Hương vị tinh tế của ẩm thực Nhật Bản

Tính thẩm mỹ, sự tinh tế là yếu tố quan trọng đưa nghệ thuật ẩm thực Nhật Bản trở thành một tinh hoa văn hóa của đất nước Mặt Trời mọc.

Vốn được biết tới với xưng danh “Đất nước mặt trời mọc”, Nhật Bản là một đảo quốc hết sức tươi đẹp với khí hậu ôn hòa, 4 mùa trong năm đều đi qua xứ này. Đến với đất nước giàu văn hóa này, chúng ta không chỉ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tuyệt diệu của thiên nhiên và con người, mà còn không khỏi khâm phục trước cách họ đưa vẻ đẹp thiên nhiên vào cuộc sống nói chung, và trong ẩm thực nói riêng.  

Giống như nhiều người đã nhận xét, người Nhật không chỉ ăn uống đơn thuần, họ ăn cả bằng mắt. Quả thật, việc bài trí thức ăn với người Nhật được chú trọng vô cùng. Bên cạnh đó còn là sự tinh tế trong việc sử dụng các dụng cụ để ăn và bày thức ăn.

Từ ngàn xưa, lao động sản xuất chính của người Nhật là đánh bắt hải sản, phát triển ngư nghiệp. Vậy nên không quá ngạc nhiên khi trong bữa ăn của người Nhật có sự góp mặt chủ yếu của những sản vật được lấy từ biển khơi.

Đối với người Nhật, điều quan trọng không chỉ ở hình thức món ăn mà còn ở khung cảnh thực phòng cũng như phong cách phục vụ. Trước khi ăn người Nhật thường nói “itadakimasu”, đó là một câu nói lịch sự nghĩa là “xin mời”. Nó nhấn mạnh sự cảm ơn tới người đã cất công chuẩn bị bữa ăn. Khi ăn xong, họ lại cảm ơn một lần nữa “gochiso sama deshita” có nghĩa là “cám ơn vì bữa ăn ngon”.  

Món ăn thường ngày của người Nhật bản chủ yếu là cơm, cá và rau. Thịt ít có trong thành phần bữa ăn của họ, thay vào đó, chất đạm và chất khoáng cần thiết được lấy thêm từ rong biển. Từ những nguyên liệu cơ bản này, người Nhật Bản đã sáng tạo nên vô vàn món ăn dân tộc bằng óc thẩm mỹ và sự khéo léo.
Chirashizushi: thì được chế biến đặc biệt theo phong cách kiểu Tokyo và Osaka. Đó là một tô cơm đầy ắp các loại thịt cá, rong biển và trứng( kiểu Tokyo sẽ dùng trừng thái miếng còn Osaka là trứng được thái chỉ rồi rắc lên cùng rong biển).

Trong các món ăn truyền thống, người Nhật yêu thích hơn cả là sasimi, hay còn gọi là cá sống. Sasimi nguyên nghĩa là lát cắt mỏng, món ăn này được làm từ các loại hải sản như cá, tôm, mực tươi sống chứ không phải chỉ được làm từ cá. Đây là món ăn cầu kì, dùng kèm với nước tương shoyu và wasabi. Nguồn gốc món ăn bất nguồn từ những người ngư dân đánh bắt xa bờ, điều kiện trên biển không cho phép nhóm lửa nên họ phải ăn cá sống. Dần dần, món ăn này trở nên phổ biến và ăn sâu vào văn hóa ẩm thực Nhật Bản.

Một món ăn từ hải sản rất nổi tiếng khác của Nhật Bản là sushi. Sushi gồm cơm nắm và hải sản sống. Món ăn này là tổng hòa của các nguyên liệu thường xuyên nhất trong bữa ăn người Nhật. Sushi có nhiều hình thức, đơn giản và dễ làm nhất là Chirashizushi, chỉ việc cắt nhỏ các loại hải sản rồi trộn với cơm, trông khá giống với món cơm chiên Dương Châu mà người Việt quen thuộc.

Loại thứ hai là Norimakizushi, món này được thực hiện với nhân ở giữa là hải sản sống, kế đến là cơm, bên ngoài cuốn rong biển, cuốn chặt dưới sự hỗ trợ của mành tre rồi cắt lát nhỏ. Lát shushi có hình dạng tương tự lát bánh tét nhưng nhỏ hơn.

Dạng phổ biến nhất là dạng mà chúng ta thường thấy ở các cửa hàng Nhật Bản: Nigirizushi. Với loại này, người ta nắm một nắm cơm cỡ bằng 2 ngón tay rồi đặt lên đó một lát hải sản sống. Cũng như Sasimi, Sushi được ăn với nước tương Shoyu và Wasabi. Món ăn này cũng có nguồn gốc tương tự sasimi, liên quan đến tập quán đánh bắt xa bờ lâu ngày của người Nhật.

Món ăn không kém phần đặc sắc tiếp theo của ẩm thực xứ mặt trời mọc là Tempura. Chúng ra thường gọi là món tôm tẩm bột nhưng thật ra đây là cách gọi nói chung cho các món tẩm bột chiên, có thể là tôm, cá hay các loại rau củ. Món ăn này có nhiều dầu mỡ nên thường được ăn kèm cùng các món chính, như một cách làm phong phú các phương pháp chế biến.