Tên “Nhật Bản” viết theo chữ cái Latinh (Romaji) là Nihon hoặc Nippon (đọc là “Ni-hôn” hoặc “Níp-pôn”); theo chữ Hán hai chữ “Nhật Bản” có nghĩa là “Gốc Của Mặt Trời” và như thế, được hiểu là “Xứ Mặt Trời Mọc”.
Nhật Bản còn có các mĩ danh là “xứ sở hoa anh đào”, vì cây hoa anh đào (sakura) mọc trên khắp nước Nhật từ Bắc xuống Nam, những cánh hoa “thoắt nở thoắt tàn” được người Nhật yêu thích, phản ánh tinh thần nhạy cảm, yêu cái đẹp, sống và chết đều quyết liệt của dân tộc họ; hay “đất nước hoa cúc” (tác phẩm: Hoa cúc và thanh kiếm, của Ruth Benedict, nhà dân tộc học người Mỹ năm 1946) vì bông hoa cúc 16 cánh giống như mặt trời đang tỏa chiếu là biểu tượng của hoàng gia và là quốc huy Nhật Bản hiện nay; “đất nước mặt trời mọc”, vì Nhật Bản là quốc gia ở vùng cực đông, tổ tiên của họ là nữ thần mặt trời Amaterasu (Thái dương thần nữ).
Vào thế kỷ thứ 4, Nhật Bản đã lấy tên nước là Yamato. Còn người Trung Quốc từ trước công nguyên đã gọi Nhật là Nụy quốc (nước lùn), người Nhật là Nụy nhân (người lùn), những tên cướp biển trên biển Đông Trung Hoa thời Minh là Nụy khấu (giặc lùn). Do thời đó người Nhật chưa có chữ viết riêng nên Yamato được viết bằng chữ Hán. Sau này, người Nhật dùng hai chữ Hán là Đại Hòa để biểu ký âm Yamato, thể hiện lòng tự tôn dân tộc.
Nhật Bản còn được gọi là Phù Tang. Cây phù tang, tức một loại cây dâu. Theo truyền thuyết cổ phương Đông có cây dâu rỗng lòng gọi là Phù Tang hay Khổng Tang, là nơi thần mặt trời nghỉ ngơi trước khi cưỡi xe lửa du hành ngang qua bầu trời từ Đông sang Tây, do đó Phù Tang hàm nghĩa văn chương chỉ nơi mặt trời mọc.
Năm 670, năm đầu niên hiệu Hàm Hanh (670-674) nhà Đường (vua Đường Cao Tông), Nhật Bản gửi một sứ bộ đến chúc mừng triều đình Trung Quốc nhân dịp vừa bình định Cao Ly (Triều Tiên) và từ đó được đổi tên là Nhật Bản.
Nhatban.net.vn