Nỗ lực giữ thị trường truyền thống
Để chiếm được lòng tin của những thị trường lâu nay tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaixia…, và góp phần đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu lao động (XKLĐ), nhiều giải pháp tăng cường chất lượng lao động đã và đang được chú trọng.
Tăng cường trao đổi thông tin
Năm 2012, Nhật Bản hứa hẹn vẫn là thị trường tiếp nhận số lượng lớn thực tập sinh Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tại một hội thảo giữa Tổ chức Hợp tác Đào tạo Quốc tế Nhật Bản (JITCO) và Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) diễn ra vào ngày 16/2/2012, JITCO cho biết, Nhật Bản đang có nhu cầu cao trong việc tiếp nhận thực tập sinh ngành nông nghiệp. Sau thảm họa động đất và sóng thần tại Nhật năm 2011, tỷ lệ lao động nông nghiệp của Nhật Bản bị giảm mạnh.
Do đó, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đánh giá của JITCO, đây là ngành khá phù hợp với lao động Việt Nam. “Số lượng lao động được tuyển sẽ không bị giới hạn mà tùy vào khả năng đàm phán của doanh nghiệp phái cử lao động”, một cán bộ của Cục Quản lý lao động ngoài nước thông tin thêm.
Việc trao đổi giữa JITCO với Cục Quản lý lao động ngoài nước không chỉ chia sẻ những thông tin cập nhật nhất của Chính phủ Nhật Bản về tình hình tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài mà còn giải đáp những vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp Việt Nam liên quan đến hoạt động đưa thực tập sinh Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản. Việc tăng cường thông tin sẽ giúp hai bên có những định hướng và giải pháp nhằm làm cho chương trình hợp tác lao động ngày càng phát triển và được nâng cao hiệu quả.
JITCO cũng công bố kết quả khảo sát của tổ chức này về nhu cầu của số thực tập sinh Việt Nam sắp hết hạn làm việc tại Nhật. Khảo sát của JITCO cho thấy, các thực tập sinh Việt Nam sắp hết hạn hợp đồng về nước chủ yếu muốn được nhận vào làm việc trong công ty của Nhật tại Việt Nam và số ít khác thì mong muốn sẽ trở về Việt Nam thành lập công ty riêng trong lĩnh vực đã được đào tạo tại Nhật. Đồng thời, JITCO cũng cho hay, họ cũng đã tiếp xúc với các doanh nghiệp Nhật Bản đã và sẽ đầu tư vào Việt Nam về việc tiếp nhận và giải quyết việc làm cho các thực tập sinh Việt Nam khi trở về.
Năm 2011, Việt Nam đã đưa được 6.985 thực tập sinh kỹ thuật sang Nhật Bản, bằng 142% so với năm 2010. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, số lượng hợp đồng đăng ký phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản vẫn được duy trì ở mức độ khá cao, với nhiều ngành nghề đa dạng và có xu hướng tăng lên trong thời gian tới.
Ở châu Á, cùng với Nhật Bản thì Hàn Quốc, Đài Loan, Malaixia vẫn là các thị trường truyền thống của Việt Nam. Tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại 4 thị trường này là trên 200.000 người, chiếm 40% tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, nếu những cuộc trao đổi thông tin tương tự giữa Việt Nam và tổ chức đại diện cho các nước tiếp nhận lao động có thể diễn ra nhiều hơn, chắc chắn sẽ cải thiện hiệu quả công tác XKLĐ thời gian tới.
Nhiều giải pháp đi kèm
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, trọng tâm năm 2012 là tập trung nâng cao chất lượng nguồn lao động, thực hiện các giải pháp để khai thác tối đa nhu cầu lao động tại các thị trường đang phục hồi. Đặc biệt là đẩy mạnh khai thác nhu cầu lao động trong các lĩnh vực và các nghề trước đây chưa quan tâm khai thác do thiếu nguồn lao động như các nghề đòi hỏi trình độ cao, các nghề trong lĩnh vực dịch vụ, chăm sóc sức khỏe… Chương trình đưa hộ lý và y tá sang Nhật Bản làm việc trong thời gian tới chính là một trong những chương trình như vậy.
Cùng với việc tăng cường trao đổi thông tin, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết đã và đang phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đi kèm. Trước tiên, tăng cường chất lượng tuyển chọn lao động để người lao động được tuyển chọn có phẩm chất, nguyện vọng, kỹ năng và ý thức làm việc tốt đáp ứng được yêu cầu của bên tiếp nhận nước ngoài.
Cũng theo lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước, công tác quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài cũng được Cục lưu ý đẩy mạnh. Chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của Luật Người lao động Việt Nam về việc cử cán bộ đại diện tại các thị trường có nhiều lao động do công ty đưa sang làm việc để kịp thời hỗ trợ người lao động cũng như phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết các vụ việc phát sinh liên quan đến người lao động.
Nguồn: Báo mới
Tổng hợp: Xuất khẩu lao động Nhật Bản