Người ta cho rằng con cái trưởng thành phải hoàn thành nghĩa vụ với cha mẹ, nhưng bây giờ thời thế đã đảo ngược. Có vẻ vô lý và mỉa mai, nhưng đó là thực trạng đang xảy ra tại Nhật Bản. Một số vụ việc nghiêm trọng đã cảnh báo chính phủ thực hiện cuộc điều tra chính thức về vấn đề “8050”.
Gần đây, vấn đề thất nghiệp và tuổi tác đã gây cho Nhật Bản hiện tượng xã hội mới ‘8050’ – cha mẹ già phải chăm con trung niên.
Khi tuổi tác kéo đến và không còn sức lao động, vô số cái chết của người cao tuổi neo đơn ở Nhật Bản khiến khái niệm “cái chết cô đơn” tràn lan trên các mặt báo. Theo Sohu, vấn đề “8050” cũng liên quan đến hiện tượng này. Cụ thể, khái niệm này đề cập đến một nhóm cha mẹ ở độ tuổi 80 phải chăm sóc con cái đã ngoài 50.
Các đội dọn xác thuê ngày càng nhiều do vấn đề xã hội phức tạp ở Nhật Bản. Ảnh: Sohu.
Điển hình là vụ việc một người mẹ 70 tuổi đã chết cùng một đứa con trai 50 tuổi ở Sanjo, tỉnh Niigata vào tháng 5 năm 2016.
Vào tháng 12 năm 2017, người mẹ 82 tuổi ở Sapporo, Hokkaido đã chết vì đói và lạnh. Không lâu sau, cô con gái 52 sống chung với mẹ cũng bị chết đói.
Mới đây nhất, tháng 4 năm nay, một bà mẹ 74 tuổi từ thành phố Yokohama, tỉnh Kanagawa, trượt ngã tử vong. Anh con trai 49 tuổi đang thua lỗ trong kinh doanh nên thậm chí không đem mẹ đi mai táng.
Có khoảng 450.000 người Nhật Bản thất nghiệp ở tuổi dưới 39. Số người trên 40 tuổi thất nghiệp hiện rất khó nắm bắt dữ liệu chính xác. Nhưng theo các chuyên gia, nhóm này có ít nhất một triệu người.
Người mẹ 68 tuổi vẫn phải lo lắng cho con trai ở tuổi trung niên. Ảnh: Sohu.
Theo khảo sát được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu xã hội Nhật Bản, lý do lớn nhất dẫn đến tình trạng này là người dân không tìm được công việc thích hợp, tiếp theo là bệnh tật, và công việc không tốt. Cũng có những lý do như bỏ học và có những mối quan hệ xã hội không tốt đẹp… khiến cho những người trẻ tuổi gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống và trở thành gánh nặng cho gia đình.
Vì không có nguồn thu nhập, những thanh niên này chỉ có thể ăn bám. Ngoài ra, một số người mắc bệnh tâm thần nghiêm trọng cần cha mẹ chăm sóc. Dưới áp lực kép, cha mẹ của những người này thường chịu stress rất lớn trong cuộc sống.
Nhiều người Nhật có quan niệm thà nuôi những người con ăn bám sống trong nhà còn hơn mất mặt trước tổ tiên. Hay nói cách khác, phụ huynh bị ám ảnh bởi việc thấy con cái nghèo đói mà không cứu giúp. Chính phủ không thể can thiệp vào những vấn đề gia đình như vậy. Kết quả, hiện tượng “4010” kéo đến rồi sau đó là “5020”, “6030”, “7040”, và cuối cùng là “8050”.
Đến khi các bậc phụ huynh nhận ra rằng sự sống của họ chỉ còn tồn tại trong thời gian ngắn, họ bắt đầu cảm thấy lo lắng: “Khi tôi chết, con tôi sẽ sống thế nào?”. Lúc này, họ muốn các con ở độ tuổi 50 phải sống tự lập, nhưng những người con đã mất sức đề kháng với xã hội. Vì vậy, khi cha mẹ nhắm mắt, con cái cũng không thể sống sót. Ngoài ra, không có ai được nhận trợ cấp xã hội.
Nhật Bản hiện không thể làm bất cứ điều gì để thay đổi vấn đề này. Sự che giấu, lâu dài và phức tạp của nó khiến cho chính phủ khó tiếp cận và giải quyết.
Có ít nhất một triệu người Nhật ở độ tuổi 50 vẫn sống dựa vào gia đình và ngại giao tiếp với xã hội. Ảnh: Sohu.
Khi càng ngày càng có nhiều “kẻ ăn bám” xuất hiện và sự lão hóa vẫn không dừng lại, ngoài “cái chết cô đơn” và “8050”, nhiều hiện tượng mới sẽ “phun trào” như núi lửa. Và một ngày nào đó, xã hội Nhật Bản sẽ bị hủy hoại bởi cơn hỏa hoạn này.
Theo các nhà xã hội học, đến năm 2019, hiện tượng xã hội mới của Nhật Bản sẽ lại đòi hỏi một khoản tiền lớn của chính phủ để khắc phục.
Trọng Nghĩa/Vnexpress