Nhật Bản cần 150.000 lao động ngành xây dựng

 
Theo Ban quản lý lao động VN tại Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản đã dự báo cần 150.000 lao động cho việc tái thiết sau thảm họa động đất, sóng thần và xây dựng công trình cho Thế vận hội 2020.
Trước thông tin này, các nghiệp đoàn tuyển dụng ở Nhật và các công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) VN đã rục rịch đón đầu cơ hội. Đây sẽ là cơ hội rất lớn cho lao động VN bởi Nhật có chế độ tiền lương tốt, các chế độ đãi ngộ ở mức cao.

 
Nhật hợp tác đào tạo nhân lực
 
Mỗi tháng đưa đi khoảng 1.000 lao động
 
Ông Nguyễn Gia Liêm – trưởng Ban quản lý lao động VN tại Nhật Bản – cho biết trong bốn tháng đầu năm, tỉ lệ lao động VN sang làm việc tại Nhật Bản tăng khoảng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Theo ông Liêm, mỗi tháng các doanh nghiệp VN phái cử tổng cộng khoảng 1.000 lao động sang Nhật làm việc trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó tăng nhanh là lao động xây dựng.
 
Ông Nguyễn Gia Liêm, trưởng Ban quản lý lao động VN tại Nhật, cho biết trong tháng 4-2014 Chánh văn phòng nội các Nhật thông báo Chính phủ Nhật đã đồng ý “tăng thời hạn lưu trú cho lao động xây dựng từ 3 năm lên 5 năm và có hiệu lực vào giữa năm 2015”. Đồng thời, các tờ báo uy tín tại Nhật cũng thông tin Nhật Bản đang thiếu lao động trong lĩnh vực này. Do vậy, Nhật đang hướng tới tiếp nhận lao động từ nước ngoài và VN là điểm ưu tiên hàng đầu của các nghiệp đoàn tuyển dụng tại Nhật.
 
 
 
Lao động Việt Nam làm trong ngành xây dựng ở Nhật – Ảnh: N.G.L.
 
“Đã có một số tập đoàn, nghiệp đoàn uy tín trong lĩnh vực xây dựng tới đặt vấn đề với chúng tôi. Trong đó, đáng chú ý là một nghiệp đoàn xây dựng lớn của Nhật đặt vấn đề hợp tác đào tạo nguồn nhân lực xây dựng tại VN trước khi đưa qua Nhật làm việc. Nghiệp đoàn này tỏ ra sốt sắng khi đề nghị cùng hợp tác thành lập Trung tâm nhân lực xây dựng Asean và họ ưu tiên chọn VN để thực hiện dự án. Họ sẽ đưa công nghệ, kỹ năng hiện đại của Nhật sang VN để đào tạo nhân lực xây dựng chất lượng” – ông Nguyễn Gia Liêm cho biết.
 
Trước đó vào năm 2013, đại diện một số nghiệp đoàn, hiệp hội xây dựng Nhật đã ký bản ghi nhớ với phía VN (chủ trì là Bộ Xây dựng) về việc hợp tác đào tạo nhân lực trong lĩnh vực xây dựng. Mục tiêu chính của bản ghi nhớ là Nhật sẽ tiếp nhận số lượng lớn lao động VN trong lĩnh vực xây dựng. Trước mắt là phục vụ trong lĩnh vực xây dựng của Nhật, tương lai sẽ trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các doanh nghiệp xây dựng Nhật đầu tư tại VN.
 
Một số chuyên gia và công ty XKLĐ nhận định việc tăng thời hạn lưu trú và ưu tiên tiếp nhận lao động VN trong lĩnh vực xây dựng là một cơ hội lớn cho người lao động VN. Ông Lê Long Sơn, giám đốc Công ty Esuhai – một doanh nghiệp về đào tạo và làm XKLĐ sang Nhật – khẳng định: “Năm 2014 và các năm tiếp theo sẽ có sự bùng nổ về nguồn nhân lực xây dựng sang làm việc tại Nhật. Esuhai của chúng tôi và nhiều công ty XKLĐ khác đã và đang tìm cách tạo nguồn, đón đầu cơ hội này”.
 
Lương cao, đòi hỏi cao
 
Để đón đầu cơ hội này, Công ty Esuhai đã liên tục tổ chức các hội thảo về “Việc làm tại Nhật Bản” ở TP.HCM (ngày 29-5), Bà Rịa-Vũng Tàu (28-4) và Đà Nẵng (24-5). Các hội thảo tập trung về việc làm tại Nhật Bản trong lĩnh vực xây dựng.
 
“Chúng tôi làm hội thảo giới thiệu cơ hội việc làm tại Nhật trong lĩnh vực xây dựng cho sinh viên ngành xây dựng. Đó cũng là nơi chúng tôi tìm ứng viên chất lượng để đào tạo và phái cử qua Nhật trong lĩnh vực này” – ông Lê Long Sơn cho biết.
Tại các buổi hội thảo, Công ty Esuhai cho biết lĩnh vực xây dựng mà công ty sẽ tuyển người qua Nhật chủ yếu trong ba mảng chính là cốp pha, lắp ráp kết cấu thép và trang trí nội thất…
 
Còn ông Nguyễn Văn Hiệp, tổng giám đốc Vinaconexmex, JSC, cho biết thông tin về việc Nhật cần số lượng lớn lao động xây dựng đều được các công ty XKLĐ cập nhật. “Riêng với chúng tôi đã có một vài đối tác Nhật đề nghị hợp tác, chào đơn hàng xây dựng. Chúng tôi đang chuẩn bị nguồn nhân lực này, chuẩn bị kỹ về chất lượng để đón đầu và duy trì cơ hội này lâu dài chứ không ăn xổi” – ông nói.
 
Tuy nhiên mọi việc cũng chưa hẳn đơn giản. Ông Hiệp nhìn nhận: tuy Nhật cần số lượng lao động lớn trong xây dựng nhưng nguồn nhân lực không dễ kiếm. “Đòi hỏi về độ an toàn trong lao động là khắt khe, để hiểu về an toàn thì người lao động phải học tốt tiếng Nhật. Đáp ứng hai điều kiện này là cơ bản, còn tay nghề sẽ đào tạo tùy khả năng thích ứng của lao động” – ông Hiệp nói.
 
Khảo sát mức lương trong lĩnh vực xây dựng, ông Nguyễn Gia Liêm – trưởng Ban quản lý lao động VN tại Nhật – cho biết: “Lương cơ bản của lao động phổ thông tại Nhật trong ngành xây dựng khoảng 30 triệu đồng/tháng (chưa tăng ca), riêng kỹ sư trên 40 triệu đồng/tháng”.
 
HỒ VĂN