Xuất khẩu lao động vượt mốc 100.000 người/năm

Năm 2014, công tác xuất khẩu lao động đã vượt kế hoạch đề ra. Số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ước tính đạt 105 nghìn lao động, trong đó có khoảng 30% lao động nữ, cao hơn so với kế hoạch là 90 nghìn lao động. Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Tống Hải Nam có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân về chủ đề này.

 

 

PV: Năm 2014 được đánh giá là năm tương đối thuận lợi đối với lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ) của Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Tống Hải Nam: Năm 2014 không hoàn toàn là một năm thuận lợi đối với lĩnh vực hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bên cạnh một số thuận lợi như nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam của một số thị trường lao động như Nhật Bản, Đài Loan tăng đáng kể trong năm nay; nguồn cung lao động cho thị trường lao động ngoài nước của Việt Nam rất dồi dào; trình độ tay nghề, ngoại ngữ và ý thức kỷ luật của đại bộ phận lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được cải thiện. Đồng thời, Nhà nước ngày càng quan tâm tới hoạt động này và có nhiều chính sách hỗ trợ cho hoạt động này.

Tuy nhiên, cũng không ít khó khăn, khi nhu cầu tiếp nhận lao động của nhiều quốc gia chưa thực sự phục hồi sau khủng hoảng kinh tế thế giới; sự cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia cung ứng lao động. Trong khi đó, chất lượng lao động xuất khẩu chưa cao, còn phát sinh các vụ việc liên quan đến vi phạm kỷ luật của lao động Việt Nam ở nước ngoài; nhiều cá nhân, tổ chức không có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài lợi dụng, thu tiền của người lao động một cách bất hợp pháp; nhất là tình trạng lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài bỏ hợp đồng hoặc không về nước sau khi hết hạn hợp đồng vẫn tiếp tục diễn ra ở những thị trường xuất khẩu tiềm năng.

PV: Năm 2014 được nhận định là năm có nhiều thị trường XKLĐ “rộng cửa” đón chào lao động Việt Nam, trong đó, Đài Loan vẫn là thị trường chính. Ông có thể cho biết rõ hơn về những thị trường này?

Ông Tống Hải Nam: Có thể nói, kể từ khi chúng ta đưa lao động sang Đài Loan tới nay, đây là năm có số lượng lao động đưa đi lớn nhất. Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước, đến hết tháng 11-2014, đã có 57.823 lao động sang Đài Loan làm việc. Dự kiến cả năm nay, tổng số lao động đưa đi khoảng 60 nghìn lượt lao động, là mức cao nhất từ trước tới nay, so với mức đưa đi bình quân trong vòng năm năm (từ 2010 đến hết tháng 11-014) khoảng 40 nghìn lượt người/năm. Đây là con số tăng trưởng ngoạn mục nhất mà chúng ta có thể thấy tại thị trường lao động này trong 14 năm qua.

Lý giải nguyên nhân về sự gia tăng mạnh mẽ này, thứ nhất là do những chính sách phát triển kinh tế và thúc đẩy việc làm của Đài Loan kể từ cuối năm 2011 đến nay dẫn đến tổng lượng tiếp nhận lao động nước ngoài gia tăng hàng năm. Đặc biệt, tình hình cung ứng lao động của các nước khác có lợi cho phía Việt Nam. Đó là: số lượng lao động Thái-lan đi làm việc tại Đài Loan tiếp tục xu hướng giảm dần, trong đó nguồn lao động thay thế chủ yếu là lao động Việt Nam; lao động Indonesia chủ yếu sang làm việc trong ngành dịch vụ xã hội (chăm sóc người bệnh tại gia đình); Philippines trong nhiều năm nay cơ bản không đẩy mạnh việc đưa lao động sang Đài Loan. Đồng thời, có sự nỗ lực của các doanh nghiệp ta trong việc tuyển chọn, đào tạo và đáp ứng nguồn cung cho thị trường lao động Đài Loan.

PV: Đài Loan được đánh giá là khá thân thiện, gần gũi với người lao động nước ta kể cả về mặt xã hội lẫn vị trí địa lý. Vậy vì sao chi phí xuất khẩu lao động sang thị trường này vẫn luôn cao, thuộc tốp đầu các nước tiếp nhận lao động Việt Nam?

Ông Tống Hải Nam: Khi nghiên cứu ban hành các quy định về chi phí đi làm việc tại các thị trường khác nhau, đều căn cứ trên nhiều yếu tố của thị trường lao động đó, như: pháp luật của nước tiếp nhận, mức lương cơ bản, các chi phí liên quan đến khai thác đơn hàng, chi phí thủ tục, vé máy bay, visa, phí khám sức khỏe….

Bên cạnh đó, chi phí của người lao động còn phải căn cứ theo loại ngành nghề, trình độ tay nghề, ngoại ngữ của người lao động đối với yêu cầu của từng thị trường. Do vậy, nếu so sánh chi phí thị trường Đài Loan với chi phí đi làm việc tại các thị trường khác sẽ khó đạt được kết quả của phép so sánh.

Với thị trường Đài Loan, đây không chỉ là thị trường gần gũi, thân thiện với người Việt Nam, mà còn là thị trường khá dễ tính, tiếp nhận nhiều lao động phổ thông của ta, nhưng lại là thị trường có mức lương cơ bản thuộc hàng khá trong các thị trường hiện có (lương cơ bản xấp xỉ 630 USD), là thị trường có hành lang pháp lý bảo vệ người lao động tương đối đầy đủ ở cả hai phía, lại gần về vị trí địa lý và đặc biệt dễ thích nghi và hòa nhập đối với lao động của ta.

