính lớn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Ngân hàng Thế giới (WB) về cuối năm 2014 đã phải liên tiếp hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khu vực trong năm 2014 và 2015.
 
Trong báo cáo Tình hình và Triển vọng Kinh tế Thế giới năm 2015 công bố trong tháng 12/2014, Liên hợp quốc (Liên hợp quốc) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục cải thiện trong hai năm 2015 và 2016. 
 
Nhịp độ tăng trưởng của kinh tế thế giới trong hai năm tới theo nhận định của Liên hợp quốc là 3,1% và 3,3%, sau khi ước tăng khoảng 2,6% trong năm 2014. Nhiều nguy cơ và bất ổn, nổi bật trong số đó là sự tăng trưởng ì ạch của Eurozone cùng với dịch Ebola và xung đột ở Ukraine, sẽ gây sức ép lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
 
Tại cuộc họp báo về triển vọng kinh tế năm 2015 tổ chức trong tháng 12/2014, các nhà kinh tế thuộc ngân hàng Bank of America Merrill Lynch cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức vừa phải, với mức tăng lần lượt 3,2% và 3,7% trong năm 2014 và 2015. 
 
Trong báo cáo công bố cuối tháng 11/2014, OECD cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014 và 2015 xuống lần lượt 3,3% và 3,7%, xấp xỉ mức dự đoán mà các nhà kinh tế Bank of America Merrill Lynch đưa ra.
 
Tổng Giám đốc điều hành IMF, Christine Lagarde, tại Hội nghị mùa Thu thường niên của IMF và WB tại Washington (Mỹ) trước đó, đã lưu ý rằng kinh tế toàn cầu đang đối mặt với triển vọng tăng trưởng bấp bênh, không đồng đều kéo dài và chậm hơn dự báo trong bối cảnh số việc làm mà thế giới tạo ra mỗi năm mới chỉ chiếm một phần nhỏ nếu so với con số 200 triệu người thất nghiệp trên thế giới. 
 
Đồng quan điểm này, nhà kinh tế chủ chốt của IMF, Olivier Blanchard cho rằng kinh tế toàn cầu vẫn đang phục hồi nhưng ở mức rất yếu do mức độ hồi phục và nhịp độ tăng trưởng không đồng đều giữa các nước.
 
Kinh tế Mỹ và Vương quốc Anh là những điểm sáng trong nhóm nước phát triển và được kỳ vọng sẽ là nhân tố đầu tàu dẫn dắt kinh tế thế giới phục hồi.
 
Liên hợp quốc nhận định kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục cải thiện trong hai năm 2015 và 2016, với mức tăng 2,8% và 3,1%, sau một thời gian duy trì được nhịp độ tăng trưởng ở mức hàng năm trên 2%. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế nhanh cùng với mức tăng trưởng việc làm mạnh mẽ hơn của Mỹ so với các nước phát triển khác báo hiệu sự hồi phục tích cực trên thị trường việc làm, lương và nhà đất trong năm 2015. 
 
Tác động của tình trạng chậm phục hồi của kinh tế Nhật Bản và châu Âu, tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc và sự mạnh lên của đồng USD trong thời gian qua đối với kinh tế Mỹ “có thể sẽ khá hạn chế”. 
 
Trên cơ sở kinh tế Mỹ phục hồi vững, ngân hàng trung ương nước này đã chính thức ngừng gói QE từ tháng 11/2014 sau ba vòng thực hiện và bơm tổng cộng 4.400 tỷ USD vào nền kinh tế, mở ra một chương mới cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.
 
Theo đánh giá của OECD, kinh tế Anh tăng trưởng nhanh nhất (tăng 3%) trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 trong thời gian từ quý III/2013 đến quý III/2014, vượt Mỹ (tăng 2,3%). Tuy nhiên, đà tăng chậm lại trong quý III/2014 là một trong những lý do để Ngân hàng trung ương Anh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế nước này năm 2015 từ 3% xuống 2,9%. 
 
