Xuất khẩu lao động sẽ có chung bộ quy tắc ứng xử

Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động của Việt Nam đang cùng nhau mở rộng bộ quy tắc ứng xử. Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam cho biết, trong năm nay, cơ quan này mở rộng thực hiện bộ quy tắc ứng xử của các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tới 50 công ty, tiến tới giám sát, đánh giá tại tất cả các doanh nghiệp được cấp phép.

 
Thông tin trên được Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (Vamas) Nguyễn Lương Trào công bố trong hội nghị sơ kết thí điểm giám sát và đánh giá việc thực hiện bộ quy tắc ứng xử dùng cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (CoC-VN) diễn ra sáng ngày 21-5 tại Hà Nội.
Được xây dựng từ năm 2009, CoC-VN là công cụ quan trọng để các doanh nghiệp tuân thủ tốt hơn quy định pháp luật Việt Nam cũng như những tiêu chuẩn quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Qua một năm triển khai thực hiện thí điểm CoC-VN tại 20 doanh nghiệp cho thấy, doanh nghiệp đã tuân thủ các quy định về tuyển chọn lao động; duy trì liên lạc với địa phương trong bảo vệ người lao động ở nước ngoài; chất lượng đào tạo, giáo dục định hướng và dịch vụ của doanh nghiệp đã được nâng lên.
20 doanh nghiệp được chọn làm đối tượng giám sát, đánh giá thí điểm năm đầu đều có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động cung ứng lao động cho nước ngoài. Đa số có số lao động cung ứng cho thị trường ngoài nước lớn, hoặc có mô hình tốt trong hoạt động thực tiễn. Năm 2012, 20 doanh nghiệp này đã đưa gần 28% tổng số lao động của tất cả các doanh nghiệp cung ứng cho nước ngoài với các thị trường chủ yếu như Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia và Trung Đông.
Những hạn chế khiến doanh nghiệp bị đánh giá chưa tốt chủ yếu do thiếu tuân thủ các quy định pháp luật như báo cáo đầy đủ danh sách lao động xuất cảnh của doanh nghiệp cho ban quản lý lao động ngoài nước, báo cáo định kỳ cho cơ quan lao động địa phương, đóng đủ và đúng hạn và Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, chưa tuân thủ tốt nguyên tắc 11 về xây dựng quan hệ đối tác đặc biệt trong phối hợp với cơ quan lao động địa phương xử lý vụ việc phát sinh.
Ông Trào cũng nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện CoC-VN và giám sát kết quả thực hiện cần thu hút sự phối hợp đồng bộ của Hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị thanh – kiểm tra về lao động ở cả Trung ương và địa phương, ban quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức xã hội. Ngoài ra, cần tổ chức gặp gỡ, lấy phiếu điều tra người lao động trước và sau xuất cảnh để có nhiều thông tin hơn trong đánh giá doanh nghiệp.
Nguồn: Báo điện tử Nhân Dân
@ATK tổng hợp