Do vậy, với một thị trường khá lợi thế cho số đông người lao động của ta, và cũng là thị trường mà tới nay, người lao động có tương đối đủ thông tin về thị trường (thu nhập, điều kiện sống và làm việc…) từ các kênh tuyên truyền của nhà nước đến bạn bè, người thân đã và đang làm việc tại đây, cùng với minh chứng là số lượng lao động ta sang Đài Loan không ngừng tăng lên trong những năm qua, chứng tỏ một sự phù hợp trên khá nhiều phương diện thực tế đối với người lao động ta đi làm việc tại địa bàn này.

PV: Hiện nay, thị trường Nhật Bản được đánh giá là thị trường lao động tiềm năng. Ông có thể cho biết nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam của thị trường Nhật Bản trong thời gian tới?

Ông Tống Hải Nam: Nhu cầu tuyển dụng lớn nhất của thị trường Nhật Bản đối với lao động Việt Nam là thực tập sinh kỹ năng vừa học vừa làm trong thời gian tối đa là 3 năm. Trước đây, thực tập sinh Việt Nam được Nhật Bản tiếp nhận chủ yếu trong các ngành cơ khí, điện tử, dệt may. Tuy nhiên, trong khoảng ba năm gần đây, Nhật Bản tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam trong hầu hết các ngành nghề từ xây dựng, cơ khí, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, dệt may, trong đó, nhu cầu với các ngành xây dựng, nông nghiệp, chế biến thực phẩm tăng mạnh.

Ngoài ra, để chuẩn bị cho Thế vận hội Tokyo được tổ chức vào năm 2020, trong năm năm từ năm 2015 đến 2020 Nhật Bản dự kiến tiếp nhận số lượng lớn thực tập sinh xây dựng và xem xét việc tiếp nhận lại các thực tập sinh xây dựng đã hoàn thành hợp đồng về nước trước đây.

Vì vậy, trong thời gian tới, các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao của thị trường Nhật Bản dự kiến là xây dựng, cơ khí chế tạo, nông nghiệp, chế biến thực phẩm.

Ngoài thực tập sinh, Nhật Bản còn có nhu cầu tiếp nhận lao động có trình độ cao như kỹ sư thiết kế, kỹ sư cơ khí, điều dưỡng, hộ lý. Ngày càng có nhiều cơ hội cho các lao động Việt Nam sang làm việc và học tập tại Nhật Bản.

PV: Ông đánh giá thế nào về cơ hội tiếp nhận lao động có trình độ cao của Việt Nam của các thị trường trong thời gian tới?

Ông Tống Hải Nam: Nhu cầu tiếp nhận lao động trình độ cao của các quốc gia tiếp nhận lao động vẫn luôn có, tuy nhiên lao động Việt Nam không có nhiều cơ hội do chưa được các quốc gia tiếp nhận tin cậy về trình độ, tay nghề, và ngoại ngữ. Trước đây, lao động trình độ cao của Việt Nam chỉ có cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc (theo chương trình thẻ vàng) nhưng với số lượng rất hạn chế, và một số chuyên gia đi làm việc ở các quốc gia nhưng theo hình thức cá nhân. Hai năm trở lại đây, lao động trình độ cao của Việt Nam, đặc biệt là lao động trong ngành điều dưỡng, hộ lý có nhiều cơ hội đi làm việc ở nước hơn khi Cục Quản lý lao động ngoài nước được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giao trực tiếp thực hiện hai chương trình hợp tác với Nhật Bản và Đức trong việc tuyển chọn, đào tạo và đưa các ứng viên điều dưỡng, hộ lý của Việt Nam sang làm việc tại hai quốc gia này.

PV: Bên cạnh việc vẫn theo dõi chặt chẽ tình hình lao động làm việc ở nước ngoài, bảo vệ quyền lợi người lao động, đồng thời xử lý kịp thời những vi phạm kỷ luật của người lao động làm ảnh hưởng đến thị trường, nhiều chuyên gia cho rằng cơ quan chức năng cần theo dõi, hỗ trợ và phát huy khả năng của lực lượng lao động này khi về nước. Quan điểm của ông và kế hoạch của Cục Quản lý lao động ngoài nước trong thời gian tới về vấn đề này?

Ông Tống Hải Nam: Phải thừa nhận rằng chính sách hiện hành của Nhà nước đối với người lao động sau khi về nước còn rất chung chung, chưa cụ thể, sát sao. Trong thời gian tới, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ cùng các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp theo dõi đầy đủ, cụ thể, hiệu quả đối với từng lao động khi về nước, nhằm giúp họ nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng xã hội, nhanh chóng có việc làm phù hợp và tận dụng được tối đa những kiến thức, kinh nghiệm mà họ tích lũy được trong thời gian làm việc ở nước ngoài; cũng như tư vấn để người lao động và gia đình của họ để sử dụng có hiệu quả nhất nguồn vốn đã tích lũy được.

Xin cảm ơn ông!

* Tại các thị trường trọng điểm truyền thống, số lượng lao động đưa đi tăng đáng kể so với năm 2013: Đài Loan hơn 60 nghìn lao động, Nhật Bản gần 20 nghìn lao động, Hàn Quốc gần 7.000 lao động, Malaysia gần 5.000 lao động, Ả-rập Xê-út gần 4.000 lao động, Qatar: gần 1.000 lao động.