Ngày 9/9, Thượng viện Nhật Bản đã thông qua dự luật cho phép bỏ thời hạn lao động 3 năm đối với việc thuê lao động tạm thời. Dự luật được thông qua với sự ủng hộ của đảng Tự do Dân chủ (LDP) cầm quyền và đối tác trong liên minh cầm quyền-đảng Công minh Mới (NKP).
Theo luật lao động hiện hành, thời hạn thuê lao động tạm thời thông qua các công ty tuyển dụng lao động không được quá 3 năm đối với cùng một công việc, trừ 26 công việc yêu cầu các kỹ năng chuyên sâu như phiên dịch viên và thư ký.
Với việc dỡ bỏ thời hạn 3 năm, luật sửa đổi sẽ cho phép các chủ doanh nghiệp sau khi hết hợp đồng được tiếp tục được sử dụng nguồn lao động tạm thời cho vị trí công việc đó với điều kiện họ phải thuê các lao động khác nhau sau mỗi 3 năm và phải tôn trọng ý kiến của người lao động.
Với những người lao động tạm thời làm cùng một công việc trong 3 năm liền, các công ty môi giới (tuyển dụng lao động Nhật Bản) liên quan sẽ phải đề nghị chủ doanh nghiệp tiếp tục ký hợp đồng trực tiếp hoặc tìm một công việc tạm thời mới cho lao động đó.
Văn kiện mới cũng yêu cầu các công ty môi giới phải có giấy phép của chính phủ mới bắt đầu hoạt động, đồng thời sẽ phải chịu sự giám sát chặt chẽ.
Dự luật trên được sửa đổi từ một dự luật đã được Hạ viện Nhật Bản thông qua vào tháng Sáu vừa qua. Để chính thức có hiệu lực, văn bản mới này sẽ phải được Hạ viện phê chuẩn.
Theo số liệu của Bộ Lao động Nhật Bản tính đến tháng 6/2014, nước này có khoảng 1,26 triệu lao động tạm thời.
Trong một động thái riêng rẽ cùng ngày, Thượng viện Nhật Bản đã thông qua và ban hành một đạo luật nhằm sửa đổi sự chênh lệch trong việc trả lương giữa các lao động tạm thời và lao động thường xuyên khi làm cùng một công việc./.
Theo VNPlus, ATK tổng hợp