Liên minh châu Âu (EU) là đối tác thương mại lớn nhất của Vương quốc Anh, hoạt động kinh tế yếu của Eurozone là sự bất lợi lớn đối với hoạt động xuất khẩu của nước này.
 
Châu Á dẫu có phần tăng trưởng chậm lại so với cách đây vài năm, song vẫn là động lực tăng trưởng chủ chốt của kinh tế toàn cầu. Trong báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế năm 2014 mới công bố ngày 17/12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định việc giá dầu giảm gần 50% kể từ tháng 6/2014 cùng với nỗ lực cải cách sẽ hỗ trợ đà tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á. 
 
ADB hạ nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển ở châu lục này năm 2014 và 2015 xuống lần lượt 6,1% và 6,2% và của các nền kinh tế Đông Nam Á trong cùng thời gian này xuống 4,4% và 5,1%.
 
Nhà kinh tế chủ chốt Shang-Jin Wei thuộc ADB lưu ý rằng giá dầu xuống dưới ngưỡng 60 USD/thùng là yếu tố có lợi cho tăng trưởng kinh tế châu Á và sẽ giúp các nền kinh tế nhập khẩu nhiều dầu mỏ ở Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines và Indonesia tiết kiệm được nhiều tiền. 
 
Giá dầu giảm là “cơ hội vàng” để các quốc gia nhập khẩu như Indonesia hay Ấn Độ cải tổ chương trình trợ giá nhiên liệu đắt đỏ, mặt khác các nước xuất khẩu dầu cũng có thể tận dụng cơ hội này để phát triển lĩnh vực chế tạo.
 
Đông Á cũng là một điểm sáng kinh tế. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Đông Á sẽ vẫn là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với nhịp độ tăng trưởng khá ấn tượng 6,1% và 6% trong năm 2015 và 2016.
 
Các nền kinh tế mới nổi , theo nhận định của giới chuyên gia, sẽ tăng trưởng vừa phải trong năm 2015. Bank of America Merrill Lynch dự báo các nước mới nổi sẽ tăng trưởng 4,5% trong năm 2015 sau khi tăng trưởng ở mức đáng thất vọng 4,2% năm 2014.
 
Việc kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh hơn cùng với giá năng lượng giảm và sự phục hồi theo chu kỳ của một số nền kinh tế lớn như Brazil (Bra-xin) và Ấn Độ sẽ thúc đẩy tăng trưởng tại các thị trường mới nổi trong năm 2015.
 
Trong số các nền kinh tế mới nổi, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại trong khi Nga đứng trước nguy cơ suy thoái do khủng hoảng tài chính, giá dầu giảm và tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây mà nước này đang đối mặt, còn kinh tế kinh tế Ấn Độ, Indonesia và Nam Phi phục hồi vững. 
 
Theo ADB, các chương trình cải cách kinh tế của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ mang đến cho nước này sự hồi phục mạnh mẽ với mức tăng trưởng 5,5% năm 2014 trước khi tăng tốc ở mức 6,3% trong năm 2015. Tuy nhiên, thúc đẩy cải cách là “chìa khóa” để Ấn Độ đạt được mức tăng trưởng 8%.
 
Năm 2014, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới xét về sức mua tương đương (PPP), với quy mô đạt 17.630 tỷ USD, so với 17.420 tỷ USD của Mỹ. Tuy nhiên, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2014 và 2015 từ 7,5% và 7,4% xuống 7,4% và 7,2%. 
 
Các định chế tài chính cho rằng kinh tế Trung Quốc đang trong chiều hướng tăng trưởng chậm lại, phần nào do Chính phủ nước này hướng tới sự tăng trưởng cân bằng và bền vững.
 
