XKLĐ Nhật Bản: Đại diện các công ty chuyên về xuất khẩu lao động nhìn nhận trước đây nhu cầu lao động Việt Nam tại Nhật Bản khá nhỏ giọt nhưng từ năm 2012, nhu cầu lao động tại thị trường Nhật Bản khá đa dạng với nhiều đầu việc và số lượng lao động khá lớn (hơn 8.000 lao động). Người lao động có mức thu nhập khá ổn định 800-1.700 USD/tháng tùy từng công việc.
Đi lao động ở Nhật, thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng
Anh PNT (quê Quảng Bình) sau thời gian năm tháng học tiếng, với tổng các khoản chi phí hơn 4.000 USD đã sang Nhật làm việc trong ngành xây dựng tại Tokyo từ gần bốn tháng nay. Trao đổi với chúng tôi, anh cho hay mặc dù tại Việt Nam đã được học tiếng, giáo dục định hướng kỹ càng nhưng người Nhật rất coi trọng lễ nghi và sự an toàn trong lao động, do đó khi đến Nhật các công ty sẽ tiếp tục đào tạo tiếng và phổ biến nội quy, an toàn cho người lao động thêm một tháng nữa. Thời gian này người lao động vẫn được trả lương. Kể từ tháng thứ hai trở đi người lao động được hưởng lương chính thức. Theo đó nếu làm đủ ngày công trong tháng, cộng với thời gian làm thêm người lao động có mức thu nhập khoảng 35 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, giá cả sinh hoạt, thực phẩm tại Nhật khá đắt đỏ nên các lao động thường góp gạo nấu cơm chung để tiết kiệm.
Theo anh T., nơi ăn chốn ở được người sử dụng lao động bố trí khá tiện nghi. Người lao động phải tự tổ chức nấu ăn, trả tiền điện, nước hằng tháng. Anh T. tính toán: “Nếu người lao động làm việc chăm chỉ, chi tiêu tiết kiệm thì hằng tháng sẽ để dành được khoảng 15-20 triệu đồng gửi về gia đình”.
Lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật. Ảnh: SPSC
Thị trường xuất khẩu lao động sang Nhật nhu cầu cao
Bà Phan Thị Thảo, Phó Tổng Giám đốc của một doanh nghiệp chuyên cung ứng lao động sang Nhật Bản, cho biết từ năm 2012 thị trường Nhật Bản đã thu hút nhiều lao động Việt Nam sang làm việc. Đầu việc phổ biến do các nghiệp đoàn từ Nhật đặt hàng gồm điện, điện công nghiệp, cơ khí, xây dựng, nuôi trồng thủy sản, công nghệ thông tin… Các công việc này có mức thu nhập 800-1.200 USD, nếu làm thêm mức thu nhập lên đến 1.700 USD/tháng.
Trong thời gian làm việc tại Nhật, người lao động được các công ty mua xe đạp để làm phương tiện đi làm. Ngoài ra, các khoản bảo hiểm (tai nạn, y tế…) do người sử dụng lao động chịu chi phí. Riêng vé máy bay chiều đi do người lao động tự mua, lượt về người sử dụng lao động chịu chi phí.
Theo bà Thảo, tổng chi phí (bao gồm học tiếng, đào tạo định hướng, vé máy bay, visa…) cho bản hợp đồng ba năm làm việc tại Nhật dao động từ 3.000 đến 3.500 USD. Để sang Nhật làm việc người lao động mất từ bốn đến sáu tháng học tiếng Nhật và giáo dục định hướng như phong tục tập quán, văn hóa, cách ứng xử của người Nhật.
Hút nhà tuyển dụng nhờ cần cù
Bà Dương Thị Thu Cúc, Giám đốc một công ty xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, chia sẻ các công ty tại Nhật có nhu cầu tuyển lao động Việt Nam bắt đầu tăng tốc từ năm 2012. Dự kiến đến năm 2014 nhu cầu vẫn còn cao, trong đó tập trung vào các ngành nghề như xây dựng, cơ khí, chế biến thực phẩm… Theo bà Cúc, người sử dụng lao động tại Nhật rất có cảm tình với lao động Việt Nam, bởi lao động Việt Nam được đánh giá rất cần cù, siêng năng, ham học hỏi.
Tuy nhiên, các công ty xuất khẩu lao động khi đưa lao động đến thị trường này cần hết sức lưu ý để giữ hình ảnh lao động Việt Nam. Trước hết cần phải sàng lọc, tuyển chọn lao động kỹ càng để vừa đảm bảo tay nghề, vừa hạn chế tình trạng bỏ trốn như đã từng xảy ra tại thị trường Hàn Quốc. Các doanh nghiệp cần phải đào tạo tiếng, văn hóa lễ nghĩa Nhật thật bài bản để khi đến Nhật người lao động có thể hòa nhập ngay cuộc sống vào công việc. Kế đến là phải đào tạo nghề, kỹ năng làm việc thuần thục. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần có chế tài xử lý lao động bỏ trốn thật quyết liệt để hạn chế lao động bỏ trốn, qua đó sẽ tăng dần số lượng lao động Việt Nam đến Nhật làm việc nhiều hơn.
Nhật Bản là thị trường tuyển chọn lao động khắt khe nhưng nhiều cơ hội việc làm đối với lao động Việt Nam. Thị trường này đã thu hút khoảng 100 doanh nghiệp đưa lao động sang làm việc. Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cần phải chọn lọc kỹ đầu vào để hạn chế tình trạng lao động bỏ trốn. Để làm được việc này, các doanh nghiệp cần có mối liên hệ thường xuyên với thân nhân gia đình các lao động tại Việt Nam. Đồng thời, người lao động cũng phải có sự cam kết với chủ sử dụng lao động không được bỏ trốn. Ông NGUYỄN LƯƠNG TRÀO, |