Trong ẩm thực Nhật Bản có rất nhiều món ăn từ cá, nhưng thú ăn cá suối này có lẽ là một trong số những thói quen đáng khám phá nhất của người Nhật. Sống trong vùng đất có 4 mùa xuân – hạ – thu – đông biến chuyển rõ rệt, người Nhật đã sớm hình thành mối quan hệ mật thiết với thiên nhiên cũng như các mùa trong năm. Cảm thức sâu sắc về mùa này đã ảnh hưởng đến cả văn hóa ẩm thực, khi tùy vào điều kiện thiên nhiên của từng mùa và từng tháng, lại xuất hiện những món ăn đặc trưng. Khoảng thời gian từ giữa hè sang đầu thu này là thời điểm lý tưởng cho một truyền thống ẩm thực thú vị của Nhật Bản – thú câu và nướng cá suối Ayu.
Cá Ayu là gì?
Ngoài việc sở hữu lãnh hải rộng lớn với nguồn cá biển phong phú và đa dạng, ẩm thực Nhật Bản còn có lợi thế khi có một hệ thống sông suối dày đặc, với những loại cá nước ngọt vô cùng thơm ngon. Một trong những giống cá nước ngọt nổi bật nhất chính là Ayu. Ayu thuộc nhóm cá suối, sống trong các con suối thượng nguồn trong rừng sâu. Với điều kiện đó, nguồn nước của Ayu luôn tránh được ô nhiễm, giữ được độ tinh khiết và tạo nên vị thơm ngon tự nhiên cho thịt cá.
Những con suối trong vắt nơi Ayu “cư ngụ”
Cá Ayu bắt đầu xuất hiện ồ ạt vào khoảng cuối tháng 6 đổ đi, và đến tháng 9 thì bắt đầu thời kì sinh sản của cá. Nếu bạn ăn cá Ayu vào khoảng thời gian này, ngoài lớp thịt cá chắc nịch và thơm ngọt, bạn còn được “khuyến mãi” vô số trứng cá bùi bùi thơm thơm nằm bên trong nữa đấy!
Kĩ thuật câu cá Ayu độc đáo
Để câu được cá Ayu, người ta không thể sử dụng kĩ thuật câu bình thường mà phải có kĩ thuật riêng, kĩ thuật này có tên là Tomozuri. Sự độc đáo và khéo léo của Tomozuri đã biến việc câu cá Ayu từ hành động đánh bắt bình thường trở thành thú vui giải trí được rất nhiều người dân Nhật Bản ưa chuộng.
Quang cảnh câu cá Ayu
Thay vì dùng mồi câu bình thường, Tomozuri sử dụng… một chú cá Ayu sống để làm mồi! Dựa vào đặc tính hiếu thắng và rất coi trọng lãnh thổ riêng của loài cá này, người đi câu sẽ gắn lưỡi câu vào chú cá Ayu mồi, cuối lưỡi câu có đính mọc chiếc móc sắt dài. Khi cá Ayu mồi bơi vào lãnh thổ của một đàn Ayu bất kì, những cá thể trong đàn sẽ lập tức xông tới tấn công Ayu mồi. Chính vào lúc đó, những chú Ayu hiếu chiến này sẽ bị “dính bẫy”, gắn chặt vào chiếc móc sắt ở cuối lưỡi câu.
Thành quả sau buổi đi câu bằng kĩ thuật Tomozuri
Vị ngon của sự tinh khiết của cá suối Ayu
Ayu là một trong những loại cá nước ngọt đắt tiền và được ưa chuộng số một tại Nhật Bản. Tuy vậy, cách thức chế biến món cá này lại vô cùng giản dị, chủ yếu chỉ đem nướng muối. Tuyệt nhất là khi bạn đặt chân tới vùng thượng nguồn trong lành và hoang vắng của vùng núi rừng Nhật Bản, trải qua một buổi câu cá bên suối thật thú vị, rồi ngay lập tức xiên que, đem nướng những chú cá còn tươi roi rói ấy trên ngọn lửa hồng từ củi đá ven đường. Vị tinh khiết, thơm ngọt không pha lẫn tạp chất của thịt cá Ayu kết hợp cùng chút muối mằn mặn, cùng hương củi thanh thanh đã tạo nên một bữa tối “dã chiến” có một không hai.
Tuy nhiên, trong đời sống công nghiệp hối hả và bận rộn ở Nhật Bản, không phải ai cũng có điều kiện để làm một chuyến du lịch câu cá đúng kiểu. Ayu mau chóng bước chân vào các quán ăn, nhà hàng, và vẫn giữ nguyên cách thức nướng giòn cùng muối tinh. Dù với kiểu chế biến nào đi chăng nữa, Ayu luôn giữ được lớp vỏ vàng ươm giòn rụm kết hợp cùng vị thơm ngọt đặc trưng của thịt cá, hấp dẫn thực khách từ thị giác đến vị giác.
Trong kí ức của chúng ta hẳn sẽ luôn tồn tại hình ảnh những nhà thám hiểm lạc vào rừng sâu đã linh hoạt hái quả dại, bắt cá suối để làm nguồn cung cấp thực phẩm. Đến với vùng thượng nguồn ở Nhật Bản, bạn hoàn toàn có thể trải nghiệm cảm giác thú vị đó khi tham gia vào hoạt động câu cá cũng như chế biến “tại trận” loại cá Ayu. Thưởng thức Ayu không chỉ tuyệt vời ở hương vị tinh khiết của món ăn, mà còn ở toàn bộ hoạt động văn hóa, giải trí diễn ra xung quanh món ăn độc đáo ấy.
#ATK