Nhật vẫn giữ quyền chủ động quân sự

 
Tin tức Nhật Bản – Nhật tiếp tục diễn giải lại Hiến pháp, cho phép thực hiện một cuộc chiến tranh bênh vực đồng minh ngay cả khi Nhật không bị đe dọa.

Nhật xây dựng cơ quan tình báo giống Anh

Thủ tướng Nhật Bản sẽ dựa theo mô hình của văn phòng tình báo quân đội MI6 (Anh) để xây dựng văn phòng do thám Nhật Bản. Đây là một phần trong kế hoạch của Nhật nhằm tăng cường khả năng phòng thủ cho đất nước.
Trên thực tế, Nhật vẫn có một mạng lưới tình báo riêng, tuy nhiên, quy mô tương đối nhỏ, với khoảng 4.400 nhân viên hoạt động chủ yếu trong nước. Các cơ quan thuộc mạng lưới này cũng thường xuyên không chia sẻ thông tin với nhau. Nếu ông Abe muốn thành lập một cơ quan mang tính toàn cầu thì chắc chắn ông phải tìm cách chấm dứt sự cạnh tranh quan liêu này và chống lại những ý kiến phản đối của các chính trị gia khác.
Tuy nhiên, việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) hành quyết 2 con tin người Nhật Bản đã khiến nhiều tổ chức và cả người dân Nhật Bản thúc giục chính phủ cần phải tăng cường các biện pháp an ninh.
 
 Hai nhà báo người Nhật bị IS hành quyểt 
 
Thủ tướng Nhật Bản cúi đầu, rơi nước mắt xin lỗi quốc dân vì không cứu được hai nhà báo bị IS hành quyết
 
“Trên thực tế chúng tôi không hiện diện tại Trung Đông và phải hoàn toàn dựa vào thông tin của nước ngoài. Do đó, người dân Nhật bắt đầu nghĩ rằng chính phủ nên tìm cách thu thập và phân tích thông tin một cách hợp lí”, nhà lập pháp Takeshi Iwaya nói với Reuters.
Vụ 2 con tin người Nhật bị hành quyết cũng khơi dậy một số thay đổi về chính sách an ninh. Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật (NPA) đã tịch thu hộ chiếu của một nhiếp ảnh gia đang có ý định tới Syria vào tháng trước. Điều này làm gia tăng quan ngại về quyền tự do ngôn luận ở Nhật. Vào tháng trước, an ninh cũng được thắt chặt tại sự kiện Tokyo Marathon do mối lo ngại khủng bố.
Ngay cả khi kế hoạch thành lập cơ quan tình báo được chấp thuận, nó cũng sẽ mất hàng thập kỉ để Nhật Bản xây dựng mạng lưới chống khủng bố trên toàn thế giới, do vậy, trong tương lai gần Tọkyo vẫn sẽ phải dựa vào các nước đồng minh phương Tây như Mỹ hoặc Anh trong vấn đề tình báo.

Nhật tiếp tục mở rộng quyền phòng vệ tập thể

Không riêng vấn đề tình báo, hiện ông Abe đang giải quyết các công việc pháp lí nhằm thay đổi các giới hạn về quyền tự vệ của Nhật. Bộ máy tình báo quân đội đáng sợ của Nhật đã bị khối đồng minh bắt buộc giải thể sau khi nước này đầu hàng ở Thế chiến II.
Và phía chính phủ Nhật Bản đang muốn tạo thêm một bước ngoặt ngay từ đầu năm 2015 khi một lần nữa họ diễn giải lại Hiến pháp, xem xét lại Luật các lực lượng phòng vệ, cho phép thực hiện quyền phòng vệ tập thể. Hay nói cách khác là quyền bảo vệ các đồng minh của mình ngay cả khi Nhật Bản không bị đe dọa.
 
 Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe 
 
Thủ tướng Nhật Bản: “Mở rộng quyền hạn cho lực lượng phòng vệ là nhiệm vụ ưu tiên” 
 
Việc diễn giải này là hoàn toàn mới so với năm 2014, khi Nhật Bản lần đầu cho phép lực lượng phòng vệ (SDF) nước này tham gia vào một cuộc chiến tranh để bảo vệ đồng minh trong trường hợp lợi ích của Nhật bị đe dọa.
Những thay đổi mà Thủ tướng Nhật Bản S. Abe xác định là một “nhiệm vụ ưu tiên” của SDF sẽ đặt quyền phòng vệ tập thể lên ngang hàng với quyền phòng vệ của Nhật Bản trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm lược hay đứng trước nguy cơ đe dọa chuẩn bị xâm lược.
Nếu như dự định xem xét lại Luật các lực lượng phòng vệ  của chính phủ Nhật Bản được Quốc hội nước này chấp nhận, vai trò của SDF sẽ còn được mở rộng hơn. Chẳng hạn, SDF có thể tham gia bảo vệ các tàu chiến Mỹ khi bị tấn công bởi một nước thứ ba, được phép buộc dừng các tàu để kiểm tra khi nghi ngờ các tàu này chở vũ khí, hay được phép ngăn chặn một tên lửa đạn đạo khi nó bị phát hiện là đang hướng vào Nhật Bản hoặc một nước đồng minh của nước này, bảo vệ lực lượng gìn giữ hòa bình ở nước ngoài…
Đây chính là một trong những ưu tiên của Thủ tướng Shinzo Abe kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012 dưới khẩu hiệu đưa “Đất nước Mặt trời mọc” thành “quốc gia đóng góp chủ động” cho hòa bình và an ninh toàn cầu thông qua việc tăng cường năng lực của SDF.
Dự kiến sau khi tham vấn với đối tác trong liên minh cầm quyền là đảng Komeito vào trước ngày 20-3, Đảng Dân chủ tự do (LDP) của ông S. Abe sẽ chính thức đệ trình sự thay đổi của SDF ra Quốc hội.
Những thay đổi này sẽ chấm dứt việc cấm Nhật Bản hỗ trợ một quốc gia đồng minh trong trường hợp quốc gia đó bị tấn công. Ngoài ra, nó cũng nới lỏng những hạn chế về hoạt động của SDF trong chiến dịch gìn giữ hòa bình do Liên hợp quốc đứng đầu và các “kịch bản vùng xám” – những tình huống bất trắc nhưng chưa đến mức bùng phát thành chiến tranh.
Việc thay đổi luật các lực lượng phòng vệ rất có khả năng sẽ được Quốc hội thông qua, bởi hôm 4/3, một nguồn tin từ chính phủ Tokyo giấu tên cho biết trong thời gian tới, Nhật sẽ thông qua việc triển khai lực lượng SDF hỗ trợ quân đội EU nếu thấy cần thiết.
Thực tế thì khi Nhật Bản tham gia hỗ trợ đồng minh, đồng nghĩa với việc đồng minh sẽ giúp đỡ ngược lại trong trường hợp nước Nhật hữu sự. Không dừng ở đó, khi Nhật Bản thông qua quyền được tham gia một cuộc chiến của đồng minh đã mở ra một mặt trận mới trong đối đầu Nga – NATO. Nhật Bản vô hình chung đã trở thành một trong những gọng kìm quân sự ở phía Đông để đặt lá chắn tên lửa sát vách nước Nga.
Điều này chắc chắn sẽ bị những đối thủ của Mỹ phản đối. Đặc biệt là Trung Quốc, bởi giữa hai quốc gia Đông Bắc Á – Trung Quốc, Nhật Bản này đang trong mối quan hệ rất xấu, có thể bùng phát chiến tranh bất kỳ lúc nào.
 
Internet tổng hợp