Xuất khẩu lao động: 4 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm ngoái

Trong 4 tháng đầu năm 2015, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 35.709 lao động, đạt 37,58% kế hoạch năm 2015 và bằng 103,93% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội , trong quý I năm 2015, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 25.766 lao động (7.733 lao động nữ) đạt 27,12% kế hoạch năm 2015 và bằng 110,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

 
Tính riêng trong tháng 4/2015, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 9.943 lao động.
Theo đó Đài Loan vẫn là thị trường trọng điểm và dẫn đầu về số lượng lao động Việt Nam với 6.631 lao động; tiếp đến là Nhật Bản: 2.059 lao động; Malaysia: 556 lao động; Ả rập – Xê út: 350 lao động; Hàn Quốc: 187 lao động…
 
Năm 2015, Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục được xác định là thị trường trọng điểm. Đây là thị trường tiếp nhận nhiều lao động phổ thông, có mức lương cơ bản khá tốt so với các thị trường hiện có.
 
 
Để chuẩn bị cho Thế vận hội Tokyo được tổ chức vào năm 2020, nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài trong ngành xây dựng của Nhật Bản sẽ tăng trong thời gian tới. Để đáp ứng nhu cầu này, bên cạnh việc tiếp tục tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng ngành xây dựng, Bộ Quốc thổ, hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản đã ra Thông cáo số 822 về chương trình tiếp nhận lao động xây dựng người nước ngoài đối với những người đã hoàn thành 3 năm thực tập sinh kỹ năng ngành xây dựng. Đây cũng chính là cơ hội cho xuất khẩu lao động Việt Nam.
 
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc, ngày 10/4/2015, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký lại Biên bản ghi nhớ đặc biệt (MOU đặc biệt) về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm (EPS) của Hàn Quốc. Trong đợt tuyển dụng theo MOU đặc biệt này, phía Hàn Quốc đồng ý để Việt Nam đưa lên mạng 5.400 hồ sơ , và tối đa 2.900 lao động sẽ được lựa chọn sang Hàn Quốc làm việc trong các ngành nghề sản xuất chế tạo, xây dựng và nông nghiệp.
 
Nguồn lợi kinh tế từ xuất khẩu lao động là rất lớn, chính vì thế nước ta luôn chú trọng mở rộng và tìm kiếm thị trường, nâng cao chất lượng tay nghề cho lao động.