Eurozone là mối “đe dọa” lớn đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Hai năm sau khi EU tuyên bố khủng hoảng nợ tại Eurozone (bắt đầu từ năm 2009) kết thúc, mối quan ngại về nguy cơ rơi vào một cuộc suy thoái mới lại nổi lên. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao, trong khi nhu cầu yếu kéo lạm phát đi xuống, đẩy khu vực này trước nguy cơ giảm phát.
 
Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), lạm phát ở khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng trung bình 0,5% trong năm 2014, 0,7% năm 2015 và 1,3% năm 2016. OECD dự báo 18 nước thành viên Eurozone sẽ tăng trưởng ở mức 0,8% và 1,1% trong năm 2014 và 2015, xấp xỉ mức ECB đưa ra mới đây. 
 
OECD khuyến nghị Eurozone cần thêm các gói kích thích tăng trưởng và EU cần linh hoạt hơn trong việc thắt chặt các quy định về thâm hụt ngân sách đối với các nước châu Âu như Pháp và Italy để tránh đẩy Eurozone vào suy thoái. ECB đang triển khai nhiều biện pháp chống giảm phát như hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, bơm một lượng vốn chưa từng có với lãi suất thấp cho các ngân hàng thông qua chương trình tái cấp vốn dài hạn theo mục tiêu, tiến hành chương trình mua chứng khoán bảo đảm bằng tài sản và chứng khoán có đảm bảo, đồng thời chuẩn bị cho việc khởi động chương trình kích thích tăng trưởng quy mô lớn hơn.
 
Kinh tế Nhật Bản phục hồi chậm cũng là một yếu tố nữa kéo đà tăng trưởng của kinh tế thế giới chậm lại theo. Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tăng trưởng yếu, một phần không nhỏ do chi tiêu tiêu dùng chậm lại sau khi Chính phủ tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8% từ đầu tháng 4/2014. 
 
Việc thuế tiêu dùng tăng trong khi các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm kích thích tăng trưởng của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cần thêm thời gian để phát huy hiệu quả đã khiến cho “đất nước hoa anh đào” mất đà và rơi vào suy thoái về mặt kỹ thuật trong quý III/2014. OECD hồi tháng 11/2014 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản năm 2014 và 2015 xuống lần lượt 0,4% và 0,8%.
 
Trong năm 2015, nếu có một yếu tố đủ tầm để chi phối chính sách của các nước trên toàn thế giới thì đó chính là lạm phát. Lạm phát là lý do đằng sau việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed, Ngân hàng trung ương) vẫn kiên trì với chính sách lãi suất thấp kỷ lục (xấp xỉ 0%), ECB đẩy nhanh việc triển khai các biện pháp bất thường và Ngân hàng trung ương Nhật Bản tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. 
 
Lạm phát cũng cho phép Trung Quốc và Ấn Độ tiến hành các biện pháp kích thích kinh tế cho tới khi tăng trưởng hồi phục.
 
Trong khi đó, biến động của giá dầu thô sẽ ảnh hưởng đáng kể tới cả các nước xuất khẩu lẫn nhập khẩu dầu mỏ. Giá dầu thô giảm là con dao hai lưỡi, bởi giá dầu hạ sẽ đẩy chi tiêu tiêu dùng tăng lên song lại ảnh hưởng xấu tới lợi nhuận của các công ty dầu mỏ. 
 
Tổng Giám đốc IMF nhận định rằng giá dầu giảm có thể gây thiệt hại cho các nước xuất khẩu dầu thô, nhưng xét tổng thể là tin tốt cho kinh tế thế giới. “Vàng đen” hạ nhiệt ước tính có thể sẽ mang lại thêm khoảng 0,8 điểm phần trăm tăng trưởng cho hầu hết các nền kinh tế tiên tiến, bởi những nước này đều là các nước nhập khẩu dầu.
 
Các rủi ro địa-chính trị, nhất là tại Trung Đông, là những yếu tố khó lường trước, luôn “thách thức” các dự báo, nhận định của chính phủ các nước và giới chuyên gia, đồng thời tiềm ẩn các nguy cơ lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu./.