Đi Nhật làm việc theo diện kỹ sư hay tu nghiệp sinh

Đông đảo sinh viên Việt Nam vẫn phải ra trường theo định kỳ, trong khi đó tình hình sản xuất kinh doanh trong nước đang gặp nhiều khó khăn. Áp lực ngành lao động việc làm trong nước rất lớn, nhiều bạn chọn giải pháp đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài.

 Vậy đối với kỹ sư ra trường thì nên đi lao động theo diện gì và ở đâu?

Lĩnh vực lao động việc làm ngoài nước (xuất khẩu lao động) đang nở rộ, chứng tỏ người lao động đang rất cần nhiều việc làm và các đối tác sử dụng lao động Việt Nam cũng ngày càng tin tưởng vào kỹ năng, tay nghề lao động Việt. Thực tế hiện này, Nhật Bản là nước được nhiều bạn trẻ lựa chọn đến để lao động và học tập. Hiện nay sang Nhật làm việc có một số cách đi phổ biến: đi theo diện kỹ sư, diện thực tập sinh kỹ năng, diện tu nghiệp sinh và du học – vừa học vừa làm.

Câu chuyện của một bạn kỹ sư vừa ra trường, 24 tuổi, có bằng ĐH chuyên ngành điện-điện tử hệ chính quy 5 năm, muốn đi Nhật làm việc ở. Có ưu thế gì so với những bạn đi tu nghiệp sinh bình thường? Quan trọng nhất, với ngành nghề đã học, họ có thể làm những việc gì? Những công ty nào có uy tín trong việc đưa lao động đi Nhật dạng tu nghiệp sinh?

Xin thưa:

Chương trình thực tập sinh của Nhật Bản là chương trình tiếp nhận lao động nước ngoài hệ công nhân với mục đích thông qua công việc tại nhà máy để nâng cao kỹ năng nghề, phát triển nghề nghiệp sau khi trở về nước.

Đối với chuyên ngành điện tử, nhà tuyển dụng Nhật thường tuyển thực tập sinh cho vị trí lắp ráp điện tử. Thực ra ngành nghề này thường không đòi hỏi kiến thức chuyên môn mà chỉ cần sự tỉ mỉ, khéo léo, siêng năng, nhanh nhẹn, trách nhiệm, làm theo dây chuyền… nên việc bạn có kiến thức chuyên môn cũng không phải là yếu tố quyết định cho sự tuyển chọn của nhà tuyển dụng.

Nếu muốn phát huy chuyên môn điện-điện tử, bạn hãy thử sức mình bằng cách tham gia chương trình kỹ sư. Chương trình này đòi hỏi rất cao về kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm làm việc và khả năng ngoại ngữ phải khá giỏi trở lên.

Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin tại các công ty có chức năng tuyển dụng thực tập sinh như Hr, Batimex, Tracimexco, Vitech, Suleco…

Và có bạn thì tốt nghiệp ĐH chuyên ngành cơ khí chế tạo, đang công tác tại một công ty có vốn đầu tư 100% của Nhật Bản hỏi: “Hiện tôi muốn làm việc tại Nhật Bản dạng kỹ sư. Tôi có thể liên hệ tại đâu (tôi ở Hà Nội)? Thủ tục ra sao? Yêu cầu trình độ tiếng Nhật?
 
Tôi có phải trải qua khóa học tiếng Nhật 6 tháng và các khóa học về giáo dục định hướng, làm quen với nghề hay không? Trường hợp tôi có chứng chỉ tiếng Nhật đảm bảo theo yêu cầu của nhà tuyển dụng, tôi có phải học khóa tiếng Nhật hay không? 

Theo như thông tin bạn gửi về chương trình, bạn có thể tham gia đi Nhật dạng kỹ sư; yêu cầu trình độ tiếng Nhật từ N2 trở lên. Tại Hà Nội, bạn có thể liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước (41B Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm).

Nếu bạn đã đạt trình độ tiếng Nhật đủ để đáp ứng điều kiện tuyển dụng sơ bộ ban đầu, bạn có thể tham gia phỏng vấn mà không cần tham gia khóa đào tạo trước; tuy nhiên nếu trúng tuyển, tùy theo yêu cầu của nhà tuyển dụng, bạn có thể phải tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật nâng cao và khóa đào tạo về các kỹ năng mềm để đáp ứng công việc tốt hơn.

TUỔI TRẺ