Đi Nhật lao động, nên chọn hình thức nào?

Em là sinh viên mới ra trường, muốn được đi Nhật làm việc. Em đã tìm hiểu nhiều thông tin nhưng còn băn khoăn không biết nên đi theo diện nào, thực tập sinh hay lao động bình thường? Em đọc được thông tin nói rằng thực tập sinh bị bóc lột rất nhiều nên hoang mang không biết như thế nào, nhờ chương trình giải đáp giúp. Em cũng nghe nói nếu tiết kiệm, một người đi Nhật trong 3 năm có thể kiếm được 500 triệu đồng đúng không? (minhdung1990@gmail.com)

 
 
Trước tiên do không xác thực được nguồn thông tin bạn cung cấp nên chúng tôi khó có thể bình luận về nội dung “thực tập sinh bị bóc lột nhiều”. Chúng tôi chỉ giải đáp cho bạn về việc đi lao động Nhật.
 
Hiện tại, người lao động có thể tham gia chương trình làm việc tại Nhật Bản với hai tư cách: thực tập sinh và kỹ sư/chuyên gia, tùy vào khả năng, điều kiện phù hợp với hệ nào.
 
Khi muốn tham gia chương trình làm việc tại Nhật Bản mà chưa hiểu rõ các thông tin cần thiết liên quan, bạn cần liên lạc trực tiếp với bộ/sở lao động – thương binh & xã hội để được cung cấp thông tin về các cơ quan phái cử được cấp giấy phép hành nghề và những thông tin quan trọng liên quan đến chương trình trước khi đăng ký.
 
Bạn nên tìm hiểu kỹ thông tin công ty giới thiệu, tuyệt đối tránh các trường hợp cò mồi, môi giới, công ty không có giấy phép đưa người lao động ra nước ngoài.
 
Ngoài ra, bạn nên chú ý tìm hiểu kỹ thông tin công ty tuyển dụng Nhật Bản, nội dung công việc bạn sẽ làm, chi phí, nhà ở ra sao…
 
Quan trọng hơn hết, bạn cần phải xác định rõ mục tiêu tương lai nghề nghiệp, năng lực chuyên môn, ngành nghề thích hợp để làm việc, đồng thời bạn phải thể hiện quyết tâm của mình sẽ làm việc thế nào để đóng góp vào việc phát triển lợi ích cho công ty tuyển dụng bạn.
 
Về việc tích lũy tài chính sau khi hoàn thành thực tập thì số tiền 500 triệu trong ba năm là có thể, con số này chắc chắn còn hơn thế nữa nếu bạn có kế hoạch chi tiêu, tích lũy hợp lý.
 
Nhưng xin lưu ý bạn, đi Nhật không chỉ để kiếm tiền, mà hãy tìm cách mang về những thứ quý hơn tiền, những thứ tạo ra tiền, đó là những kiến thức, kinh nghiệm chuyên ngành mà bạn đã thực tập và học hỏi, là trình độ/khả năng ngoại ngữ được nâng cao, tiếp thu tác phong làm việc chuyên nghiệp, ý thức trách nhiệm, tính tự lập và các kỹ năng cần thiết khác trong công việc… Sau khi về nước, chính những yếu tố này sẽ giúp bạn tự tin phát huy năng lực bản thân, phát triển sự nghiệp trên con đường dài lập nghiệp.
 
Chúc bạn đạt được mục tiêu của mình!
 
Mọi thắc mắc liên quan đến điều kiện, thủ tục để đi lao động tại Nhật Bản; chính sách, nhu cầu tuyển dụng, công việc, ngành nghề XKLĐ sang Nhật Bản; cơ hội việc làm tại các công ty Nhật Bản ở VN… bạn đọc có thể gửi về chuyên mục Tư vấn việc làm Nhật Bản theo địa chỉ     thuctapsinhnhatban2013@gmail.com (để đảm bảo chính xác nội dung câu hỏi, vui lòng gõ tiếng Việt có dấu )