Tình hình kinh tế Nhật Bản tháng 1 năm 2015

1. Tiếp theo sự suy giảm của nền kinh tế Nhật Bản trong Quý IV năm 2014, các nhà kinh tế đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP thực tế của Nhật Bản trong năm tài chính 2014 kết thúc vào ngày 31/3/2015 sẽ giảm 0,5%. Đây là mức sụt giảm đầu tiên kể từ năm 2009, khi nền kinh tế phải gánh chịu hậu quả từ cuộc khủng khoảng tài chính toàn cầu 2008. Về danh nghĩa, GDP sẽ tăng trưởng khoảng 1,7% trong năm tài chính 2014. Tuy nhiên, cũng theo dự báo này, trong năm tài chính 2015, nền kinh tế Nhật Bản sẽ dần phục hồi do nhu cầu khu vực tư nhân bao gồm cả tiêu dùng cá nhân được cải thiện trong khi giá dầu giảm sẽ hỗ trợ các hộ gia đình và giúp tăng thu nhập cho người lao động[1]. Tăng trưởng GDP thực tế trong năm tài chính 2015 được dự báo ở mức 1,5% và GDP danh nghĩa sẽ tăng khoảng 2,7%. Nếu tốc độ tăng trưởng GDP 2015 đúng như dự báo này thì GDP danh nghĩa của Nhật Bản trong năm tài khóa 2015 sẽ đạt giá trị 504,9 nghìn tỷ yên, vượt ngưỡng 500 nghìn tỷ yên lần đầu tiên kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008. Chỉ số giá tiêu dùng của cả nước dự kiến ​​sẽ tăng 1,4 % trong năm tài chính 2015, chậm hơn so với mức tăng 3,2 % trong năm tài chính 2014[2].

2. Tiêu dùng cá nhân, thành phần đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng GDP, dự kiến ​​sẽ được cải thiện trong năm tài chính 2015. Theo một cuộc khảo sát về niềm tin tiêu dùng của các hộ gia đình Nhật Bản vào cuối tháng 12/2014, chỉ số niềm tin tiêu dùng đã tăng từ 37,7 điểm trong tháng 11/2014 lên 38,8 điểm trong 12/2014, mức tăng đầu tiên trong 5 tháng. Tất cả các chỉ số đo lường niềm tin của người tiêu dùng đều tăng, bao gồm: chỉ số quan điểm của người tiêu dùng đối với sinh kế tăng 1,1 điểm lên 36,0; đánh giá của người tiêu dùng về điều kiện lao động tăng 1,3 điểm lên 44,1; trong khi đánh giá của họ về tăng trưởng thu nhập tăng 1,1 điểm lên 38,7 và sẵn sàng chi tiêu tiêu dùng tăng 0,9 điểm lên 36,3. Điều này cho thấy quyết định hoãn tăng thuế tiêu thụ giai đoạn 2 của thủ tướng Shizo Abe đã phần nào giảm bớt lo ngại về triển vọng kinh tế Nhật Bản[3]. Theo dự báo tiêu dùng cá nhân sẽ tăng 2,0% trong năm tài chính 2015.
 
3. Chính phủ Nhật Bản đã thông qua dự thảo ngân sách tài khóa 2015 (bắt đầu vào tháng 4/2015) lên tới mức kỷ lục 96,34 nghìn tỷ yên (khoảng 814 tỷ USD). Con số này cao hơn ngân sách cho năm tài chính 2014 gần 4 tỷ USD. Chi tiêu an sinh xã hội bao gồm chi phí chăm sóc y tế và chăm sóc điều dưỡng cho người già lên tới 270 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu già hóa dân số. Nội các Nhật Bản đã quyết định giữ mức chi tiêu công tương tự như các năm tài chính trước đó, vào khoảng 50 tỷ USD, nhưng tăng chi tiêu quốc phòng lên mức kỷ lục 42 tỷ USD[4]. Đây là năm thứ ba liên tiếp Nhật Bản tăng chi tiêu cho lĩnh vực này trong bối cảnh Thủ tướng Shinzo Abe muốn tăng các năng lực phòng vệ của đất nước và tăng cường kiểm soát trên toàn lãnh thổ[5].
 
4. Nhật Bản chủ trương đẩy mạnh giải quyết vấn đề nợ công trong năm 2015 và các năm tới. Trong tổng ngân sách tài khóa 2015, 23,45 nghìn tỷ yên sẽ được dùng để thanh toán nợ công[6]. Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã tái khẳng định cam kết quốc tế là sẽ giảm một nửa tỷ lệ thâm hụt ngân sách so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm tài chính 2015 so với mức của năm tài chính 2010 và chuyển cán cân này sang mức thặng dư đến năm tài chính 2020. Theo dự báo, thu nhập của các hộ gia đình sẽ tăng lên trong năm tài chính 2015 khi các doanh nghiệp tăng lương cho người lao động và giá cổ phiếu tiếp tục tăng. Doanh thu thuế trong năm tài chính 2015 cũng được dự báo sẽ tăng khoảng 1,7 nghìn tỷ yên (14,3 tỷ USD) so với năm tài chính 2014, đạt mức cao nhất trong 14 năm[7]. Tuy nhiên, có thể nói rằng trong khi mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách trong năm tài chính 2015 có thể tạm thời đạt được, thặng dư ngân sách tài chính vẫn là một giấc mơ xa vời đối với Nhật Bản, và cho đến nay chính phủ Nhật Bản vẫn chưa đưa ra một biện pháp cụ thể nào để giải quyết tình trạng nợ công đã lên tới mức khổng lồ của quốc gia này.